BAOTAYNINH.VN trên Google News

ILO: Bangladesh cần đóng cửa những nhà máy không an toàn

Cập nhật ngày: 06/05/2013 - 05:35

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã kêu gọi Bangladesh đóng cửa những nhà máy không an toàn, giữa lúc các nhân viên cứu hộ tiếp tục đưa thêm hàng chục thi thể ra khỏi đống đổ nát sau vụ sập toà nhà tám tầng ở ngoại ô thủ đô Dhaka cuối tháng Tư vừa qua.

Tính đến ngày 5.5, số người thiệt mạng trong thảm hoạ công nghiệp tồi tệ nhất tại Bangladesh đã lên đến con số 622 người, trong khi đội tìm kiếm cho biết con số còn có thể tiếp tục tăng cao do có những dấu hiệu từ các tầng bên dưới cho thấy vẫn còn nhiều xác người đang nằm trong đống đổ nát.

Các nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Ảnh: Presstv

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, ông Gilbert Houngbo- Phó Tổng Giám đốc ILO, cựu Thủ tướng nước Cộng hoà Congo- nhấn mạnh, những vụ tai nạn như vừa xảy ra ở Bangladesh hoàn toàn có thể tránh được, do đó chính quyền Dhaka cần lập tức hành động để đảm bảo những vụ việc tương tự không tái diễn và làm mất hình ảnh của ngành công nghiệp Bangladesh.

Ông Houngbo nêu rõ: “Giới chức Bangladesh cần thanh tra toàn bộ các nhà máy của nước này, cải tạo những nhà máy đã bị xuống cấp và cho đóng cửa ngay lập tức những cơ sở sản xuất đã quá cũ kỹ”.

Theo điều tra của chính phủ, toà nhà 8 tầng bị sập do phải chịu sức ép quá lớn từ độ rung của bốn máy phát điện cỡ lớn đặt trên tầng thượng, cộng hưởng với độ rung từ hàng ngàn chiếc máy may ở các tầng dưới. Thêm vào đó, toà nhà này được thiết kế với mục đích ban đầu là thương mại, không phải với chức năng của một tổ hợp sản xuất, hơn nữa lại được xây dựng từ nguyên vật liệu không đạt chuẩn, do đó công trình không thể chịu được những chấn động lớn. Được biết các nhà máy này có gần 3.500 công nhân, chủ yếu là phụ nữ, ngoài ra trong toà nhà còn có một chi nhánh ngân hàng và hàng trăm cửa hiệu.

Mohammed Sohel Rana - chủ nhân toà Rana Plaza - cùng những người chủ của 5 xưởng may hoạt động trong toà nhà hiện đang phải đối mặt với cáo buộc từ phía cảnh sát với tội danh vi phạm luật xây dựng dẫn đến chết người. Nếu bị kết tội, những cá nhân này có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Kể từ sau vụ tai nạn trên, hàng ngàn người biểu tình đã chiếm các đường phố ở thủ đô Dhaka để phản đối những điều kiện làm việc nghèo nàn và thiếu tiêu chuẩn an toàn lao động.

THUÝ TRINH

Theo presstv

 


 
Liên kết hữu ích