Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khoảng 500 hộ cất nhà sinh sống rải rác ở nhiều nơi trên đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng và không có cuộc sống ổn định.

Triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, đến cuối tháng 6 năm 2011, huyện Tân Châu đã xử lý được 1.200 ha, chiếm gần 65% diện tích đất phải xử lý giai đoạn 1. Tuy nhiên công tác xử lý tình trạng cất nhà, chòi trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp ở Tân Châu thì lại triển khai rất chậm. Qua số liệu báo cáo, hiện ở các xã Suối Dây, Tân Thành, Tân Hoà huyện Tân Châu có đến 841 hộ với gần 3.500 nhân khẩu cất nhà sinh sống trên đất lâm nghiệp thuộc địa bàn khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Trong đó có không ít hộ cất nhà trái phép trên vùng xung yếu và rất xung yếu, khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
![]() |
Nhà cất trên đất quy hoạch lâm nghiệp khu vực cầu Sài Gòn |
Thực tế cuộc sống của gần 850 hộ dân cất nhà trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp cũng có nhiều dạng. Trong đó có một số hộ tuy cất nhà trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp, nhưng đã sinh sống tập trung và định cư từ nhiều năm nay. Cụ thể như ở khu vực cầu Sài Gòn từ nhiều năm nay đã hình thành “cụm dân cư” tự phát trên đất Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Tuy nhà cửa xây cất trái phép nhưng những hộ dân ở đây đã có đời sống khá ổn định. Từ trước đến nay huyện Tân Châu đã có hoạch định phương án di dời các hộ dân ở đây, thế nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi nên “cụm dân cư” này vẫn tiếp tục tồn tại. Đồng thời, cũng có không ít hộ dân tự ý lấn chiếm đất lâm nghiệp cất nhà, chòi rải rác để làm rẫy, canh vườn và sinh sống.
Sau khi thống kê, phân loại các hộ dân lấn chiếm đất lâm nghiệp cất nhà trái phép, cuối tháng 3 năm 2011, huyện Tân Châu có văn bản đề xuất ngành chức năng rà soát và quy hoạch bố trí dân cư. Theo UBND huyện Tân Châu, trong 841 hộ dân đang có nhà cất trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc địa bàn huyện quản lý, hiện có khoảng 350 hộ đang sinh sống ổn định, tập trung ở một số khu vực. Còn lại khoảng 500 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu thì cất nhà sinh sống rải rác ở nhiều nơi trên đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng và không có cuộc sống ổn định, cần phải được di dời ra khỏi đất quy hoạch lâm nghiệp. Do đó huyện đề xuất ngành chức năng tỉnh xem xét và sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư để làm cơ sở cho huyện xây dựng các dự án bố trí, phục vụ kế hoạch giải quyết tình trạng bao chiếm đất sử dụng không đúng mục đích.
Riêng đối với các hộ dân cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp nhưng đã hình thành khu dân cư tập trung, có cơ sở hạ tầng và đã có cuộc sống ổn định, huyện đề xuất ngành chức năng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng quan lâm nghiệp để tách ra thành lập khu dân cư, khỏi phải di dời, đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo 1070 tỉnh.
Sơn Trần