Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hy vọng nào cho bóng đá Việt năm 2023?
Thứ hai: 10:03 ngày 02/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bóng đá Việt 2023, như nhiều người đã biết sẽ có nhiều đổi mới trong hệ thống thi đấu, cả tên tuổi các nhà cầm quân U23 và đội tuyển Việt Nam trong năm mới, trước khi chính thức hội nhập vào hệ thống thi đấu châu lục và thế giới.

Theo đó, sẽ có V-League 2023 theo thể thức 2 lượt: Lượt đi, sau đó chia nhóm tranh huy chương và nhóm xuống hạng, để tiếp đó chính thức vận hành V-League 2023-2024 như cách làm phổ biến chung hiện nay. Và từ V-League 2023 này, vẫn có V-League 1 và 2, với đủ 14 đội và 12 đội thi đấu vòng tròn 2 lượt như đã từng diễn ra nhiều mùa giải trước đó.

Nhưng nói cho cùng, chất lượng V-League mới là điều đáng chú ý khi xuất hiện nhiều “đại gia” bóng đá mới, đồng thời xuất hiện cả tiếng “kêu cứu” của chính các đại gia mới nổi trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế chậm chạp sau đại dịch Covid-19 và hậu quả thực sự tác động lên nền kinh tế - xã hội không riêng gì ở Việt Nam.

Niềm vui của Quế Ngọc Hải và đồng đội sau khi ghi bàn thắng nhân đôi cách biệt cho đội tuyển Việt Nam trước tuyển Malaysia. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Đội bóng lần đầu lên V-League 1 Công an nhân dân, nay là Công an Hà Nội có vẻ như đang được tiếp sức mạnh mẽ để trở thành một thế lực thực sự của bóng đá Thủ đô, chứ không phải là tên gọi quen thuộc đến nhàm chán là Hà Nội FC lâu nay.

Những ngôi sao học trò của ông Park Hang-seo như Văn Hậu, Văn Đức… đang được “bổ sung” về Công an Hà Nội, gợi nhớ bóng dáng một đội bóng lừng danh năm xưa, từng tạo nên những trận derby nổi tiếng trên sân Hàng Đẫy Công an Hà Nội - Thể Công luôn in đậm trong trí nhớ những người yêu bóng đá trên đất Hà thành.

Trong khi đó, Nam Định với nguồn lực đầu tư mới cũng đang gọi về đây hàng loạt hảo thủ, tiếp tục gợi nhớ về đội bóng lừng danh năm xưa Công nghiệp Hà Nam Ninh. Hy vọng là vậy, còn vào cuộc mới biết các ông thầy trẻ, nhiều tiềm năng như Bảo Khanh, Hồng Việt… liệu có “kham” nổi nhiệm vụ hay không? Và phải chăng, ngôi vô địch V-League 2023 sẽ thay đổi, dù đó có thể không lọt ra ngoài một đội bóng Thủ đô?

Đội bóng thành phố biển Khánh Hòa cũng vừa trở lại V-League 1 nhưng thực tế cho thấy không có đột phá lớn nào từ đây, dù có thể họ từng có thời điểm được coi là “ngựa ô”, từng góp nhiều hảo thủ cho các đội tuyển quốc gia nhưng “đấu tranh chống xuống hạng” vẫn là hình ảnh tiêu biểu.

Những đội bóng “mong manh” giữa trụ hạng và xuống hạng xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ bóng đá, trong đó có Khánh Hòa, Nam Định, Đồng Tháp, Sài Gòn FC… Rất khó để nói đội bóng nào sẽ trụ vững rồi vươn lên khi tiềm năng đã kém, đầu tư lại yếu như những cái tên vừa được điểm.

Huấn luyện viên Park có buổi họp nhanh với đội tuyển Việt Nam trên sân thi đấu Jalan Besar ở Singapore. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Trong khi những đội bóng được coi là đang yên tâm với mọi toan tính như Hà Nội FC, Thể Công, Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Đông Á Thanh Hóa… thì lại có nhiều cái tên đã và đang gặp khó trong mùa bóng mới.

Tên tuổi mới nhất được gióng lên với hồi chuông kêu cứu, lạ thay lại là “đại gia nửa mùa” Topenland Bình Định khi sau một mùa tưng bừng mua sắm, chi tiêu thả phanh, với kết quả về hạng 3 chung cuộc V-League 1, hạng nhì Cup quốc gia nhưng nợ lương thưởng tới hơn ba chục tỷ đồng! Đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai cũng “tan đàn xẻ nghé” sau mùa giải vừa qua, trừ việc Kiatisuk đồng ý ở lại cầm quân…

Để thấy, những màn doping tiền thưởng cho một trận thắng để trụ hạng kiểu Nam Định, Đông Á Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh… để tranh đoạt cup vàng kiểu Hải Phòng hay Bình Định nếu tính kỹ là những cách làm “phản bóng đá”, phá vỡ “trần” thông thường, gây nhiễu loạn đời sống bóng đá.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những cách làm “trống bỏi” kiểu này cần phải lên án kịp thời, thậm chí phải được quy định như cách bóng đá thế giới quy định về công bằng tài chính, dù người ta luôn tìm cách len lỏi, vượt qua. Bài học kêu cứu của Topenland Bình Định mới đây, dù sau đó tạm yên thì cũng không giấu nổi một thực tế chua xót của những cách làm ăn xổi trong bóng đá, cứ vống lên, nống lên rồi tan nát lúc nào không hay…

Sau AFF Cup 2022 này, dù thành công hay thất bại trong việc lấy lại cup vàng khu vực thì bóng đá Việt cũng kết thúc chu kỳ thành công dưới thời ông Park Hang-seo. Mục tiêu tiếp theo đặt ra đang ở mức cao và cụ thể hơn bao giờ hết: tấm vé dự World Cup 2026 hoặc 2030 cho đội tuyển bóng đá nam. Rất có thể những cái tên vừa xuất hiện ở giải U21 mới đây, những cái tên vừa được xướng lên trong đợt tập trung U20 quốc gia mới đây sẽ là trụ cột trong đội hình làm nhiệm vụ vinh quang đó.

Giờ đây, khi năm mới 2023 bắt đầu, hy vọng bóng đá Việt sẽ được vận hành ngày một chuyên nghiệp hơn (với công nghệ VAR, công nghệ bắt việt vị bán tự động…), với sự trưởng thành của công tác tổ chức, đội ngũ trọng tài, của cổ động viên, truyền thông, đào tạo trẻ với phương pháp hiện đại, giảm thiểu những sự việc không đáng có, những bước đi không có lợi cho bước tiến chung.

Bóng đá châu lục đang tiến những bước dài tại World Cup mới đây, nhưng bóng đá khu vực, trong đó có Việt Nam với tư cách hàng đầu, liệu có “nhích” thêm được bước nào trong chặng đua cấp châu lục hay không, thì phải bắt đầu từng giờ, từng ngày, hành động một cách chắc chắn, căn cơ thì mới mang lại hy vọng có thể./.

Nguồn BNA

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục