Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc huyện Dương Minh Châu kiên quyết trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp là thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn kỷ cương phép nước, trả lại màu xanh của rừng.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu được quy hoạch hơn 800 ha đất trồng rừng, trong đó rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng 440 ha, rừng đặc dụng 217 ha, rừng sản xuất 185 ha. Nhiều năm trước đây do bất cập trong công tác quản lý và một số dự án phương thức trồng rừng kém hiệu quả, nên có hơn 200 ha diện tích đất quy hoạch trồng rừng bị bao, lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Diện tích thực sự được trồng rừng chỉ có ở Tiểu khu 65 hơn 200 ha rừng đặc dụng, còn lại ở Tiểu khu 63 và đảo Nhím trồng rừng được rất ít. Phần lớn diện tích bị người dân bao, lấn chiếm chủ yếu để canh tác cây hằng năm (mì), trồng cao su và cây ăn trái khác. Một số hộ dân còn bao chiếm cất nhà ở trên đất rừng, cá biệt có 1 trường hợp lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay trên diện tích đất rừng đặc dụng.
Qua xác định diện tích bị bao, lấn chiếm phải thực hiện việc trồng rừng là 221,4 ha; chủ yếu là diện tích trong quy hoạch trồng rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng tại Tiểu khu 63 (không tính diện tích trên đảo Nhím). Thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về việc trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm sử dụng sai mục đích, kể từ năm 2009 đến nay, huyện DMC đã ra quân, mở “chiến dịch” tuyên truyền vận động, quyết liệt trong đeo bám, thực hiện các bước, các thủ tục pháp lý; kiên quyết xử lý bằng nhiều hình thức. Kết quả đến nay đã trồng được 111,8 ha rừng tại Tiểu khu 63 và giao cho Tỉnh đội Tây Ninh trồng được 185 ha rừng trên đảo Nhím.
![]() |
Một góc rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng tại Tiểu khu 63 |
Tại Tiểu khu 63, theo hồ sơ thiết kế của Ban quản lý Dự án thì có tới 440 ha đất lâm nghiệp bị người dân bao chiếm sử dụng sai mục đích. Nhưng khi thực hiện việc giải toả, để thực hiện việc trồng rừng phòng hộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành các bước đo đạc lại, thì diện tích thực tế nằm trong quy hoạch phải trồng rừng phòng hộ tại Tiểu khu 63 là 221,4 ha. Trong 2 năm 2009 và 2010, các ban ngành, đoàn thể của huyện DMC và xã Suối Đá đã ra quân tuyên truyền, vận động, thuyết phục được 64 hộ chấp hành việc trồng rừng theo quy hoạch trên tổng diện tích 111,8 ha. Trong đó có 33,6 ha cao su đang thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch, người dân đã chặt hạ để trồng rừng theo quy định. Hiện còn 109,60 ha phải tiếp tục vận động người dân chấp hành việc trồng rừng trong các năm tiếp theo, cho đến khi cây rừng phủ kín đất lâm nghiệp theo quy hoạch. Đến nay đã có 54,60 ha của 38 hộ dân, trong đó có 46,10 ha cao su của 22 hộ dân chấp nhận cho ngành chức năng thiết kế trồng rừng, để tiến hành giải toả thực hiện việc trồng rừng. Hiện còn 24,3 ha đất bị bao chiếm trồng mì và các loại cây khác, chưa xác định được chủ sử dụng đất. Vì đất trong lòng hồ, chính quyền không trực tiếp quản lý, nhiều người dân từ các địa phương khác đến bao chiếm sản xuất không khai báo, nên việc truy tìm chủ sử dụng rất khó khăn.
Theo kế hoạch của huyện, trong mùa mưa 2011, diện tích trồng rừng tại Tiểu khu 63 phải thực hiện là 85,2 ha. Đến ngày 31.5.2011, đã thực hiện xong các bước, các thủ tục pháp lý buộc 28 hộ phải trồng 63,5 ha rừng. Tiếp tục vận động 3 hộ chặt hạ tiếp 9 ha cây cao su để thực hiện việc trồng rừng. Có 14 hộ đã cam kết trồng 34 ha rừng, trong đó 12 hộ tự trồng 31,1 ha; 2 hộ giao cho BQL Khu rừng Phòng hộ trồng 2,9 ha. Ngành chuyên môn đã thực hiện việc thiết kế xong 30 ha của 16 hộ, đang chờ xuống giống vào thời điểm thích hợp.
Tại Tiểu khu 65 (rừng đặc dụng) hiện đã có 212 ha/217 ha có rừng, còn 5 ha đang tiến hành các bước giải toả để thực hiện việc trồng rừng. Huyện đã thu hồi 1 giấy CNQSDĐ cấp sai cho 1 hộ, diện tích 2,9 ha đang trồng cao su, chuẩn bị các bước giải toả để trồng rừng. Đồng thời tiến hành giải toả, di dời 41 hộ tự ý lấn chiếm cất nhà, chòi ở trên đất rừng đặc dụng; trong đó có 33 hộ cất nhà, chòi ở từ năm 2003 trở về trước được xem xét cấp đất tái định cư; 1 hộ đã có nhà ở khang trang ở nơi khác và 6 hộ khác đến ở sau năm 2003 buộc phải tự di dời đi nơi khác.
Việc huyện Dương Minh Châu thực hiện các bước, kiên quyết xử lý bằng các biện pháp để thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp là thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn kỷ cương phép nước, trả lại màu xanh của rừng trên đất quy hoạch trồng rừng.
NGUYỄN CÔNG DÂN