BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hy vọng từ sản phẩm “sau trái mãng cầu”

Cập nhật ngày: 20/06/2013 - 06:07

Nông dân sẽ có thêm hy vọng từ những sản phẩm “sau trái mãng cầu” ?

 (BTN) - Tây Ninh được xem là địa phương có diện tích vườn cây mãng cầu lớn nhất nước (khoảng 5.100 ha). Hơn thế nữa, trái mãng cầu từ lâu đã là một đặc sản của Tây Ninh nổi tiếng khắp các vùng miền. Nhiều năm qua, người trồng mãng cầu có được nguồn thu nhập khá dù vẫn còn bấp bênh. Tuy nhiên, Tây Ninh chưa có một dự án cụ thể nào để phát huy lợi thế sẵn có của trái mãng cầu, phát triển thương hiệu mãng cầu Bà Đen bằng dịch vụ - công nghiệp chế biến “sau trái mãng cầu”. Gần đây, một sản phẩm “sau trái mãng cầu” của một doanh nghiệp trong tỉnh bắt đầu xuất hiện thăm dò người tiêu dùng với khát vọng lớn lao.

TỪ THƯƠNG HIỆU BỊ LỢI DỤNG

Từ cuối tháng 8.2012, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã trao giấy chứng nhận “Mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP” cho ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Tân Hưng, Tân Châu). Đây là mô hình trồng mãng cầu ta đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điều này cho thấy Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân trồng mãng cầu nâng cao chất lượng loại nông sản đặc trưng này. Trước đó không lâu, mãng cầu trồng ở khu vực quanh núi Bà Đen cũng đã được công nhận chỉ dẫn địa lý (nhãn hiệu tập thể, thương hiệu) với tên gọi “Mãng cầu Bà Đen”, bước đầu tiến tới việc xây dựng chất lượng và bảo đảm độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều người trồng mãng cầu cho biết, từ hàng chục năm qua, trái mãng cầu Tây Ninh đã được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong nước và có tiềm năng xuất khẩu sang một số nước lân cận rất cao. Tuy nhiên, do đặc điểm của loại trái cây này là mau chín, khó bảo quản được lâu trong điều kiện tự nhiên nên việc xuất khẩu hoặc vận chuyển đi xa gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Đây là một hạn chế của việc mở rộng thị trường tiêu thụ trái mãng cầu ta Tây Ninh. Gần đây, khi được công nhận nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Bà Đen” và vườn mãng cầu của ông Chiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trái mãng cầu Tây Ninh đã xuất hiện ở nhiều siêu thị trong cả nước.

Theo một cán bộ quản lý siêu thị ở Tây Ninh, hiện đã có khoảng 60 siêu thị cùng hệ thống này tiêu thụ mãng cầu Bà Đen với lượng tiêu thụ bình quân 2 tấn/tháng. Thế nhưng, khi thị trường tiêu thụ mạnh mãng cầu Bà Đen thì đã xuất hiện tình trạng “hàng giả, hàng nhái” ăn theo thương hiệu này. Ông Huỳnh Biển Chiêu, người trồng mãng cầu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bức xúc: “Lúc đầu họ nhái tem dán trên trái. Chúng tôi phải đặt riêng mẫu bao bì (thùng giấy) đựng trái mãng cầu với một số đặc điểm riêng. Thế nhưng không được bao lâu thì họ lại đặt mẫu thùng nhái y hệt. Chúng tôi thay đổi quy cách, đặc điểm mẫu thùng liên tục thì họ cũng thay đổi theo liên tục. Khách hàng không thể phân biệt đâu là thật, đâu là hàng nhái, chỉ khi mua về dùng thì mới biết chất lượng không thể sánh bằng mãng cầu Bà Đen. Điều này tạo tâm lý phân vân, ngần ngại nơi người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm mãng cầu Bà Đen”. Theo ông Chiêu, những người làm sản phẩm “Mãng cầu Bà Đen” nhái là những chủ vựa trái cây ở thành phố Hồ Chí Minh và một số chủ vườn ở nơi khác.

Nhiều nhà vườn khác cho biết, thực tế những năm qua, họ phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái mãng cầu. Mà các thương lái này cũng phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ vựa trái cây đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, lợi nhuận của người trồng mãng cầu bị “teo tóp” đáng kể sau nhiều chặng “sang tay”. “Chúng tôi trồng, chăm sóc trái mãng cầu trong sự hồi hộp bởi không thể nào biết được vụ thu hoạch này giá cả sẽ ra sao. Nếu các vựa trái cây hút hàng, thương lái sẽ chạy nháo nhào tìm mua. Còn nếu trái cây “đụng chợ”, thương lái thờ ơ, nhà vườn có nài họ mua thì càng bị ép giá điêu đứng”, một nông dân trồng mãng cầu ở Thạnh Tân than thở.

Thực tế cho thấy, việc mãng cầu Bà Đen được chứng nhận thương hiệu cũng như việc 5 ha mãng cầu đầu tiên của Việt Nam tại Tây Ninh đạt tiêu chuẩn VietGAP có thể nói chỉ mới là bước khởi đầu khả quan. Bởi hiện người nông dân trồng mãng cầu vẫn còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thị trường; bởi tình trạng gian lận chất lượng sản phẩm; bởi khó khăn trong mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. Hơn nữa, trong khi nhiều địa phương khác đã có các sản phẩm “sau trái cây tươi” như mít sấy, chuối sấy, các sản phẩm làm từ nho như nước ép, nho sấy khô, rượu vang nho… thì trái mãng cầu Tây Ninh vẫn chỉ được tiêu thụ theo phương thức truyền thống “tự nhiên”.

“SAU TRÁI MÃNG CẦU” LÀ... RƯỢU BỔ!

Chúng tôi thử nếm chút rượu bổ mãng cầu (rượu bổ, nhẹ, giống như rượu nho) do chính tay người chế biến làm ra rót mời. Vị ngọt, nồng, thơm và hơi chát của loại “rượu lạ” này khiến những người nếm thử phải gật gù “ngon, rất ngon”. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết rượu này do một phụ nữ “tự suy nghĩ và làm lấy”. Đằng sau câu chuyện về rượu mãng cầu là những ấp ủ về một dự án chế biến thực phẩm từ nông sản địa phương.

Bà Ngô Thị Mon, Giám đốc Công ty TNHH Long Hoa (huyện Hoà Thành) cho biết, từ lâu, bà đã “để ý” và quan tâm đến lĩnh vực chế biến thực phẩm từ nông sản tại địa phương. Đi nhiều nơi, nếm nhiều hương vị của các loại sản phẩm chế biến từ nông sản ở các địa phương trong Nam, ngoài Bắc, bà Mon thấy tiếc cho nhiều cây trái quê nhà chưa được tận dụng để phát triển thành những mặt hàng mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Một trong những nông sản được bà Mon quan tâm nhất là trái mãng cầu. “Trái mãng cầu quê mình nổi tiếng khắp cả nước từ lâu nhưng cũng chỉ được tiêu thụ bằng cách vận chuyển nguyên trái đưa đi bán ở các chợ, siêu thị. Tiêu thụ bằng cách này có điểm mạnh là người dùng ăn được trái tươi. Tuy nhiên, mãng cầu tươi không thể bảo quản được lâu nên cần có những sản phẩm sau trái mãng cầu để vừa có thể xuất khẩu, vừa làm phong phú thêm mặt hàng thực phẩm – giải khát từ trái cây, vừa góp phần phát triển cây mãng cầu Tây Ninh”, bà Mon nói.

Rượu bổ mãng cầu (loại rượu nhẹ, giống rượu nho) sản xuất thử nghiệm

Bà Mon cũng nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy, người châu Âu và một số nước khác ít ăn những loại trái cây mà phải “vừa ăn vừa nhả hạt”. Do vậy, hầu hết những loại trái cây này muốn tiêu thụ mạnh ở các nước thì phải được chế biến, đóng hộp. Ở Việt Nam, tại một số đám tiệc, hội nghị có đãi khách mãng cầu nhưng nhiều người không dùng vì bất tiện: sợ bẩn tay, lại phải vừa ăn vừa nhả hạt, không được thoải mái. Do đó, bà Mon nung nấu ý định chế biến trái mãng cầu thành nhiều loại sản phẩm như trái mãng cầu đóng hộp, nước ép mãng cầu, kẹo mãng cầu và rượu bổ mãng cầu… “Từ hơn 2 năm nay, tôi đã tiến hành thực hiện đề án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm từ nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm làm từ trái mãng cầu. Ngoài ra, tôi còn chế biến khoảng 50 sản phẩm khác làm từ nông sản tại địa phương. Hiện dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý. Nếu thuận lợi, trong năm nay tôi sẽ triển khai đầu tư. Địa điểm đặt nhà máy ở huyện Dương Minh Châu, gần khu vực có trồng nhiều mãng cầu để thuận tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển, chế biến”, bà Mon cho biết.

Từ những trăn trở và sự đam mê thôi thúc, dù chưa thể xây dựng nhà máy như dự định, bà Mon cũng đã quyết tâm thử nghiệm, tìm hiểu cách chế biến rượu trái cây thủ công. Sau vài tháng, mẻ rượu bổ mãng cầu đầu tiên ra đời. “Vừa làm vừa học” là phương châm của người phụ nữ “mê chế biến nông sản” này. Dần dần, rượu bổ mãng cầu trở nên ngon hơn. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Mon tự lấy mẫu sản phẩm đưa đi thành phố Hồ Chí Minh kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định. Kết quả cho thấy, sản phẩm rượu bổ mãng cầu bảo đảm an toàn cho người dùng. Thế là bà Mon mạnh dạn chế biến thêm nhiều mẻ rượu mới, đóng chai, có logo, nhãn hiệu “Rượu mãng cầu”.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là quá trình thử nghiệm, chưa phải là sản phẩm chính thức bán trên thị trường nên rượu bổ mãng cầu chủ yếu được dùng làm quà tặng. “Tôi vẫn đang tập trung nghiên cứu thêm để rượu ngày càng thơm ngon, mẫu mã chai rượu đẹp và hy vọng rượu bổ mãng cầu sẽ trở thành một sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh. Khi có nhà máy chế biến rượu, trái cây đóng hộp, kẹo mãng cầu… chúng tôi sẽ liên kết với nông dân để thu mua sản phẩm với giá ổn định, tạo điều kiện cho người trồng an tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Khi một lượng lớn trái mãng cầu được tiêu thụ ổn định với mức giá hợp lý, chúng tôi còn góp phần giúp nông dân tránh tình trạng bị thương lái, chủ vựa trái cây ép giá như thời gian qua”, bà Mon chia sẻ.

HOÀNG THI