Với quan điểm thận trọng về các gói kích cầu, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tránh những nguy cơ bất ổn như năm 2008.
Ông Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của của IMF tại Việt Nam. |
Phát biểu tại cuộc toạ đàm của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) mới đây, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra những ý kiến có phần trái chiều với nhiều chuyên gia về khả năng thực hiện gói kích cầu thứ hai, trên cơ sở phân tích sâu sắc về hiện trạng kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay.
Ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của của IMF tại Việt Nam cho rằng, đã có dấu hiệu kinh tế thế giới phục hồi và các chỉ báo của thị trường tài chính đã khả quan hơn. Song theo đánh giá của IMF, triển vọng kinh tế thế giới năm 2010 sẽ không hứa hẹn, bởi còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như cầu về nhà đất và đầu tư vẫn ở mức thấp, và tiếp cận tín dụng có khó khăn. Triển vọng thị trường lao động cũng ở mức thấp, ít nhất cho đến hết quý I/2010.
"Nhìn chung các nền kinh tế châu Á sẽ hồi phục từ từ nhờ vào gói kích cầu, và IMF cho rằng các chính phủ châu Á nên duy trì các gói kích cầu cho đến khi nền kinh tế được cải thiện", ông Benedict Bingham nói.
Nhưng với Việt Nam, thông điệp của IMF có phần khác với nhiều nước châu Á. Chuyên gia của Quỹ này cho rằng, trước hết Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trước những tác động mà gói kích cầu tạo ra. Cùng với đó, cần ngừng chương trình kích thích kinh tế một cách có trật tự, và thắt chặt chính sách tiền tệ, củng cố lại chính sách tài khoá.
Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thuý cho rằng, tự thân nền kinh tế chưa đủ sức tự phục hồi mà không cần thêm sự hỗ trợ bổ sung của Chính phủ. "Tôi cho rằng những biện pháp hiện nay chưa đủ, có thể phải nghiên cứu các chính sách mới, như về tài khoá, tiền tệ... Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2010 có thể là 6,5% nhưng không ai dám nói là những năm sau cũng tiếp tục tăng cao", ông Thuý nói.
Ông cũng cho rằng Việt Nam nên có thêm gói bổ sung với quy mô nhỏ hơn, với phương thức hợp lý hơn, để giúp sự phục hồi tăng trưởng diễn ra một cách bền vững. Tuy nhiên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng với gói kích cầu thứ hai, nếu được thực hiện, thì không nên chọn giải pháp trợ cấp lãi suất ngắn hạn cho doanh nghiệp như vừa qua, mà nên có biện pháp khác. Hiện có 3 thành viên của Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra đề xuất thực hiện gói kích cầu thứ hai, 7 người khác tỏ ý ủng hộ.
Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã được điều chỉnh cao lên cho năm nay. Theo ông Benedict Bingham, sự tăng trưởng này được duy trì là nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ với các biện pháp về tài khoá, tiền tệ.
Nhưng theo Quỹ này, những bất ổn tương tự những gì đã diễn ra vào năm 2008 dường như đang lại nổi lên, dù tính chất và nguyên nhân khác nhau. Mối lo ngại trước tiên là lạm phát và tiền đồng đang chịu nhiều áp lực. Lãi suất giữa tiền đồng và USD thu hẹp, vì thế nhiều người chuyển từ các khoản tiết kiệm tiền đồng sang tiết kiệm bằng đôla kỳ hạn dài. IMF cũng dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm nay sẽ giãn rộng.
Điều đáng chú ý, theo IMF, là thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng về cạnh tranh môi trường kinh doanh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong vài năm gần đây giảm dần. Yếu tố quan trọng quyết định vị trí của các nền kinh tế trên bảng xếp hạng này là sự ổn định kinh tế vĩ mô - vốn là lợi thế nổi trội của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, theo IMF, Việt Nam cần quan tâm tới điều này để đảm bảo sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài.
(Theo VNE)