Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế Việt Nam đang thể hiện sức mạnh trong các lĩnh vực như xây dựng và tiêu thụ nội địa và dự kiến sẽ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á trong năm nay.
Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 5.5 dẫn lời các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế Việt Nam đang thể hiện sức mạnh trong các lĩnh vực như xây dựng và tiêu thụ nội địa và dự kiến sẽ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á trong năm nay.
Theo IMF, ngành xây dựng ở Việt Nam đã tăng 6,9% trong quý I/2009 và các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2009 đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện thường trú cao cấp IMF tại Việt Nam, ông Benedict Bingham cho biết khu vực nông nghiệp của Việt Nam có thể sẽ phục hồi nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2009. Theo ông, chính điều này và tình hình khả quan trong lĩnh vực xây dựng và tiêu thụ nội địa sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế của Việt Nam bất chấp việc chế biến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tiếp tục yếu kém.
Trước đó, tháng 4.2009, các chuyên gia IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 từ 4,8% xuống còn 3,3%.
Theo ông Bingham, việc hạ mức dự báo là không thể tránh được do tình hình khó khăn chung của thế giới. Tuy nhiên, ông khẳng định Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực và IMF tiếp tục tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Cũng trong ngày 5.5, IMF đã công bố báo cáo về tình hình tài chính, kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tiêu đề "Khủng hoảng toàn cầu: Bối cảnh châu Á". Báo cáo dày 98 trang gồm 4 chương này đã đưa ra những khảo sát và đánh giá khá toàn diện về tình hình tài chính, kinh tế và đưa ra những dự báo về tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.
Theo đó, thương tổn kinh tế do "bão" tài chính gây ra đối với châu Á-TBD nghiêm trọng hơn nhiều các khu vực khác, cụ thể mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của hầu hết các nước, trong đó có các các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, IMF nhận định đến năm 2010, nền kinh tế châu Á và thế giới sẽ phục hồi nhưng khả năng phục hồi chậm. Do đó, IMF khuyến nghị khu vực châu Á-TBD cần duy trì các chính sách chống suy thoái theo chu kỳ một cách mạnh mẽ và chống những nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế.
(Theo TTXVN/Vietnam+)