Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một “đại gia” nhận chuyển nhượng đất và được cấp sổ đỏ chỉ trong 4 ngày, kể từ ngày làm “giấy tay” chuyển nhượng.

Với nhiều người dân, việc thực hiện các thủ tục về chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất và thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ sau chuyển nhượng là “không hề đơn giản”, mất khá nhiều thời gian. Sau khi hoàn tất các thủ tục, để được cấp sổ đỏ, người dân chờ ít nhất cũng phải trên 10 ngày. Thế nhưng, ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, một “đại gia” nhận chuyển nhượng đất và được cấp sổ đỏ chỉ trong 4 ngày, kể từ ngày làm “giấy tay” chuyển nhượng. Đây có phải là “tín hiệu đáng mừng” vì thủ tục cấp sổ đỏ đã được rút gọn tối đa thời gian?
Đã có quyết định nhưng chưa thu hồi được sổ đỏ cấp sai
Hơn 1 năm trước, ngày 11.11.2010, UBND huyện Dương Minh Châu đã có quyết định thu hồi 5 giấy CNQSDĐ đã cấp sai cho ông Nghĩa. Thế nhưng, hơn 1 năm sau, quyết định trên vẫn chưa được thực thi khiến bà Năm bức xúc. Trả lời về vấn đề này, một cán bộ UBND huyện Dương Minh Châu cho biết: Sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND huyện, cơ quan chức năng đã liên hệ với các bên có liên quan để thu hồi 5 giấy CNQSDĐ cấp sai cho ông Nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay cả 5 giấy này ông Nghĩa đã thế chấp cho một ngân hàng ở TP.HCM nên không thể thu hồi được.
![]() |
Như vậy, vụ việc đã được UBND huyện Dương Minh Châu giao cho thanh tra huyện xác minh, làm rõ. Thế nhưng, sau đó Thanh tra huyện chỉ mới xác định việc cấp giấy CNQSDĐ là trái quy định của pháp luật. Còn hành vi vi phạm pháp luật qua việc cấp sổ đỏ cho ông Nghĩa của những người có liên quan thì có lẽ cần phải làm rõ thêm. Cụ thể như sự mâu thuẫn trong lời khai của ông Nghĩa và bà Gấm chưa được làm rõ. Ông Nghĩa trình bày là ông “ký thay bà Năm” rồi giao cho cò đất “đi làm”. Bà Gấm lại trình bày: ông Nghĩa và bên bán “có đến xã trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng”. Việc cho rằng do bà Gấm “chuyên môn còn hạn chế” nên dẫn đến sai sót cũng không thuyết phục. Đồng thời, biện minh cho việc chứng thực chữ ký sai của ông Thương- Phó Chủ tịch UBND xã bằng cách “đổ thừa” do không kiểm tra trước khi ký, vì tin tưởng vào cán bộ chuyên môn cũng không phải là lập luận có lý.
Một chi tiết khác, hợp đồng bán đất (giấy tay), có sự xác nhận của ông Thương đề ngày 27.12.2007, nhưng chỉ 4 ngày sau, ngày 31.12.2007, ông Nghĩa đã được cấp sổ đỏ. Đây quả là “kỷ lục” về thời hạn cấp giấy CNQSDĐ.
Theo ông Nghĩa trình bày với cơ quan chức năng, hầu như toàn bộ thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông và bên sang nhượng đều do “cò đất” thực hiện. Như vậy, cùng với những chi tiết đáng ngờ khác, trong quá trình cấp sổ đỏ “tốc hành” cho ông Nghĩa, dư luận có quyền nghi ngờ liệu có một “đường dây chạy sổ đỏ” ở huyện Dương Minh Châu?
Sai phạm trong việc cấp sổ đỏ cho ông Nghĩa đã được làm rõ bước đầu. Tuy nhiên, để cho sự việc minh bạch rõ ràng, thiết nghĩ cơ quan điều tra cần vào cuộc. Bởi trước mắt, rõ ràng là có “cò đất” tham gia làm những việc phi pháp để ông Nghĩa được cấp sổ đỏ thì cũng có thể có khả năng có người tiếp tay cho “cò”!
Về việc UBND huyện Dương Minh Châu đang gặp khó khăn trong việc thu hồi sổ đỏ cấp sai do ông Nghĩa đã thế chấp ngân hàng, chúng tôi tham khảo ý kiến tư vấn một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh phân tích về mặt pháp lý:
Trường hợp này, ngân hàng phải gánh chịu sự rủi ro. Giống như những trường hợp ngân hàng bị khách hàng đánh lừa thế chấp giấy tờ khi cho vay, nhưng lúc nhận thế chấp, cán bộ tín dụng không phát hiện đó là giấy giả.
Ở đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nghĩa bị thu hồi, huỷ bỏ, do cấp không đúng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét cấp lại cho đúng đối tượng (sau khi giải quyết xong tranh chấp). Vậy, ngân hàng phải “buông” tờ giấy đỏ này để cơ quan chức năng xử lý.
Tuy vậy, theo tôi nghĩ, ngân hàng cũng không thể “mất trắng”, vì ông Nghĩa vẫn còn phần trong khối tài sản chung (của vợ chồng) với bà Năm, chí ít cũng được 1/2 tài sản nếu được đem chia tài sản sau ly hôn (nếu có căn cứ xác định đây là tài sản chung vợ chồng).
BẢO TÂM