Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thông tin tiếp theo về vụ án “hiếp dâm” ở huyện Châu Thành:
Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm
Thứ tư: 12:00 ngày 27/05/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm lại không đưa mẹ bị cáo Khánh và cha bị cáo Thuận vào tham gia tố tụng, nên đã vi phạm Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự. HĐXX sơ thẩm đã không tuân thủ theo trình tự thủ tục tố tụng, trình tự xét hỏi khi chưa xét hỏi đầy đủ tình tiết từng sự việc. Việc công bố lời khai bị cáo tại Cơ quan Điều tra thuộc thẩm quyền của HĐXX và kiểm sát viên, nhưng tại phiên toà sơ thẩm, thư ký phiên toà đã 4 lần công bố lời khai là vi phạm Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngày 25.5.2015, TAND tỉnh mở phiên toà hình sự phúc thẩm xem xét kháng nghị của VKSND huyện Châu Thành và kháng cáo của người bị hại đối với 2 bị cáo Trần Quốc Khánh (sinh ngày 4.11.1997) và Từ Minh Thuận (sinh ngày 28.11.1997, cùng ngụ tại xã An Cơ, huyện Châu Thành).

 

Trước đó, vào ngày 18.3.2015, TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử sơ thẩm tuyên Trần Quốc Khánh và Từ Minh Thuận không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi ở huyện Châu Thành.

 

Quang cảnh phiên toà phúc thẩm.

TOÀ SƠ THẨM TUYÊN KHÔNG PHẠM TỘI

Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu năm 2014, Khánh quen với N.T.N.T (sinh ngày 1.1.1999, ngụ huyện Hoà Thành). Cả 2 nhiều lần hẹn hò nên có tình cảm yêu thương nhau. Ngày 23.3.2014, Khánh điện thoại rủ T đến ấp An Lộc, xã An Cơ dự đám tang cha của người bạn.

Tối 24.3, Thuận đưa T về nhà (đối diện đám tang) ngủ, sau đó Khánh cùng Thuận dùng vũ lực để Khánh thực hành vi giao cấu với T. Gần 1 tháng sau, vào ngày 22.4.2014, gia đình biết T chuyện Khánh “hiếp dâm” T nên làm đơn tố cáo đến Công an huyện Châu Thành.

Trong quá trình điều tra, Khánh và Thuận đều khai nhận hành vi phạm tội của mình. Kết quả giám định pháp y kết luận màng trinh T bị rách cũ. Viện KSND Châu Thành truy tố Khánh và Thuận tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tuy nhiên tại phiên toà sơ thẩm, cả hai bị cáo Khánh và Thuận đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã hù doạ, bức cung.

Tại phiên toà, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định 2 bị cáo không thừa nhận có hành vi hiếp dâm đối với N.T.N.T. Các bị cáo cho rằng khi lấy lời khai bị cán bộ điều tra ép cung, hăm doạ và các bản tường trình các bị cáo viết trong tình trạng bị ép buộc. Sau khi lấy lời khai xong, cha mẹ các bị cáo mới vào ký tên.

Trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia đình các bị cáo đã có đơn khiếu nại hành vi tố tụng của điều tra viên huyện Châu Thành, nhưng thủ trưởng cơ quan điều tra không xem xét, giải quyết khiếu nại là vi phạm tố tụng hình sự. Trong biên bản lấy lời khai không có người chứng kiến, chỉ có cán bộ Huyện đoàn ký tên trong khi người này khai do cán bộ điều tra đem biên bản đến trụ sở làm việc để ký…

HĐXX TAND huyện Châu Thành tuyên bố Trần Quốc Khánh và Từ Minh Thuận không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và tuyên trả tự do cho Khánh và Thuận tại toà. Sau phiên toà sơ thẩm,  gia đình bị hại T đã có kháng cáo lên cấp phúc thẩm yêu cầu xử phạt Khánh và Thuận mức án cao nhất của khung hình phạt. Đồng thời, Viện KSND huyện Châu Thành cũng có kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.

NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG

Tại toà phúc thẩm, sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo Khánh và Thuận, lời khai của người giám hộ; phần tranh luận của đại diện VKSND tỉnh giữ quyền công tố tại toà, luật sư bào chữa cho 2 bị cáo, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại... HĐXX phúc thẩm nhận định, cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra, xét xử.

Cấp sơ thẩm xác định 2 bị cáo là người chưa thành niên, do đó cả cha và mẹ bị cáo phải tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của 2 bị cáo và cùng chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định Bộ luật Dân sự. Thế nhưng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm lại không đưa mẹ bị cáo Khánh và cha bị cáo Thuận vào tham gia tố tụng, nên đã vi phạm Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự.

HĐXX sơ thẩm đã không tuân thủ theo trình tự thủ tục tố tụng, trình tự xét hỏi khi chưa xét hỏi đầy đủ tình tiết từng sự việc. Việc công bố lời khai bị cáo tại Cơ quan Điều tra thuộc thẩm quyền của HĐXX và kiểm sát viên, nhưng tại phiên toà sơ thẩm, thư ký phiên toà đã 4 lần công bố lời khai là vi phạm Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tại phiên xử sơ thẩm, các bị cáo không đồng ý với bản cáo trạng, nhưng HĐXX chưa cho bị cáo trình bày lý do là vi phạm Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên yêu cầu HĐXX công bố toàn bộ lời khai người bị hại nhưng HĐXX không thực hiện, không trả lời mà vẫn tiếp tục phiên toà.

HĐXX chỉ xét hỏi những chứng cứ vô tội mà chưa làm rõ những chứng cứ có tội tại phiên toà, từ đó chưa bảo đảm việc xác định sự thật của vụ án; chưa đánh giá đầy đủ mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm… là vi phạm Điều 10, Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự.

HĐXX chưa xét hỏi từng nội dung sự việc là chưa đúng theo trình tự quy định về xét hỏi. Cấp sơ thẩm cũng chưa xét hỏi các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với các bị cáo, chưa xét hỏi phần bồi thường thiệt hại. Do đó, việc xét hỏi của HĐXX sơ thẩm chưa bảo đảm tính toàn diện, khách quan tại phiên toà công khai.

Về những chứng cứ mà cấp sơ thẩm xác định là vô tội, HĐXX cấp phúc thẩm thấy rằng tại phiên toà sơ thẩm, cán bộ Huyện đoàn Châu Thành cho rằng đã ký tên vào biên bản lấy lời khai bị cáo Thuận tại Huyện đoàn, nhưng ngoài lời khai thì không có tài liệu nào thể hiện cán bộ này ký tại Huyện đoàn.

Đối với luật sư Phan Văn Lắm, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và cho đến thời điểm hiện nay, không có văn bản nào của Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh kiến nghị luật sư Lắm không đủ điều kiện để tham gia tố tụng.

Về việc cùng một thời gian, điều tra viên tiến hành kiểm tra hiện trường và lấy lời khai bị cáo Từ Văn Thuận, theo giải trình của đoàn kiểm tra và những người liên quan thì phù hợp pháp luật, không vi phạm tố tụng. Còn người làm biên bản kiểm tra hiện trường là cán bộ kỹ thuật hình sự công an huyện Châu Thành, không phải là điều tra viên như cấp sơ thẩm đã nêu.

HĐXX cấp phúc thẩm đề nghị cơ quan điều tra làm rõ lý do tại sao cơ quan này lấy khẩu cung bị cáo Thuận vào lúc 23 giờ ngày 23.4.2014. Vấn đề độ tuổi của người bị hại là cấu thành cơ bản tội phạm trong vụ án, nhưng cấp sơ thẩm không thu thập tại nơi bị hại được sinh ra, học bạ, hộ khẩu bị hại… để có đủ chứng cứ xác định.

Mặt khác, biên bản nghị án cũng không thực hiện đúng mẫu quy định. Trong bản án sơ thẩm, tại phần xét thấy,  HĐXX chỉ  phân tích, đánh giá những chứng cứ vô tội, không phân tích, đánh giá những chứng cứ xác định có tội là không đúng quy định về mẫu của bản án.

Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo Khánh, bị cáo Thuận và của bị hại phù hợp với nhau về những tình tiết, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ tại phiên toà. Còn vấn đề gia đình các bị cáo và các bị cáo khai bị ép cung là không có cơ sở chấp nhận, vì ngoài lời khai thì không có tài liệu, chứng cứ chứng minh...

Từ những nhận định như trên, HĐXX phúc thẩm đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, giao lại cho Viện KSND huyện Châu Thành điều tra lại theo thủ tục chung.

THẾ NHÂN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục