BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hy sinh 53 năm, chưa được là liệt sĩ 

Cập nhật ngày: 22/07/2023 - 07:14

BTN - Đây là trường hợp ông Nguyễn Văn Thu, quê ấp 2, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu. Đến nay, cũng đã 48 năm sau ngày đại thắng, giải phóng miền Nam (1975), nhiều đồng đội vẫn nhớ về ông.

Ban thờ cha mẹ ông Thu và liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân.

Bà Đỗ Thị Thìn, một cán bộ xã Bến Củi những năm đầu kháng chiến chống Mỹ bảo: “Anh Thu lúc đầu tham gia hoạt động bí mật tại xã Bến Củi những năm 1966-1968. Người nhỏ thó nên thường nhận nhiệm vụ trinh sát các đoàn hành quân của quân Mỹ.

Do vậy mà các chiến công đặt mìn đánh các đoàn “công-voa” của quân Mỹ-nguỵ ở Bến Củi đều có công anh”. Bà Thìn còn nhớ ông được mọi người đặt biệt danh là Thu “Đầm Già”, do tài trinh sát của anh cũng chẳng kém những chiếc máy bay do thám thường được gọi là máy bay Đầm Già của địch.

Ông Nguyễn Quang Hợp (Tư Hợp)- cựu chỉ huy du kích xã Bến Củi, sau từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng biết rõ về gia đình ông Thu. Ông kể: “Gia đình bố mẹ Thu là công nhân cao su Bến Củi, thường gọi là dân phu tuyển mộ từ miền Bắc. Nhà có ba anh em trai là Xuân, Thu và Đông. Xuân và Thu đều đã hy sinh.

Thế nhưng chỉ có Xuân là được công nhận liệt sĩ, có bằng Tổ quốc ghi công. Còn Thu, không rõ “trục trặc” ở khâu nào đó mà đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ”. Và, câu chuyện của người em trai duy nhất còn sống, đi làm hồ sơ công nhận là liệt sĩ cho anh cũng đã kéo dài 8 năm - hết hy vọng, lại rồi thất vọng.

Theo tờ đơn “Đề nghị phát hiện” của ông Nguyễn Văn Đông viết vào tháng 11.2015 thì: “Tôi có người anh ruột tên là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1950. Từ năm 1966 đến năm 1968 tham gia hoạt động mật cho cách mạng ở xã Bến Củi, năm 1968 anh tôi thoát ly gia đình tham gia bộ đội thuộc Tỉnh đội Tây Ninh.

Những thông tin mà gia đình được biết thông qua các anh chị cùng nhập ngũ lúc đó vào năm 1968 đến năm 1970 anh Thu làm y tá thuộc đơn vị Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Tỉnh đội Tây Ninh cho đến ngày hoà bình từ năm 1975 cho đến nay, gia đình không nghe được tin tức gì cũng như giấy báo tử hoặc các giấy tờ có liên quan đến anh Thu… Vậy gia đình kính mong Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 1 và các anh các chú Hội CCB tỉnh Tây Ninh hết lòng giúp đỡ truy tìm tung tích của anh tôi đã hy sinh trong trường hợp nào để gia đình xin giải quyết chính sách cho anh tôi…”.

Hy vọng đã được thắp lên, khi nhiều đồng đội đã giúp ông Đông tìm ra những người đồng chí của ông Thu, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của ông trong chiến đấu. Những người này dù ở khá xa Tây Ninh, nhưng với sự giúp đỡ chí tình của gia đình ông Lê Quang Hợp (Tư Hợp) và ông Lê Mộng Hà (Sáu Hà), Trưởng Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 1 nên đã có xác minh.

Ông Nguyễn Thành Liệt, sinh sống tại Cà Mau, nguyên Đại đội trưởng C1, D1, nơi ông Thu tại ngũ đã viết bản xác nhận vào tháng 11.2015 như sau: “Đồng chí Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1950 ở địa chỉ trên (ấp 2, xã Bến Củi) là ở Đại đội 1 (chức vụ Y tá), Tiểu đoàn 1 Tây Ninh từ năm 1968 đến năm 1970.

Sau đó cùng năm này tôi và đồng chí Thu cùng một số đồng chí nữa được điều về Trung ương cục Miền Nam, qua tiểu đoàn 190 Bảo vệ Hậu cần tham gia đánh địch nhiều trận. Trong đó có trận đánh Phum Bồ Câu ở Tân Biên, Tây Ninh tháng 10.1970 thì đồng chí Nguyễn Văn Thu bị thương nặng đưa về bệnh viện K21 sau nghe tin đồng chí Thu hy sinh. Tôi tưởng trên đó có báo tử cho gia đình rồi, nhưng đến đây cũng chưa có…”.

Một đồng đội khác, ông Phạm Hồng Hân, thường trú tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Năm 1968, ông Hân là Trung đội trưởng của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, nơi ông Thu đang làm y tá đơn vị. Xác nhận của ông còn chi tiết hơn về ngày, tháng: “Đến tháng 5 năm 1970, đơn vị của tôi đã rút tôi và đồng chí Nguyễn Văn Thu về bổ sung cho tiểu đoàn 190 (thuộc Cục Hậu cần miền Nam), đơn vị của tôi đã tham gia rất nhiều trận đánh.

Trong trận đánh ngày 21 tháng 10 năm 1970 tại Phum Bồ Câu- Tân Biên Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Thu bị thương nặng và đã được đơn vị đưa về điều trị tại bệnh viện K21, sau đó đồng chí Nguyễn Văn Thu không qua khỏi và đã hy sinh (chết) tại bệnh viện K21…”.

Bến Củi ngày nay.

Trên cơ sở 2 bản xác nhận của hai cán bộ cấp Đại đội trưởng và Trung đội trưởng của đơn vị ông Thu công tác, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Tây Ninh do ông Lê Mộng Hà làm Trưởng ban đã có văn bản gửi UBND và Ban CHQS xã Bến Củi “về việc đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết chính sách cho ông Nguyễn Văn Thu”. Văn bản đề ngày 20.11.2015. Một văn bản bổ sung cũng của đơn vị kể trên còn xác định được ngày và nơi hy sinh của ông Thu là: “Hy sinh ngày 22/10/1970 tại bệnh viện Quân y K21 (ở Phum Nâu, Kampong Cham, gần biên giới Tây Ninh”.

Hy vọng được thắp lên, nhưng tiếp theo lại là nỗi thất vọng của gia đình. Bởi khi nộp hồ sơ, thì xã (cụ thể là chuyên viên phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng hồ sơ không đủ điều kiện để xem xét. Cụ thể hơn, là yếu tố đầu tiên cần phải có là giấy báo tử.

Ông Nguyễn Văn Đông đã phải lên Huyện đội Dương Minh Châu. Người phụ trách năm đó (2015) còn đòi hỏi 4 điều, mà xem ra điều nào cũng khó. Đó là phải có: 1- Danh sách Tiểu đoàn nơi ông Thu công tác. 2- Ai chôn cất?. 3- Chôn ở nghĩa trang nào?. 4- Ai làm chứng? Do vậy mà ông Đông phải “tay trắng” quay về.

Giữa tháng 7.2023, Tây Ninh đã nhộn nhịp các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Các cuộc giao lưu, chăm sóc các gia đình có công; những chuyến về nguồn tu sửa dọn dẹp, viếng thăm các nghĩa trang rộn rã khắp từ phố thị tới làng quê. Trong không khí ấy, vẫn có những góc nhỏ trầm tư nhớ về các đồng đội của người còn sống.

Như các ông Tư Hợp, Ba Siêu, Sáu Hà… lại nhớ về người chiến sĩ họ từng biết năm xưa là Nguyễn Văn Thu. Như góc nhỏ đặt ban thờ của nhà ông Nguyễn Văn Đông. Hai người anh hy sinh nhưng trên ban chỉ trơ trọi 1 tấm bằng Tổ quốc ghi công của Nguyễn Văn Xuân.

Cả hai anh cũng không còn di ảnh. Mà bản thân ông Đông, tuổi trên 70 cũng đã mệt mỏi rồi. Trên hành trình đi làm thủ tục chính sách cho anh. Ông Ngô Mạnh Siêu, cựu Trung tá, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 16 Tây Ninh nói:- Không biết thì thôi, nhưng đã biết rồi mà chưa làm được bằng Tổ quốc ghi công cho ông Thu thì lòng vẫn luôn còn day dứt! Nhưng biết làm sao đây, khi hồ sơ mới đến xã thì đã bị trả lại rồi.

Bởi điều kiện “tiên quyết” là giấy báo tử thì không có. Những đơn vị một thời trong kháng chiến như Tiểu đoàn 190 chắc đã không còn nữa. Mấu chốt vấn đề có lẽ là ở ngay trong một dòng của bản xác nhận do ông Nguyễn Thanh Liệt viết: “Tôi tưởng trên đó có báo tử cho gia đình rồi”. Trên đó tức là bệnh viện K21, nơi ông Thu được gửi vào cứu chữa và đã hy sinh. Và cũng có thể “trên đó” lại tưởng đơn vị đã báo tử cho gia đình rồi. Thì sao?

Hành trình công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Thu, một chiến sĩ đã hy sinh 53 năm trước vẫn đang còn bế tắc. Câu chuyện này được kể ra với hy vọng có cơ quan hay cá nhân nào có “cao kiến” gì không?

Nguyễn Quốc Việt