(BTNO) - Hoàn thành nhiệm vụ đóng tàu Không số huyền thoại, người thương binh Trương Nam Sơn lại tiếp tục lao vào chỉ huy nhiều nhiệm vụ quan trọng mang tính lịch sử và tiên phong: dựng cột cờ bên sông Bến Hải, công trình xây lắp Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, Nhà máy phân Đạm Hà Bắc (lần 2), tháp phát sóng vô tuyến truyền hình Giảng Võ (Hà Nội), tháp phát sóng truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, tham gia lắp đặt các trang thiết bị Lăng Hồ Chủ tịch…
Ông Trương Nam Sơn .
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận không biết bao nhiêu thành tựu, thậm chí là “kỳ tích”, khẳng định sức sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có “huyền thoại” đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu Không số. Trên con đường đó, trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30.4.1975), đoàn tàu Không số đã đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hoá vào các chiến trường miền Nam, đến những nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa với tới, với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian, góp phần vô cùng quan trọng cho chiến thắng lịch sử 30.4.1975. Dệt nên “kỳ tích” đó là máu, xương, tâm huyết của bao cán bộ, chiến sĩ, những người thợ đóng tàu, những chiến sĩ hải quân. Trong đó, có người con của quê hương anh hùng Đôn Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh.
Là ông - Trương Nam Sơn
Ông vẫn luôn nói: “Đời tôi may mắn được sinh ra trong thời đại anh hùng của dân tộc, may mắn được là con cháu Cụ Hồ, người lính của đại tướng Võ Nguyên Giáp!”. Người lính già nhớ lại: đó là vào năm 1965, ông là Phó Giám đốc Công ty Lắp máy Việt Nam (trước gọi là Cục Cơ khí Điện nước và nay là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama). Trước 1965, những chiếc tàu Không số đầu tiên được sản xuất tại Quảng Bình.
Tuy nhiên tàu bằng gỗ, kích thước lại nhỏ nên khả năng vận chuyển và tính an toàn không cao nên Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đóng tàu sắt cho các nhà máy đóng tàu chuyên nghiệp ở Hải Phòng và Bộ Xây dựng giao lại nhiệm vụ này ba công trường là Phân đạm Hà Bắc, Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) và Chèm (Từ Liêm, Hà Nội). Lúc đó ông đang chỉ huy công trường lắp máy phân đạm Hà Bắc, Bộ Xây dựng điều ông về Hà Nội thành lập công trường đóng xà lan (thực chất là công trường đóng tàu Không số).
“14, 15 tuổi vào bộ đội chống Pháp. 20 tuổi đã là đại đội trưởng, 21 tuổi bị mất một chân giữa lúc tuổi trẻ đầu xanh, chiến trường đang sôi động… tránh sao khỏi cay đắng và chua xót! Giữa lúc ấy, người anh hùng Liên Xô Marepxep đã đến với tôi qua một bản tin in bằng thạch cao. Anh hùng Marepxep bị cắt bỏ hai chân trong một lần không chiến với kẻ thù. Với đôi chân gỗ, Marepxep đã kiên trì khổ luyện để khi trở lại phi đội, tiếp tục lái máy bay và lập nên bao chiến công hiển hách. Tôi tự hỏi: Marepxep bị thương nặng hơn mình, vậy nên mình phải cố gắng, chí ít cũng bằng phân nửa người ấy mới được. Từ đó, Marepxep chính là thần tượng của tôi!”. (Hồi ký của ông Trương Nam Sơn) |
Nhưng sau đó, do Mỹ ném bom ác liệt đánh phá miền Bắc nên 2 công trường ở Hà Bắc và Quảng Ninh đã không thể tiếp tục tham gia, nên chỉ còn lại công trường ở Hà Nội do ông là chỉ huy trưởng may mắn hoàn thành nhiệm vụ cao quý. Ông kể: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt, hết sức bí mật. Trong toàn tổng công ty chỉ trừ chỉ huy trưởng, còn lại không ai được biết”.
Do phải tuyệt đối giữ bí mật nên những người thợ trong công trường “đóng xà lan” không hề hay biết mình đang tham gia quá trình làm nên những con tàu huyền thoại. Hơn thế, để giữ bí mật, công trường còn nhận đóng nhiều tàu vận chuyển thông thường. Nhân dân quanh xưởng đóng tàu chỉ biết cái tên dân dã là “quân tàu phà”. Tuy đã được bọc lót, nguỵ trang rất cẩn thận, tàu được để bên rìa của một xưởng gỗ có diện tích rộng cỡ 2 đến 3 ha nhưng máy bay của Mỹ vẫn “ngửi” thấy. Sau một trận đánh bom, toàn bộ xưởng gỗ đã tan thành mây khói và kéo theo đó là sự thiệt hại đến tính mạng, tài sản và tiến độ hoàn thành “tàu Không số”.
Quyết định táo bạo:
Nơi nguy hiểm lại là nơi an toàn
Khu vực Chèm đã bị lộ, không còn thích hợp để làm công xưởng đóng tàu, công trường phải di chuyển. Nhưng di chuyển đi đâu để an toàn? Rất nhiều ý kiến, ngay trên Bộ Xây dựng cũng chỉ hướng lên đầu sông Thao, sông Hồng mới an toàn. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường, Trương Nam Sơn hiểu rõ: trong cuộc chiến tranh này, không nơi nào có thể giấu kín hoàn toàn với giặc Mỹ được.
Một quyết định liều lĩnh hiện lên trong đầu ông: nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, công trường đóng tàu “Không số” sẽ di chuyển vào giữa lòng thủ đô Hà Nội. Ở đó, giặc sẽ không ngờ, và xưởng đóng tàu cũng sẽ được bảo vệ bởi lưới lửa phòng không-không quân và cao xạ của quân dân Hà Nội. Trong khi ở Chèm hay di chuyển ngược lên Phú Thọ thì công nhân của ông chỉ có vài khẩu súng để tự bảo vệ. Hơn thế, máy bay do thám của Mỹ sẽ không khó khăn để phát hiện ra mục tiêu bị lộ dưới những tán lá.
Ban đầu, quyết định của ông bị phản đối quyết liệt vì “trong khi người dân Hà Nội và bản thân các công nhân của đang phải sơ tán về các vùng nông thôn thì việc di chuyển vào nội thành là quá liều lĩnh”. Thế nhưng, bằng sự phân tích mạch lạc và sáng suốt cùng với kinh nghiệm, sự từng trải của một người lính ở chiến trường và bản lĩnh của một người chỉ huy, Trương Nam Sơn đã thuyết phục cả công trường quyết định di chuyển xưởng đóng tàu về trụ sở công ty ở phố Minh Khai thuộc phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thế nhưng, khi về giữa lòng Thủ đô, lại xuất hiện vấn đề nan giải, đó là làm thế nào để hạ thuỷ những con tàu thành phẩm, khi mà ở nội thành, chỗ để hạ thuỷ những chiếc “tàu Không số” lại cách xa cả chục cây số. “Cái khó ló cái khôn”, ông Trương Nam Sơn đã nghĩ ra sáng kiến tận dụng những chiếc xe tải 10 bánh của quân đội bị đánh bom cháy nhưng phần sườn vẫn còn sử dụng được để chế tạo thành thiết bị hạ thuỷ giống như đường ray.
Sườn ô tô đã được lắp thêm bánh lái để có thể dịch chuyển sang trái, sang phải theo ý người chỉ huy, có phanh ở 4 bánh. Mỗi lần vận chuyển một chiếc “tàu Không số” có trọng tải khoảng 15 đến 30 tấn, cao 4,5m, dài gần 30m, đồ sộ như ngôi nhà, những người thợ còn phải mang theo cưa để chặt bỏ những cành cây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển. Và thời điểm vận chuyển sẽ là ban đêm. Cuối cùng, 41 con tàu “Không số” đã hạ thuỷ tại bến Phà Đen, Phú Thượng và Chèm (3 địa điểm ở Hà Nội) đã xuôi theo sông Hồng về Đồ Sơn và vươn thẳng tới miền Nam.
|
Ông Trương Nam Sơn trong một buổi trao đổi sáng kiến với công nhân (ảnh chụp năm 1965, do nhân vật cung cấp).
Trong đó, xưởng đóng tàu nằm ngay lòng thủ đô do Trương Nam Sơn chỉ huy đã xuất xưởng gần 30 chiếc. ngay lập tức chuyển giao cho hải quân để kịp chuyển tới chiến trường nhiều chuyến hàng hoá, vũ khí góp phần to lớn vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Riêng Trương Nam Sơn, đã được tặng thưởng huy hiệu của Bác Hồ về những sáng kiến đóng tàu Không số.
Hoàn thành nhiệm vụ đóng tàu Không số huyền thoại, người thương binh Trương Nam Sơn lại tiếp tục lao vào chỉ huy nhiều nhiệm vụ quan trọng mang tính lịch sử và tiên phong: dựng cột cờ bên sông Bến Hải, công trình xây lắp Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, Nhà máy phân Đạm Hà Bắc (lần 2), tháp phát sóng vô tuyến truyền hình Giảng Võ (Hà Nội), tháp phát sóng truyền hình trên đỉnh núi Tam Đảo, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, tham gia lắp đặt các trang thiết bị Lăng Hồ Chủ tịch…
Giờ đây ở tuổi 84, người thương binh 2/4 già đã có thể an nhàn cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ ở Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, thảnh thơi nhớ lại ký ức hào hùng và mỉm cười: “Thú thật, chú chưa tham dự một khoá học chính quy trong bất cứ trường đại học nào. Có chăng chỉ là học lóm bồi dưỡng hay chuyên tu ngắn hạn. Rời quân ngũ với thương tật 2/4, tưởng rằng cuộc đời đã tàn, nhưng may sao lại không phế, chỉ một lòng vì nước vì dân mà không quản hy sinh, không ngại gian khổ. Trời sinh ra chắc cũng không có ai song toàn, chính vì vậy mà chú quyết tâm dẫu còn một hơi thở cuối cùng cũng không ngừng hoạt động…”.
Thanh Nam
(Ghi lại theo lời kể của ông Trương Nam Sơn)