Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đảng ủy xã Bến Củi ủng hộ chủ trương miển phí thẻ BHYT chỉ dành cho người nghèo đã hết tuổi lao động.
Tiếp tục đợt khảo sát về tình hình giảm nghèo và đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, ngày 27.6, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh có buổi làm việc với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Dương Minh Châu.
Sau khi trình bày bản báo cáo về tình hình giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, trong phần giải trình thêm, lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện Dương Minh Châu cho biết, nhiều hộ nghèo được thụ hưởng chính sách nảy sinh tâm lý muốn được hưởng suốt đời.
Có hộ sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo vẫn thắc mắc, tại sao trước đây được phát thẻ BHYT, còn nay thì không?
Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tìm hiểu về đời sống của những hộ nghèo trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. |
Học sinh con em hộ nghèo được miễn, giảm nhiều khoản đóng góp, do đó nhiều hộ vẫn muốn được trụ lại trong danh sách hộ nghèo.
Về tình hình đào tạo nghề, số người trong nhóm hộ nghèo trên địa bàn huyện tham gia học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Đảng ủy xã Bến Củi ủng hộ chủ trương miễn phí thẻ BHYT cho hộ nghèo địa phương, nhưng chỉ dành cho những người đã hết tuổi lao động. Các nhóm đối tượng còn lại, mặc dù thuộc diện hộ nghèo, nhưng đang trong độ tuổi lao động không nên cấp thẻ BHYT miễn phí.
Vẫn theo lãnh đạo Đảng ủy xã Bến Củi, người dân không phải không biết về chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, ngược lại, họ nắm vững chính sách nên mới tìm nhiều cách, ví dụ tách hộ để tiếp tục thụ hưởng chính sách. Vì thế, nói rằng công tác tuyên truyền về chính sách giảm nghèo chưa sâu, chưa đạt yêu cầu là không có cơ sở.
Trước khi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương, đoàn khảo sát đã trực tiếp đến một số hộ nghèo trên địa bàn xã Suối Đá và Bến Củi để tìm hiểu về đời sống của những hộ nghèo, cận nghèo và thái độ, nhận thức của những hộ này đối với chính sách giảm nghèo.
Chiều cùng ngày, đoàn khảo sát làm việc với Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh tham gia tư vấn tìm việc làm- Ảnh minh hoạ |
Báo cáo với đoàn khảo sát, lãnh đạo nhà trường cho biết, từ năm học 2014 – 2015 đến nay, trường đào tạo 4 nghề gồm cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, cơ sở quản trị dữ liệu và kế toán doanh nghiệp. Ngoài 4 nghề hệ cao đẳng, nhà trường còn đào tạo 15 nghề trung cấp.
Trong thời gian qua, trường được ngân sách cấp 22,7 tỷ đồng để mua sắm thiết bị.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn nêu một số vấn đề về công tác tổ chức, đội ngũ của nhà trường, cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, tình hình học sinh bỏ học...
Ông Nguyễn Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, nhiều thiết bị được mua sắm đã lạc hậu, điều này không có gì khó hiểu vì công nghệ luôn đổi mới. Liên quan đến chính sách tự chủ tài chính, ông Phương cho rằng, việc tự chủ hoàn toàn không khả thi, bởi vì nhà trường phải chịu thuế như một doanh nghiệp, lúc đó sẽ gặp nhiều thách thức.
Kết luận buổi làm việc, bà Kim Thị Hạnh- Trưởng đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo trường thống kê, phân tích cụ thể xem trong số những ngành nghề trường đang đào tạo, nghề nào đủ trang thiết bị, nghề nào thiếu, mức độ hiện đại, lạc hậu của trang thiết bị như thế nào để từ đó có hướng đầu tư cho trường nghề.
Đ.V.T