Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thánh địa nằm trong một bồn địa nhỏ, các dãy đồi bát úp vây quanh thành một vòng cung gần như khép kín, nối với bồn địa lớn Cát Tiên bằng một hành lang hẹp.
Huyện Cát Tiên ở về phía tây bắc tỉnh Lâm Đồng, nằm gọn trong một bồn địa lớn, có sông Đồng Nai (người Mạ bản địa gọi là Đạ Đờng) chảy qua, làm thành ranh giới của huyện Cát Tiên, cũng là ranh giới của tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Nông và Bình Phước kế cận.
Từ thị trấn Madagui vào Đạ Tẻ, theo trục đường ĐT721 vượt qua dốc Khỉ là tới thánh địa Cát Tiên. Thánh địa nằm trong một bồn địa nhỏ, các dãy đồi bát úp vây quanh thành một vòng cung gần như khép kín, nối với bồn địa lớn Cát Tiên bằng một hành lang hẹp. Dòng Đạ Đờng quanh co tạo thành một vòng cung lớn quanh Cát Tiên.
Sinh thực khí Linga đất nung và đá tại thánh địa Cát Tiên. |
Thánh địa là nơi thờ phượng tôn giáo, có nguồn gốc từ văn minh Ấn Độ, thờ ngẫu tượng Linga - Yoni với nhiều đền tháp, mộ tháp, đài thờ, máng dẫn nước… xây chủ yếu bằng gạch, qua thời gian đã đổ nát, chỉ còn lại một phần dấu tích xưa. Nơi đây có hơn 1.100 hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật. Chúng được chế tác với nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, thiếc, đồng, sắt, đá, có cả đá quý. Đặc sắc nhất là những bộ sinh thực khí Linga - Yoni bằng vàng, bạc đồng, thạch anh, đất nung, đá. Ở đây vừa có bộ Linga - Yoni bằng vàng được xem là nhỏ nhất Đông Nam Á, vừa có bộ bằng đá huyền vũ được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á, trong đó Linga có đường kính 0,7m, cao 2,1m nhẵn bóng đến mức gần như soi gương được, Yoni rộng 2,26m. Quanh bộ Linga - Yoni to lớn ấy, có một huyền thoại chẳng biết được lưu truyền từ bao giờ, rằng:
“Khi cây cối vừa đâm chồi nẩy lộc, trời đất vào xuân - mùa khởi đầu của năm, mùa của sự sinh sôi nảy nở và cũng là mùa của con người truyền trao nòi giống, tín đồ từ muôn phương tới thánh địa dự lễ hội mùa xuân. Trên sân gạch rộng trước đền, sau khi leo hết bậc cấp dẫn từ bờ sông lên, tín đồ bước vào hai căn nhà gạch, nữ một bên, nam một bên. Tại đó, họ trút bỏ mọi thứ bụi trần vướng bận, trút bỏ quá khứ, thân phận… Khi bước ra sân đền tham dự nghi lễ, giữa khung cảnh thâm u của đại ngàn Trường Sơn, tiếng gầm réo của dòng sông uốn khúc bên dưới, họ trở về nguồn cội thuở hồng hoang, thành những con người bình đẳng của thời nguyên thủy…
Thông tin thêm: |
Những đứa trẻ thụ thai trong dịp lễ hội này được xem là con của thần sáng tạo Brama, thần bảo tồn Vishnu và thần hủy diệt Shiva. Chúng sẽ trở thành những người canh giữ đền thiêng, những tu sĩ nam nữ hiến thân cho tôn giáo phồn thực của dân tộc mình. Đoàn người xếp hàng tuần tự, thành kính đi vòng quanh, đặt tay lên Linga và hôn lên ngẫu tượng. Họ múc nước thần chảy từ lỗ thoát hồn mãi trên đỉnh cao của tháp dẫn xuống Linga - Yoni qua khe Yoni chảy vào cái ché lớn bên dưới bệ thờ, rồi dội nước lên đầu, té nước ướt hết thân mình, cầu xin cho sự nảy nở của cây lúa, sự đơm hoa tạo trái của muôn cây cối, sự tồn sinh qua từng thế hệ con người. Họ cầu xin cho con cái loài người nảy nở “nhiều như cỏ tranh trên cánh đồng, nhanh như măng tre, măng nứa giữa mùa mưa”.
Giữa những phế tích ẩn chứa quá nhiều điều bí mật và huyền thoại, khu thánh địa như mang thêm dáng vẻ huyền bí của thuở nguyên sơ. Những thông điệp người xưa để lại cứ phảng phất, quanh quẩn đâu đây, cứ dội lên bao câu hỏi mãi chưa có lời đáp. Vì sao thánh địa lại hoang tàn, bị vùi lấp hàng mấy trăm năm? Chủ nhân thánh địa là ai, ai là những người đã mang tôn giáo gốc Ấn Độ vào đất này?
Và trong khi khoa học chưa trả lời được thì cứ để cho các ức đoán, các huyền thoại phủ lên trên những đống gạch đá của phế tích, làm dày thêm lớp rêu phong của thời gian như một chút thi vị của cuộc sống ở vùng rừng núi tận cùng phía nam dãy Trường Sơn hùng vĩ này.
Theo tintuc.vn