Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyền bí dòng họ có từ thời đại Hùng Vương
Thứ năm: 01:45 ngày 03/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuốn gia phả dòng họ Ma được biên soạn, lưu truyền từ đời này sang đời khác đã minh chứng cho lịch sử lẫy lừng song hành cùng bề dầy giá trị văn hóa truyền thống của vùng Đất Tổ.

Dòng họ Ma ngày nay tập trung chủ yếu trên địa phận xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ. Dòng họ đã trải qua 79 đời, từ thời Hùng Vương dựng nước. Sự hiện diện lâu đời của gia tộc không phải chỉ là những câu chuyện truyền thuyết mà gắn với các sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Cuốn gia phả dòng họ Ma được biên soạn, lưu truyền từ đời này sang đời khác đã minh chứng cho lịch sử lẫy lừng song hành cùng bề dầy giá trị văn hóa truyền thống của vùng Đất Tổ.

Trung tướng Ma Thanh Toàn - Nguyên Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 về thăm nhà từ đường họ Ma ở xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ.

 Dòng họ 2322 năm với 79 đời tộc trưởng

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin Thị xã Phú Thọ, chúng tôi về xã Hà Lộc tìm gặp ông Ma Đức Nhân, trưởng dòng họ Ma khu vực xã Hà Lộc.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà từ đường họ Ma, ông Nhân phấn khởi nói cuối năm nay, con cháu sẽ đóng góp tu bổ nhà thờ họ. Nhà từ đường họ Ma nằm sát với mái đình tạo thành quần thể kiến trúc linh thiêng trên gò cao. Vị trí địa lý đắc địa được ông Nhân mô tả là tương đồng với truyền thuyết và tầm vóc của dòng họ mình.

Họ Ma khu vực xã Hà Lộc hiện có 5 chi với 600 khẩu và 350 đinh. Đây là một trong những dòng họ lớn của Thị xã Phú Thọ. Lật giở cuốn gia phả, ông Nhân chỉ vào vị trí thượng tôn cao nhất là cụ tổ Ma Khê và bắt đầu câu chuyện bí sử về gia tộc của mình. Họ Ma gốc là người dân tộc Tày, bắt nguồn từ vùng núi Đọi, ven sông Thao (nay là huyện Cẩm Khê). Cụ tổ Ma Khê là tộc trưởng đầu tiên của dòng họ đã chiêu tập binh mã giúp vua Hùng Vương đánh giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang.

Ông Nhân giới thiệu về gia phả dòng họ Ma khu vực xã Hà Lộc cho một hậu duệ của dòng họ.

Sau chiến thắng, Ma Khê được vua Hùng Duệ Vương phong chức đại tướng quân trấn giữ phía Tây thành Phong Châu. Đến đời vua Hùng Duệ Vương thứ II, do tài đức và lập nhiều công lớn nên ông được vua phong là “Phụ quốc Ma vương đại thần đại tướng quân” và được triệu về kinh đô phò vua trông coi triều chính, trị quốc an dân.

Cụ tổ Ma Khê sinh được một người con trai và một người con gái. Con trai là Ma Xuân, cũng trở thành vị tướng nhà Hùng cùng với cha mình. Sau này, Ma Xuân sang bên kia sông (Phú An Động, sau là Thị xã Phú Thọ) xây dựng Ma thành. Dấu tích vẫn còn lưu lại khu vực chợ Mè, bến Mè là bến sông do họ Ma tạo nên.

Theo bí sử, năm 1582, Mạc Mục Tông bị quân vua Lê, chúa Trịnh đánh chạy lên Ma thành và thôn tính Ma thành. Nội tộc họ Ma đã sơ tán lên các vùng đất lân cận của Phú An Động. Trong đó có khu vực Ngọc Lâu, xã Hà Lộc. Sau đó, theo điềm báo mộng của Kiều Công Thuận và Ma Tộc Thần tướng, Mạc Mục Tông đã rút khỏi Ma thành. Trước khi hồi hương về Phú An Động, họ Ma đã để 4 anh em ở lại đất Hà Lộc để trông nom trang trại, vườn tược, đề phòng bất trắc xảy ra.

Đất lành chim đậu, vườn tược tốt tươi, 4 anh em ở lại cư trú vĩnh viễn và khai sinh ra nhánh họ Ma thuộc khu vực xã Hà Lộc, phát triển đến ngày nay. Ông Ma Đức Nhân cho biết: “Nếu tính từ đời ông tổ Ma Khê đến đời tướng quân Ma Xuân Trường tới nay, họ Ma đã có 2322 năm lịch sử với 79 đời tộc trưởng”. Nhiều nhân vật kiệt xuất của dòng họ đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trong đó, nổi bật phải kể đến truyền thuyết về “Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường. Tướng quân Ma Xuân Trường (930 - 967) là tộc trưởng đời thứ 43 của dòng họ Ma. Theo những tài liệu ghi chép, năm 965, nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Kiều Công Thuận vốn là điền chủ trấn giữ thành Hưng Hóa. Khi đất nước gặp binh biến, ông chạy về vùng đất Ma Khê và liên kết với tộc trưởng Ma Xuân Trường lập căn cứ ở vùng Trù Mật, thành thế lực cát cứ tại địa phương.

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh tấn công dẹp loạn 12 sứ quân, hai ông đã tuẫn tiết. Cảm phục trước tấm lòng quả cảm, gan dạ của 2 vị tướng, vua Đinh cho dân làng lập đền Trù Mật thường xuyên cúng giỗ, khói hương.

Ông Ma Đức Nhân giới thiệu về tài liệu cổ bằng chữ Hán ghi chép về công việc cúng giỗ dòng họ.

Tiếp nối truyền thống tổ tiên

Khi được hỏi về nguyên do trải qua biến thiên, lịch sử khắc nghiệt, dòng họ vẫn còn giữ được ngọc phả từ thời tổ tiên, ông Ma Đức Nhân cho rằng công lao lớn thuộc về ông Ma Văn Thực (1917 - 2004) tộc trưởng thứ 78 của dòng họ. Trong thời chiến tranh, trước khi bản gốc gia phả bị thất lạc, ông Thực đã kịp thời chuyển tải tất cả thông tin sang chữ Quốc ngữ. Con cháu ông Thực đã sao lưu thành nhiều cuốn cho các nhánh họ Ma ở Yên Bái, Tuyên Quang giữ gìn.

Tài liệu cổ bằng chữ Hán trên giấy dó, có niên đại trên 100 năm.

Từ tướng quân Ma Xuân Trường, dòng họ đã sinh ra nhiều nhân tài, tướng lĩnh. Trong thời chiến, như bao gia đình khác trên khắp đất nước, nhiều người con của dòng họ Ma đã xung phong ra chiến trường, đóng góp máu xương vào nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến Trung tướng Ma Thanh Toàn - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2. Ông là người con dòng họ Ma, sinh ra tại xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Vị tướng lỗi lạc ấy được người đời biết đến với những chiến công trên mặt trận Tây Nguyên.

Năm 1974, khi đang đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 95, Quân khu 5. Đồng chí chỉ huy đơn vị cơ động đánh địch trên chiến trường Tây Nguyên, hoạt động nhiều nhất ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, trên tuyến đường số 14, đường số 19. Mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí chỉ huy đơn vị phối hợp hiệp đồng cùng các đơn vị bạn tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột.

Nhà từ đường họ Ma ở xã Hà Lộc.

Sau đó là cuộc hành quân thần tốc đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, mở “cánh cửa thép” phía Bắc Sài Gòn để các binh đoàn chủ lực của ta tiến công giải phóng Sài Gòn, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào ngày 30-4-1975, non sông thu về một mối.

Sau này đồng chí giữ nhiều chức vụ, có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng quân đội vững mạnh. Tháng 2-2002, đồng chí vinh dự được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, Trung tướng Ma Thanh Toàn vinh dự được Đảng và Nhà nước, Quân đội Nhân dân tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tiếp nối trang sử hào hùng của cha ông, dòng họ Ma ở xã Hà Lộc vẫn luôn giáo dục truyền thống cho con cháu, chấp hành tốt chủ trường, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để con cháu được biết đến nguồn gốc của mình, ông Ma Đức Nhân đã dành nhiều thời gian, tìm gặp các cụ cao niên, ghi chép, tra cứu để lập nên gia phả dòng họ Ma khu vực xã Hà Lộc. Ông cho biết: “Quy ước của dòng họ quy định mỗi gia đình phải có trách nhiệm phấn đấu xây dựng gia đình bình đẳng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dòng họ nhiều năm liền có thành tích tiêu biểu trong công tác khuyến học tại địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Hà Lộc cho biết: “Dòng họ Ma là một trong 4 chi hội khuyến học tiêu biểu của địa phương. Năm 2023, quỹ khuyến học của các dòng họ xây dựng được 108 triệu đồng, đóng góp lớn vào bề dầy truyền thống hiếu học tại quê hương Hà Lộc”.

Phẩm cách, hồn cốt của một dòng họ lâu đời có lẽ không chỉ nằm ở cuốn gia phả mà còn được minh chứng qua lớp lớp thế hệ con cháu luôn được giáo dục tốt, tâm hướng thiện, chăm chỉ học tập và lao động. Gia tộc có thể tồn tại qua hàng ngàn năm, không bị dòng chảy thời gian bào mòn mà ngược lại càng sáng ngời truyền thống tốt đẹp. Thật tự hào và đáng quý biết bao!

Nguồn Báo Phú Thọ

Tin cùng chuyên mục