 |
Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Trảng Bàng hội
nghị tổng kết năm 2010 và đề ra phương hướng PCNL năm 2011 |
Huyện Trảng Bàng có địa hình thấp và nghiêng dần
từ Đông sang Tây. So với mực nước thiết kế của lòng hồ Dầu Tiếng, địa hình Trảng
Bàng thấp hơn từ 10m đến 20m. Đây là một áp lực nước rất nguy hiểm. Khi có sự cố
vỡ đập thì hậu quả khó lường. Bên cạnh đó huyện có hai đoạn sông chính chảy qua
là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, với nhiều hệ thống kênh rạch chằng chịt ở
hầu hết các xã trong huyện. Trên địa bàn huyện còn có hệ thống kênh Đông của hồ
Dầu Tiếng nằm trọn trong 3 xã Đôn Thuận, Hưng Thuận và Lộc Hưng, cùng với hệ
thống kênh tưới tiêu đều khắp 7 xã cánh Đông của huyện. Do vậy, có thể coi Trảng
Bàng là một cái lòng chảo hứng tất cả các nguồn nước từ xa tràn về. Trảng Bàng
cũng là nơi thường có lốc xoáy đi qua. Trong năm 2010, thiên tai xảy ra trên địa
bàn huyện đã làm sập và tốc mái 60 căn nhà; 150 trụ ăngten; 12 trụ điện thoại;
60 mét hàng rào trụ sở UBND xã Phước Lưu và ngã đổ 70 cây cao su đang cho mủ…
Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện khoảng 949 triệu đồng. Trong đó thiệt hại nặng
nhất là xã Phước Lưu, với trên 800 triệu đồng.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt
bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB -TKCN) huyện Trảng Bàng, năm nay tình hình khí hậu
thời tiết có biểu hiện khác thường hơn mọi năm, không loại trừ khả năng lũ lụt
lớn kéo dài như năm 2000. Hằng năm lượng mưa thường tập trung vào hai tháng 10
và 11, với những đợt mưa lớn kéo dài, kết hợp với nước lũ tràn về từ phía Long
An và nước láng giềng Campuchia làm ngập úng khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông và một
số nơi trũng thấp. Cũng do mưa nhiều, mực nước hồ Dầu Tiếng có thể sẽ dâng cao
trong mùa mưa, để bảo vệ công trình được an toàn, hồ sẽ xả lũ với lưu lượng lớn
xuống sông Sài Gòn và phân lũ về sông Vàm Cỏ Đông gây ngập úng cục bộ một số
diện tích ven sông, nhất là ba xã cánh Tây của huyện (Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình
Thạnh) và các xã An Hoà, Đôn Thuận, Hưng Thuận.
Để chủ động đối phó với thiên tai, hạn chế đến
mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, Ban Chỉ huy
PCLB-TKCN huyện Trảng Bàng đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cần chuẩn bị đối với các
ban, ngành và các xã trong huyện.
Ở các xã Đôn Thuận, Hưng Thuận, khi ngập lụt xảy
ra cần di dời khẩn cấp người và tài sản cần thiết ở ven sông Sài Gòn thuộc ấp Bà
Nhã lên khu vực Nông trường Bời Lời (xã Đôn Thuận); ấp Bùng Binh và Lộc Thuận
lên ngay khu vực ngã tư Bùng Binh (xã Hưng Thuận). Xã An Hoà, chú ý sơ tán các
hộ dân ở ven sông Vàm Cỏ Đông và rạch Trảng Bàng lên vùng cao tại khu vực cầu
Quan. Xã Phước Chỉ củng cố các tổ, đội chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó
mọi tình huống. Chú ý vùng thường xuyên ngập lụt hằng năm là ấp Phước Mỹ (A 8)
và các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông; huy động phương tiện ghe tàu di dân cứu hộ và
tăng, cây làm nhà tạm thời. Xã Phước Lưu tập trung đưa người và tài sản ở ấp
Phước Giang lên vùng cao, rà soát các phương tiện cứu hộ, cứu trợ và phân công
cụ thể các tổ, đội phụ trách địa bàn chặt chẽ. Xã An Tịnh cần chú ý khu vực cầu
Trảng Chừa, cũng là vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt.
 |
Đường vào ấp Phước Giang (xã Phước Lưu)
- nơi dễ xảy ra ngập úng khi có mưa bão |
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn
và hướng dẫn nông dân bố trí thời vụ, cũng như nuôi trồng các loại cây, con phù
hợp với từng vùng và có khả năng thích ứng với từng nơi; kết hợp với các ngành
thi công, nạo vét các tuyến kênh tiêu ở những nơi thường xuyên ngập úng; trong
thời gian có lụt bão. Phòng Công thương huyện kiểm tra cầu, cống trên các trục
lộ có vị trí xung yếu; kiểm tra các trục lộ giao thông có hệ thống cấp thoát
nước chưa đồng bộ có thể gây ngập úng cục bộ và có biện pháp sửa chữa khẩn
trương. Xí nghiệp Thuỷ nông số 5 kết hợp với các xã khai thông dòng chảy, thường
xuyên kiểm tra các điểm xung yếu, kịp thời tu bổ, sửa chữa kênh mương không để
xảy ra sự cố; tổ chức trực 24/24 giờ, cùng với các tổ đường nước điều tiết nước
trong kênh hợp lý, tránh gây ngập úng, chống sạt lở đảm bảo an toàn công trình.
Lực lượng then chốt trong công tác PCLB-TKCN là Công an và Quân sự huyện cần có
kế hoạch huy động các lực lượng để ứng cứu ngay từ giờ đầu khi có bão lũ xảy ra;
kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
D.H