Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo Trần Cảnh Lạc, Nguyễn Xuân Danh, Nguyễn Thị Phúc.
Mở đầu phiên xử, thẩm phán Huỳnh Sáng - chủ tọa phiên tòa công bố Quyết định về việc hủy bỏ biện pháp tạm giam, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Nguyễn Thị Phúc. Trong phần thủ tục xét hỏi, khi được Hội đồng xét xử hỏi các bị cáo có thay đổi nội dung kháng cáo hay không, cả 3 bị cáo Lạc, Danh, Phúc đều giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng tham gia xét hỏi, nhằm làm rõ vai trò của từng cá nhân trong quá trình thực hiện việc ký kết mua bán hàng hóa, mục đích của việc mua bán hàng hóa.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên và Luật sư Trần Văn Hiếu bào chữa cho bị cáo Phúc cho rằng, bị cáo Phúc là kế toán trưởng đã thực hiện đúng hành vi theo quy định của pháp luật, hành vi ký nháy là sự ghi nhận, đánh dấu, theo dõi sự tồn tại của hợp đồng, nên không thể xem là đồng phạm.
Mặt khác, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Tây Ninh chỉ truy tố bị cáo Phúc liên đới bồi thường đối với 3 hợp đồng mà Công ty Mía đường Tây Ninh đã ký kết với công ty Xi Lai Phúc. Đối với 2 hợp đồng kinh tế số 84, 87, bị cáo Phúc không bị Viện KSND truy tố, quy kết liên đới chịu trách nhiệm bồi thường nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tuyên xử, buộc bị cáo Phúc liên đới bồi thường là vi phạm Điều 196 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (xét xử vượt quá giới hạn).
Luật sư Trần Văn Tạo và Luật sư Nguyễn Duy Hoàng bào chữa cho bị cáo Trần Cảnh Lạc cho rằng, trong 3 hợp đồng kinh tế số 80, 92, 97 giữa Công ty mía đường với Công ty Xi Lai Phúc, khi phát sinh tranh chấp, Công ty Mía đường Tây Ninh đã khởi kiện và đã có phán quyết của Trọng tài Quốc tế Việt Nam; hiện nay đang chờ thi hành án, vì vậy chưa có thiệt hại xảy ra. Mặt khác, luật sư cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật, một hành vi vi phạm không thể bị xử lý 2 lần (khoản 3, Điều 31 Hiến pháp).
Về cáo buộc của cấp sơ thẩm buộc tội bị cáo Lạc, Danh, Phúc có vai trò đồng phạm, nhưng luật sư cho rằng vai trò của các bị cáo trong vụ án này thể hiện từng hành vi độc lập, chứng cứ trong hồ sơ vụ án chưa chứng minh được sự thỏa thuận trong thực hiện hành vi, cho nên không thể là đồng phạm.
Đối với 2 hợp đồng kinh tế số 84, 87 hiện đang tồn tại có hiệu lực và 2 bên đang thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, Công ty Guo Qi Do Li đã chuyển số tiền trên 400 triệu đồng cho Công ty Mía đường Tây Ninh. Luật sư cho rằng cấp sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiệm trong thủ tục tố tụng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bản án có hợp pháp hay không?
Luật sư Vương Sơn Hà bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Danh cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã mâu thuẫn trong nhận định về đối tác mua bán hàng hóa với Công ty mía đường Tây Ninh. Bên cạnh đó, bị cáo Danh không được giao nhiệm vụ phải áp tải hàng hóa cho đối tác, đối với 2 hợp đồng số 84, 87 có điều khoản trả chậm, thực tế chưa vi phạm thỏa thuận, nếu các bên giao dịch có hành vi vi phạm, phát sinh tranh chấp thì có quyền khởi kiện để được giải quyết theo thủ tục dân sự.
Kết thúc phần tranh tụng, chuyển sang phần nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm hình sự số 10/2016/HSST ngày 23/5/2016 của TAND tỉnh Tây Ninh với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm Điều 196 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2003 “Xét xử vượt quá giới hạn”; đồng thời giao cho TAND tỉnh Tây Ninh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Được biết vụ án này trước đây TAND tỉnh Tây Ninh đã đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Cảnh Lạc 10 năm tù, bị cáo Nguyễn Xuân Danh 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Phúc 5 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, cả 3 bị cáo Lạc, Danh, Phúc đều kháng cáo kêu oan.
Thanh Thảo