BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hy Lạp tăng cường an ninh biên giới ngăn làn sóng người tị nạn Syria

Cập nhật ngày: 31/07/2012 - 11:54

Lực lượng biên phòng sẽ được điều động đến khu vực Đông Bắc Evros, nơi có đường biên giới chung trải dài 212km trên đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ, để bổ sung cho khoảng 600 lính biên phòng hiện đang bảo vệ khu vực này. 26 hàng rào nổi cũng sẽ được lắp đặt dọc theo sông Evros - nơi được coi là cửa ngõ chính mà những người nhập cư bất hợp pháp tìm cách để vào Liên minh châu Âu (EU).

Người tị nạn Syria. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Bộ Trật tự công cộng Hy Lạp, Nikos Dendias nói: "Chúng tôi muốn ‘phong toả’ con sông này để Hy Lạp không còn bị sử dụng như một ‘cửa ngõ’ cho những người di cư bất hợp pháp”.

Theo thống kê của EU, hơn 80% người nhập cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu thông qua biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Khoảng 100.000 người nhập cư đã bị bắt giữ trong khi cố gắng vượt qua biên giới giữa hai nước trong năm 2011.

Trong một nỗ lực để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp này, Hy Lạp đã bắt đầu xây dựng một hàng rào dài 12km dọc theo một phần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hàng rào dây thép gai, cao khoảng 4m này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10.2012 với chi phí ước tính khoảng 3,9 triệu USD.

Trong khi đó, giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập đang ngày càng trở nên dữ dội. Chính phủ Syria thể hiện quyết tâm không khoan nhượng khi đẩy mạnh chiến dịch đẩy lùi lực lượng chống đối khỏi Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này đồng thời là chiến trường quyết liệt trong hơn một tuần qua. Tuy nhiên, lực lượng chống đối, được cho là đang nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài và trong khu vực, vẫn không từ bỏ quyết tâm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chính phủ Syria tuyên bố đã giành lại được quyền kiểm soát hầu hết các khu vực rơi vào tay quân chống đối ở Aleppo, đặc biệt là quận chủ chốt Salaheddin, đồng thời bác bỏ những thông tin cho rằng, lực lượng đối lập "Quân đội Syria tự do" (FSA) đã chiếm được một số vùng ở Aleppo. Theo Damacus, đây chỉ là đòn chiến tranh tâm lý nhằm khôi phục tinh thần đang suy sụp của quân đối lập. Trong khi đó, FSA cho biết họ vẫn kiểm soát "35-40% Aleppo."

Theo số liệu thống kê do Liên Hợp Quốc công bố, cuộc xung đột tại Syria đã khiến khoảng 19.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng nổ vào tháng 3.2011. Khoảng 200.000 người Syria đã chạy sang các nước láng giềng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 88.000 người tị nạn Syria.

TRINH DƯƠNG

(Tổng hợp)