Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Huyện DMC: Một trường hợp cấp sổ đỏ trái quy định
Thứ bảy: 05:02 ngày 31/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phó chủ tịch xã chứng thực chữ ký "dỏm”

Phó chủ tịch xã chứng thực chữ ký "dỏm”

Bà Vũ Thị Năm, ngụ thị xã Bình Dương khiếu nại sự việc như sau: Năm 2010, bà Năm phát hiện chồng bà là ông Trương Viết Nghĩa giả mạo chữ ký của bà làm giấy thoả thuận cho ông Nghĩa được đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và đứng tên 5 giấy CNQSDĐ (toạ lạc tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu). Sau khi phát hiện, bà Năm đã làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Dương Minh Châu nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, 5 giấy CNQSDĐ (diện tích 87.789m2, toạ lạc tại ấp Phước Hội, xã Phước Ninh) mà ông Nghĩa đã đăng ký và được cấp có nguồn gốc sang nhượng lại từ 3 người dân ở địa phương. Làm việc với thanh tra huyện Dương Minh Châu, bà Năm cho biết hai vợ chồng bà có diện tích đất 9.740m2 toạ lạc tại ấp Tân Hoà, xã Đông Hoà, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khu đất này được vợ chồng ông Nghĩa cho một doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh ba lô, túi xách. Trước đó, bà Năm đã làm hợp đồng cho chồng (ông Nghĩa) - với danh nghĩa là giám đốc công ty TNHH TM- DV- SX Việt Nghĩa thuê diện tích đất trên (thời hạn 10 năm, ngày hết hạn là 1.1.2012). Năm 2007, ông Nghĩa thế chấp diện tích đất trên vay ngân hàng 50 tỷ đồng. Sau khi vay vốn ngân hàng, ông Nghĩa đến huyện Dương Minh Châu nhận chuyển nhượng 16 ha đất tại ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, lập dự án xây dựng lò gạch tuynen. Cũng trong thời gian này, ông Nghĩa chuyển nhượng của 3 hộ dân khác diện tích 87.789m2  ở cùng địa phương trên và sau đó được cấp giấy CNQSDĐ.

Điều đáng nói là trong quá trình nhận chuyển nhượng đất từ 3 hộ dân, ngày 29.12.2007, ông Nghĩa giả mạo chữ ký của bà Năm làm giấy thoả thuận để ông Nghĩa được “toàn quyền” đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng và trong giấy CNQSDĐ. Thế nhưng, giấy thoả thuận này vẫn được UBND xã Phước Ninh xác nhận là “chữ ký của bà Năm là thật”!?

Sau khi nhận đơn khiếu nại của bà Năm, ngày 19.8.2010, thanh tra huyện Dương Minh Châu làm việc với ông Nghĩa và được cho biết: Năm 2007, ông Nghĩa nhận chuyển nhượng diện tích 87.789m2 đất từ 3 hộ dân ở ấp Phước Hội, xã Phước Ninh. Thế nhưng, thủ tục chuyển nhượng 5 thửa đất từ 3 hộ dân sang ông Nghĩa đều do “cò đất” làm, ông Nghĩa không hề “nhúng tay vào”. Các giấy tờ trong hồ sơ và các hợp đồng chứng thực đều do “cò đất” đem đến cho ông Nghĩa ký tại… một quán ăn ở Hoà Thành, ông Nghĩa không hề “đặt chân” đến UBND xã Phước Ninh để làm thủ tục. Ông Nghĩa thừa nhận: 3 giấy thoả thuận của bà Vũ Thị Năm có nội dung để ông Nghĩa đứng tên trong giấy CNQSDĐ là do ông nhờ người khác viết rồi ký thay bà Năm, sau đó giao cho “cò đất”. Ông Nghĩa thừa nhận việc “ký thay” bà Năm là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông lại cho rằng việc UBND xã Phước Ninh chứng thực “chữ ký dỏm” là chữ ký của bà Năm thì ông không biết (?!). Ông Nghĩa đồng ý để UBND huyện Dương Minh Châu thu hồi 5 giấy CNQSDĐ đã cấp cho ông do không đúng quy trình, thủ tục.

Làm việc với thanh tra huyện, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm (là cán bộ tư pháp- hộ tịch xã Phước Ninh) trình bày: Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Nghĩa và 3 hộ dân ở địa phương có trực tiếp ký tại UBND xã Phước Ninh (!?). Ông Nghĩa yêu cầu để một mình ông đứng tên trong giấy CNQSDĐ. Bà Gấm hướng dẫn ông Nghĩa làm giấy thoả thuận của người đồng sở hữu tài sản. Sau đó ông Nghĩa làm giấy thoả thuận do bà Vũ Thị Năm đồng ý cho ông Nghĩa đứng tên trong giấy CNQSDĐ chuyển nhượng của 3 hộ dân địa phương. Bà Gấm không xác định được ai đã viết xác nhận chữ ký của bà Năm trong giấy thoả thuận dỏm (!?). Nhưng chứng thực hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và giấy thoả thuận của bà Năm thì do bà Gấm trình UBND xã Phước Ninh ký (?).

Theo điểm b, Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định: “Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực”. Trong trường hợp này, bà Năm không hề ký trước mặt bà Gấm nhưng vẫn có sự chứng thực “chữ ký của bà Năm”! Tuy nhiên, bà Gấm cho rằng, tại thời điểm này, bà Gấm mới vào làm hợp đồng phụ trách tư pháp – hộ tịch ở xã Phước Ninh; vừa học vừa làm, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến sai sót trong việc chứng thực giấy thoả thuận của bà Năm. Việc ký xác nhận chữ ký của bà Năm không có chữ ký tắt của người trực tiếp chứng thực chữ ký. Thế nhưng ông Lê Sơn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh vẫn thực hiện chứng thực chữ ký không đúng quy định của pháp luật. Theo một văn bản của UBND huyện Dương Minh Châu thì “việc xác nhận này không bị ai áp đặt hay có tính vụ lợi cá nhân cho bản thân”…

BẢO TÂM

 (Còn tiếp)

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục