Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đã gần 600 năm đi qua, mặc cho bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tạo hóa và con người thay đổi, nhưng cây dã hương cổ thụ trên mảnh đất của thôn Dương Phạm (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), một trong số 2 "cụ" cây quý hiếm còn sót lại ở nước ta và trên thế giới vẫn còn trường tồn.
Đã gần 600 năm đi qua, mặc cho bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tạo hóa và con người thay đổi, nhưng cây dã hương cổ thụ trên mảnh đất của thôn Dương Phạm (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), một trong số 2 "cụ" cây quý hiếm còn sót lại ở nước ta và trên thế giới vẫn còn trường tồn.
Sự có mặt của “đại lão mộc tinh” đến ngày nay đã hé lộ biết bao điều kỳ bí về truyền thuyết, chứng tích của một làng quê vốn được coi là thanh bình, yên ả bấy lâu. Người dân thôn Dương Phạm xem cây dã hương như là một “báu vật” của làng, họ ngày đêm ra sức bảo vệ và gìn giữ.
Truyền thuyết về “cụ” cây
Xưa kia mảnh đất thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định nằm sát ngay bên bờ sông vốn có tấp nập tàu bè qua lại buôn bán, trao đổi. Đời sống nhân dân trong vùng lúc bấy giờ ấm no, chan hòa, hạnh phúc.
Chuyện kể rằng, vào năm 1449, trong thôn có đôi vợ chồng nghèo Nguyễn Thị Hoằng và Ngô Công Tước sinh được một người con gái đặt tên là Ngô Nữ Thị Hoằng. Ngô Nữ sinh ra trong một gia đình nghèo nên không được đi học nhưng ở thiếu nữ này lại hội tụ đầy đủ trí tuệ thông minh, tài sắc và đức độ vẹn toàn.
Vào năm 1468, trong một lần vua Lê Thánh Tông về thôn Dương Phạm để thị sát công trình đê điều, thủy lợi và chăm lo đời sống cho nhân dân. Tình cờ cũng vào một buổi trưa hè năm đó Ngô Nữ Thị Hoằng đi bắt cua, khi giỏ cua đã đầy thiếu nữ ngồi nghỉ rồi xuống tắm và cất cao tiếng hát trên dòng sông. Đúng lúc này Vua Lê Thánh Tông ngồi trên thuyền đi ngang qua nghe thấy tiếng hát say đắm nên đã đem lòng yêu mến thiếu nữ.
Lúc đó trên trời xuất hiện đám mây đen che kín một khoảng lớn trên đầu, Vua cho đây là hiện tượng lạ. Vương vấn tài, sắc, tài ứng khẩu đối đáp thông minh lanh lợi của nàng, vua Lê Thánh Tông hẹn ngày quay lại làng Dương Phạm và đón cô về kinh thành.
Đúng như lời hứa, sau một thời gian nhà vua đã cho quân lính về đón nhưng thiếu nữ nhất quyết không đi. Cuối cùng nhà vua đành phải cho quân lính bắt người thiếu nữ về cung, cô khóc rất nhiều vì không muốn xa quê hương, xa cha mẹ của mình.
Vào cung bà được nhà vua phong làm Nhị phi cung tần, bà chỉ ở trong cung được 3 năm, năm 1471 Nhị phi cung tần lâm bệnh rồi qua đời.
Trước lúc lâm chung bà có ước muốn an táng về nơi đất mẹ. Chiều theo ý nguyện, Vua Lê Thánh Tông đã đồng ý đưa thi hài bà về quê an táng. Như một quan niệm về tâm linh người phụ nữ có 9 vía, vì thế nhà vua đã cho mang theo 9 cỗ quan tài, 9 chiếc thuyền chở đồ đạc và cát, đá xanh để xây mộ.
Khi mộ chưa kịp xây thì bỗng dưng một trận giông bão ập tới, dân làng Dương phải làm nhà tạm để che chở thi hài bà. Qua một đêm, khu đất nơi đặt quan tài của bà đã đùn lên một tổ mối to. Những người xây mộ bèn chở đá cuội đổ lên 9 chiếc quan tài và trồng bên cạnh một cây mộc hương để về sau cho con cháu biết và nhớ đến bà. Ngày đó dân trong thôn không ai biết chính xác tên gọi của loài cây này.
Sau khi an táng xong Nhị phi cung tần, nhà vua chu cấp tiền bạc để xây miếu và chùa Phúc Linh Tự ngay trong khu vườn ở gần mộ và cho trồng 2 cây thị ở ngôi miếu. Nhưng chỉ sống một cây và có tuổi đời như cây dã hương ngày nay. Tương truyền rằng khi Nhà Bà (tên dân làng thường gọi bà Ngô Nữ Thị Hoằng) hiển thánh rất linh thiêng.
Hễ trâu bò và trẻ nhỏ xâm hại đến mộ là y như rằng đều bị bà phạt. Trẻ nhỏ thì bà làm cho mất ngủ, khóc đêm, còn gia súc, gia cầm thì bỏ ăn mấy ngày. Muốn khỏi thì phải ra cầu khấn xin bà mới khỏi. Tuy nhiên, đấy chỉ là những lời truyền miệng của các cụ bô lão trong làng. Miếu Nhà Bà lúc xây quay mặt về hướng Bắc, nhưng thời gian này không hiểu vì sao dân trong làng làm ăn thất bát, mất mùa, đói kém. Nghĩ đến Nhà Bà, dân làng làm lễ xin Bà quay miếu sang hướng Nam.
Từ khi thay đổi hướng miếu đời sống ngày một hưng thịnh hơn. Theo đó xưa kia làng có tên là Tài Long, sau làm ăn phát đạt đổi thành làng Ngõ Phát. Nói về cái cây lớn ở mộ Nhà Bà thì không một ai biết chắc chắn đó là cây gì.
Dân làng chỉ biết đó là cây đại thụ che bóng mát cho cả một góc làng. Mùa hoa nở, một mùi hương dễ chịu ngào ngạt, phảng phất khắp đầu thôn cuối xóm ai cũng muốn ngửi. Các cụ cao niên trong làng kể lại: mỗi khi cảm cúm, hay nhức đầu, trẻ con bị nổi mẩn ngứa, lên sởi người làng thường ra lấy lá hoặc vỏ cây đem về đun nước xông và tắm rất nhanh khỏi.
Cách đây vài chục năm về trước, một trận bão đi qua đã làm gãy mất một cành cây to của cây dã hương, thấy vậy một số người dân trong thôn đem về nhà làm ghế ngồi, làm giường, làm các vật dụng khác và đem gỗ dã hương đun nấu. Một mùi hương thơm bốc lên từ bếp, thấy vậy nhiều người đã tự ý mang những vật dụng làm từ gỗ cây đó ra trả về chỗ cũ.
Các cụ già trong thôn kể rằng: Miếu Nhà Bà ngày trước có một đôi rắn, một trong 2 con rắn đó có mào đỏ chót nên ai cũng cho rằng, đó là đôi rắn thần bảo vệ cây nên dân làng không ai dám xâm phạm.
Chuyện đôi rắn có thể được hình tượng hóa, nhưng những chuyện lạ lùng xảy ra xung quanh gốc cây dã hương thì điều này chưa có ai lý giải được. Trường hợp Nguyễn Văn Thành là người trong thôn có lần chót dại cầm đá ném con chim trên cành cây, hòn đá vừa rời tay thì anh cũng gãy tay luôn dù không va chạm vào đâu cả.
Hoặc chuyện con rể ông trưởng xóm trước kia leo lên cây chặt ba cành to về bán, đúng ba năm sau đi xe máy đâm vào gốc cây mà tử nạn. Rồi vào năm 1984, ông chủ tịch xã ra oai đứng dưới gốc cây mà bắn hai phát súng, hai năm sau, đang ngồi làm việc bỗng hộc máu mồm mà chết.
Những cái chết kỳ bí, những hiện tượng không ai giải thích nổi mỗi ngày một nhiều xung quanh gốc cây ấy. Đến tận bây giờ chưa ai có thể lý giải những sự kỳ bí ấy dưới góc độ khoa học, hay mặt tâm linh.
Chuyện xưa – chuyện nay
Lâu nay, xã Yên Nhân hội tụ đầy đủ những yếu tố địa linh nhân kiệt. Xưa kia, nơi đây là vùng đất gắn liền với những con người nổi tiếng, những vị tướng như: Triệu Quang Phục, Trần Khánh Dư và quan ngự sử Phạm Bảo (người làng Dương Phạm, đỗ Hoàng Giáp năm Đinh Mùi 1487) và em trai là quan thị lang Phạm Phú (tiến sĩ năm Canh Tuất 1490).
Nhìn trên bản đồ, xã Yên Nhân có hình dáng như một chiếc thuyền rồng ngự giữa sông Đào và sông Đáy nên người xưa còn gọi là Tam Kỳ Giang (vùng đất ngã ba sông). Từ cổ chí kim, Yên Nhân là một vùng đất được bồi đắp bên cửa biển Đại Nha.
Thuở ấy, cửa biển này nổi tiếng nhiều sóng dữ, thêm vào đó là việc danh tướng Triệu Quang Phục sau khi thất trận đã về tuẫn tiết ở đây nên còn được gọi là cửa Đại Ác. Cái tên ấy được xóa đi vào đời Trần, khi Minh Huệ Đại Vương Trần Khánh Dư đi qua để tới Vân Đồn.
Thuyền Đại Vương đến cửa Đại Ác thì gặp sóng lớn, ngài liền lập đàn tế, tế xong thì biển lặng, ngài liền cho lập một điền trang ở Yên Nhân và đổi tên cửa Đại Ác thành Đại An. Sau này, cái tên Đại An còn được dùng làm tên huyện trước khi chuyển thành Đại Yên, rồi Ý Yên ngày nay.
Ý Yên xưa kia là căn cứ cách mạng bởi nơi đây có hai con sông lớn chảy qua (sông Hồng và sông Đào) và thành lũy vững chắc. Vì vậy giặc Pháp muốn tiến đánh vào làng cũng khó. Lợi dụng địa thế sông nước hiểm trở, dân làng Phạm che chở nuôi bộ đội, du kích sẵn sàng chiến đấu với giặc cả đêm lẫn ngày.
Cụ Toàn, người từng tham gia trận đánh Pháp bên gốc cây dã hương hồi tưởng: “Ngày xưa làng này có nhiều cây cổ thụ, nhưng không có cây nào cao và to lớn, như cây ở miếu Nhà Bà. Mỗi lần chuẩn bị có trận đánh lớn chúng tôi làm lễ nhờ Bà phù hộ, người chỉ huy đại đội lại leo lên cây dã hương để quan sát tình hình địch vì thế mà trăm trận trăm thắng”.
May mắn gặp được Đại tá Nguyễn Xuân Thản, từng là chỉ huy một đơn vị pháo cao xạ trong cuộc chiến chống giặc Mỹ ngay tại quê hương mình. Ông kể: “Ngày đó Ninh Bình, Hà Nam, Nam định là chảo lửa của chiến tranh. Máy bay bắn phá suốt ngày đêm. Nam Định là nơi ít núi cao, hào sâu. Lúc bấy giờ ở thôn Dương Phạm vẫn còn nguyên một rừng cây nguyên sinh nhưng cây dã hương được chọn là “đài quan sát”.
Trên thân cây hiện vẫn còn những chiếc đinh đã bị hoen rỉ, đó là những chiếc đinh mà các chiến sĩ phòng không quân đóng để trèo lên làm “đài” quan sát, gắn máy đo xa, báo tầm, báo hướng khi có máy bay địch oanh tạc.
Bảo tồn “báu vật”
600 năm, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn vĩnh cửu của đại lão mộc tinh. Chiến tranh không còn nhưng sự xâm thực của con người, môi trường tự nhiên, vi sinh vật đang là mối đe dọa từng giờ lên “báu vật” này.
Cây dã hương thuộc chi Cinamomumcamphora, loài long não. Là loài cây quý hiếm, có chứa tinh dầu ở tất cả các bộ phận của cây, rễ cây chứa chất safrol, là thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm. Từ gỗ cây dã hương có thể làm được hương trầm, loại hương rất thơm, quý.
Khảo sát số liệu mà các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu đã có kết luận, cây dã hương thôn Dương Phạm có vòng tròn đo ở gốc là 11m, đường kính giữa thân là 2,7m và có chiều cao hơn 30m, có tuổi đời gần 600 năm. Dù có kích thước và tuổi đời nhỏ hơn cây dã hương ở Bắc Giang, song cây dã hương ở thôn Dương Phạm lại có dáng vẻ kỳ thú trông rất đẹp, cây có bộ rễ với nhiều hình thù kỳ quái nổi lên khỏi mặt đất.
Thân cây vươn cao và ôm lấy ngôi đình, nhiều cành lớn được “phủ” bởi những thực vật sống ký sinh tạo nên vẻ cổ kính. Xung quanh thân nổi lên nhiều khối u lớn giống “vòi voi”, “đầu rắn”, hay những chiếc “vòi bạch tuộc” đủ loại hình thù hoa văn vươn ra ôm lấy miếu Nhà Bà.
Ông Nguyễn Văn Kiên, người chịu trách nhiệm trông coi, cai quản và giới thiệu mỗi khi du khách đến tham quan “đại lão mộc tinh” cho chúng tôi hay: “Khi biết thông tin về cây dã hương là loài thực vật quý hiếm vào loại bậc nhất trên thế giới nên địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng hết sức bảo tồn”.
Tháng 8.2007, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học – Trường đại học Sư phạm I Hà Nội đã được mời về thôn Dương Phạm tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy cây còn khỏe, lá còn xanh nhưng đã có những dấu hiệu bị xâm hại của sinh vật. Ở phía gốc cây sát mặt đất đã có rất nhiều chỗ bị mục, rỗng do mối mọt.
Theo PGS.TS Vũ Quang Mạnh, giảng viên Khoa Sinh học – Kỹ thuật nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh vật học – Đại học Sư phạm 1 – Hà Nội: Việc bảo tồn được cây dã hương quý tại thôn, Dương Phạm cần có đề án nghiên cứu tổng thể về địa lý, thảm thực vật khu vực cây, trên cơ sở đó mới đưa ra được biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Ông Kiên cho biết thêm “để bảo tồn cây, năm 2008, địa phương đã mời Trung tâm Nghiên cứu diệt trừ mối về và đã bơm 3 khối nước hòa với thuốc vào trong thân cây, gốc cây, kèm theo đó là phun thuốc để diệt vi sinh vật gây hại cho thân và lá”.
Tận mắt chứng kiến, thân cây đã có dấu hiệu và biểu hiện của sự xâm hại như mối mọt và loại sâu nhưng cây dã hương vẫn còn xanh tươi lắm. Rễ cây còn bám sâu và chắc vào lòng đất, lá cây vẫn còn xanh mướt. Thân cây tràn đầy nhựa sống như chứng tỏ sức sống của nó vốn có ngần ấy thời gian qua.
Những ngày này, khi cái tết đang đến gần thì người dân thôn Dương Phạm lại tất bật đến quanh “cụ cây” để dọn dẹp làm nơi tụ tập vui chơi và là nơi diễn ra các trò chơi dân gian nối tiếp truyền thống từ bao đời nay. Hơn ai hết, người dân nơi đây đều hiểu được rằng, việc bảo tồn “đệ nhất” mộc tinh là chuyện không của riêng nhân dân thôn Dương Phạm mà đòi hỏi chính quyền địa phương chung tay, góp sức.
Theo VTC