Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tân Châu có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Trao bò sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện toàn huyện có 451 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 105 hộ nghèo, chiếm 0,28% và 346 hộ cận nghèo, chiếm 0,91%. So năm 2021 giảm 210 hộ nghèo và hộ cận nghèo (giảm 93 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo). Hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh là 321 hộ/870 nhân khẩu, chiếm 0,85%. Từ năm 2021-2023, huyện đã giảm được 0,55% hộ nghèo đa chiều.
Hằng năm, huyện kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên như hỗ trợ tiền điện, tiền học phí, bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh BHYT, xây tặng nhà đại đoàn kết... góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hoá góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hoá sinh kế, triển khai nhiều mô hình của lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp. Các mô hình góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trị bệnh trong chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. Thông qua các mô hình, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã từng bước cải thiện điều kiện sống, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người dân, từ đó nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả.
Đến nay, UBND huyện đã thẩm định và phê duyệt 14 dự án bò sinh sản của 9 xã với tổng số vốn là 3.718 triệu đồng, gồm: 8 dự án thuộc Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và 6 dự án thuộc tiểu dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng số đối tượng được thụ hưởng của 14 dự án là 138 đối tượng (hộ nghèo: 9 hộ; hộ cận nghèo 55 hộ; hộ mới thoát nghèo 51 hộ; người khuyết tật 18 người); đang tiếp tục thẩm định 3 dự án của 3 xã, thị trấn với tổng số vốn là 760 triệu đồng. Dự kiến trong tháng 10.2023, huyện sẽ thực hiện giải ngân đạt 100% vốn đa dạng hoá sinh kế và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được phân bổ về cho huyện.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đến cấp cơ sở để thực hiện xuyên suốt các mô hình giảm nghèo có hiệu quả như: mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung tại xã Tân Hưng; mô hình nuôi dế thương phẩm tại xã Suối Dây; mô hình nuôi ba ba tại xã Tân Hoà; mô hình nuôi dê tại xã Tân Phú.
Kết quả công tác giảm nghèo ở địa phương hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị vẫn gặp những khó khăn nhất định như: lực lượng công chức chuyên trách tại xã, thị trấn còn ít. Mỗi địa phương có 1 cán bộ chuyên trách nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc như: giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, người có công, rà soát cấp phát thẻ BHYT, đào tạo nghề lao động nông thôn, bảo trợ xã hội… Điều này đôi lúc ảnh hưởng đến công tác triển khai các chính sách hỗ trợ đến với các hộ nghèo. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, trông chờ được sự quan tâm và sự hỗ trợ của người khác, không tự vươn lên thoát nghèo.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác giảm nghèo; biểu dương các hộ nghèo tiêu biểu có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTGN giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của từng dự án. Tập trung hỗ trợ các dự án đa dạng hoá sinh kế, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng dự án, phát triển thêm các mô hình giảm nghèo.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đặc biệt hỗ trợ vốn sản xuất, kinh phí đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động cần để tạo việc làm ổn định, trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá sơ kết, tổng kết đối với công tác giảm nghèo, nhất là tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong thời gian tới, UBND huyện Tân Châu triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo; gắn vay vốn tín dụng ưu đãi với các chương trình giải quyết việc làm góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống người dân; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo, gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo.
Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Nhi Trần