Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Huyền bí tháp Po Sah Inư – Bình Thuận
Thứ sáu: 12:00 ngày 22/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bình Thuận là miền đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa, điển hình có nhóm di tích tháp Po Sah Inư, trải qua bao biến đổi của thời gian và thăng trầm lịch sử vẫn đứng sừng sững, trầm mặc với vẻ đẹp nguyên sơ, bí ẩn.

Tháp Po Sah Inư hay còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài, tháp Bà Tranh, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc. Với vẻ đẹp huyền bí, kiến thúc nghệ thuật độc đáo, tháp Po Sah Inư đã được xếp hạng di tích quốc gia và hiện đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn.

Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hoà Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chăm pa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Hơn thế, đây còn là một trong những cụm tháp tồn tại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Truyền thuyết cho rằng, Po Sha Inư là tên gọi của một vị công chúa Chăm - một người tài sắc vẹn toàn, theo đạo Bà-la-môn. Tuy nhiên nàng đem lòng yêu thương chàng Pôchok theo đạo Bà ni. Do khác biệt về tôn giáo nên hai người không thể kết hợp với nhau. Về sau công chúa Po Sah Inư nghe lời khuyên của vua cha, nàng từ bỏ người yêu trở về với đạo của mình và giúp vua cha xây dựng cơ nghiệp. Công chúa Po Sah Inư đã có công dạy cho người dân cách ứng xử, dạy nghề đánh cá, làm gốm, dệt vải... Từ những công trạng đó, người dân rất tôn kính bà. Khi mất đi, bà được nhân dân thần thánh hoá và lập đền thờ để ghi công...

Theo các nghiên cứu và khai quật khảo cổ, nhóm tháp này được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX. Đến với tháp Po Sah Inư, du khách có thể cảm nhận được kiến trúc tháp độc đáo, tinh tế của các cụm tháp. Không cầu kỳ với những hoạ tiết trên bề mặt, không có cửa vòm nhưng những ngôi tháp đã tạo được những ấn tượng mang đậm văn hoá của người Chăm xưa. Trong quần thể các tháp này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nền móng của một ngôi đền bị sụp đổ.

Hiện nay, quần thể này chỉ còn 3 tháp. Trong đó, tháp lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thờ thần Shiva với bộ Linga - Yoni làm bằng đá đen nguyên khối. Gần đó là 2 ngôi tháp nhỏ, bị hư hỏng khá nặng. Tháp nhỏ nhất, nằm sát tháp lớn thờ thần Lửa. Cách đó khoảng 50 m là tháp thờ thần Bò và thần Nandin. Riêng gạch nền và ngói được khai quật xung quanh các ngôi tháp này cho thấy có niên đại từ khoảng thế kỷ XV. Phần nền gạch này cho thấy công trình kiến trúc rộng lớn như một ngôi đền với nhiều tầng bậc.

Quần thể tháp Pô Sah Inư có kiến trúc đơn giản nhưng mang đậm dấu ấn một thời thịnh vượng của Vương quốc Chăm pa xưa. Tại đây, hàng năm cộng đồng Chăm ở Bình Thuận đều đến làm lễ Ka-tê tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách...

Hàng ngày Ban quản lý tháp Chăm Pô Sha Inư vẫn mở cửa đón khách thập phương đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính chứa đựng nhiều bí ẩn về nghệ thuật xây dựng của người Chăm. Tháp Chăm Pô Sha Inư không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Chăm mà nó còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hoá lịch sử Việt Nam nói chung và văn hoá lịch sử Bình Thuận nói riêng.

Nguồn: Cinet.vn

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục