BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện DMC: Gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía

Cập nhật ngày: 24/09/2011 - 12:24

Vùng nguyên liệu mía huyện DMC

(BTNO) – Theo Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu, trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh theo hướng quy hoạch chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích đưa cây mía từ vùng cao xuống vùng thấp nhằm tăng năng suất, sản lượng cây mía mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, làm cho đời sống người nông dân ngày càng ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Trong niên vụ 2010 – 2011, trên địa bàn huyện DMC, tổng diện tích mía là 4.187,9ha, trong đó mía gốc là 3.565,4ha, mía trồng mới 622,5ha, năng suất bình quân 75tấn/ha – tăng 20 tấn so với niên vụ trước.

Để phát triển vùng nguyên liệu mía tại huyện DMC, UBND tỉnh đã tổ chức rà soát lại quy hoạch, sát với thực tế; các nhà máy đường và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cho nông dân tạo vùng nguyên liệu tập trung đủ điều kiện để áp dụng những tiến bộ KH-KT thâm canh cây mía.

Tuy nhiên, dù giá đường, giá mía có tăng nhưng không tương xứng với mức tăng của vật tư, nguyên liệu đầu vào cũng như mức tăng giá của nhiều sản phẩm nông nghiệp khác (mì, cao su). Việc xây dựng vùng nguyên liệu mía gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là chi phí sản xuất quá cao (giá vật tư, công lao động, vận chuyển…), giá mía không bù đắp được. Kết cấu hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi) phát triển không đồng đều. Trong khi đó, do yêu cầu về ATGT, các phương tiện trung chuyển như máy cày, xe tự chế phải khống chế trọng tải nên việc chở mía về nhà máy gặp nhiều khó khăn, giá thành vận tải cao làm giảm thu nhập thực tế của người trồng.

Một trong những mối lo của người trồng mía hiện nay là chi phí “tăng bo” vẫn còn rất cao, nhất là những vùng đất thấp, không có đường giao thông nội đồng. Trong vụ thu hoạch, có nơi giá “tăng bo” từ 70.000 đồng/ tấn lên đến 120.000 đồng/ tấn - cao gấp đôi giá bình thường. So với các loại cây trồng khác, trồng mía có quá nhiều rủi ro, đến mùa thu hoạch dễ bị đốt cháy, bị mất cắp, bị trâu bò phá… Chi phí công, xe phụ thuộc vào đầu công quá nhiều, ép người trồng phải đốt mía mới chặt. Lao động ngày càng thiếu, công chăm sóc thu hoạch mía tăng cao, vụ thu hoạch kéo dài, mía khô trên đồng nhiều. Công tác chuyển giao giống mới, chuẩn bị mía giống chưa được đầu tư đúng mức…

Từ những nguyên nhân trên, người trồng mía nông dân không an tâm sản xuất, không tiếp tục đầu tư cho cây mía mà chuyển sang các loại cây trồng khác như mì, cao su.

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ mía đường 2010 – 2011 vừa qua, ngành NN&PTNT huyện DMC kiến nghị, để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có năng suất chất lượng cao, các nhà máy đường cần có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng diện tích để tăng sản lượng là cần thiết, nhưng để có vùng nguyên liệu ổn định thì việc tăng năng suất sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho cả nhà máy lẫn người trồng, nên coi đây là giải pháp cơ bản đảm bảo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy hoạt động. Đẩy mạnh phát triển giống mía có năng suất, chữ đường cao, thích nghi với từng vùng đất, có khả năng kháng sâu bệnh cao, cung cấp đủ giống cho người trồng, bố trí cơ cấu giống mía rải vụ, giảm áp lực trong thu hoạch.

Trong niên vụ 2010 - 2011, khối lượng mía cháy trên toàn tỉnh là 493.442,15 tấn - chiếm 31,2% lượng mía ép toàn vụ.

Cần đầu tư đồng bộ hệt thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, huy động tối đa nguồn tài chính nhà nước, nhà máy, nhân dân cùng làm để đầu tư cho vùng chuyển đổi. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ trồng mới và các HTX làm dịch vụ cây mía trong vùng nguyên liệu như hỗ trợ giống mới, lãi suất tiền vay, công chăm sóc, phân bón… Các nhà máy phải có kế hoạch tổ chức thu hoạch cuốn chiếu, dứt điểm trên từng diện tích mía hợp đồng không để ảnh hưởng đến mía chăm sóc mùa sau. Giá cả thu mua tương ứng với giá thị trường trong thời điểm thu hoạch, xây dựng mức giá sàn đảm bảo cho người trồng mía có lãi. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT huyện DMC cũng đề nghị các nhà máy tổ chức công, xe, lịch đốn chặt thật khoa học để bảo vệ cho người trồng mía, tránh thất thoát trong thu hoạch.

Đ.H.T