Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Ao tiên” trên núi Mường Hum
Thứ ba: 14:55 ngày 19/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều lần đến mảnh đất Mường Hum (Bát Xát), tôi cứ nghĩ mình đã khám phá được hết vẻ đẹp của mảnh đất này, vậy mà anh Tạ Văn Hùng, người sinh ra bên dòng suối Mường Hum bảo vẫn còn một nơi phong cảnh nên thơ, đó là “ao tiên” trên đỉnh núi.

 

Vẻ đẹp “ao tiên” trên núi Mường Hum thu hút khách du lịch.

Chúng tôi theo anh Hùng đi xe máy trên con đường mòn ngược dốc lên đỉnh núi. Thường xuyên đi công tác vùng cao, không xa lạ với những đoạn đường gian khó, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác lạ khi lái xe vượt qua những đoạn dốc dựng đứng, có những khúc cua “tay áo” hẹp chênh vênh bên sườn núi.

Đặc biệt, đường lên “ao tiên” có đoạn xuyên qua rừng vầu xanh mát. Tôi theo sau xe anh Hùng, nghe tiếng máy nổ giòn tan, nhìn lá vàng khô cuốn theo vòng bánh xe bay lên đẹp như những cảnh quay trong bộ phim hành động nào đó. Đường lên núi đẹp, nhưng là đoạn đường khá nguy hiểm và chỉ đi được trong ngày nắng, còn ngày mưa, đường trơn chỉ có cách leo bộ.

Ngược dốc chừng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi vượt qua rừng vầu, khung cảnh “ao tiên” hiện ra trước mắt với màu xanh của trời nước mênh mông. “Ao tiên” nằm giữa bốn bề rừng cây xanh ngắt.

Thật kỳ lạ là trên đỉnh núi này lại có một hồ nước rộng và đẹp đến thế. Anh Hùng kể: Theo truyền thuyết của đồng bào Giáy Mường Hum, “ao tiên” này có từ xa xưa, không ai biết rõ thời gian. Một ngày đẹp trời, có 7 nàng tiên từ trên trời bay qua, thấy hồ nước đẹp quá liền xuống tắm.

Khi ấy, có chàng tiều phu đốn củi vô tình qua đây, say mê vẻ đẹp của nàng tiên út nên đã tìm cách giấu bộ xiêm y lộng lẫy của nàng vào bụi cây. Tắm xong, các nàng tiên lên bờ mặc xiêm y bay về trời, chỉ còn nàng tiên út không tìm thấy váy áo, đành phải ở lại bên hồ.

Chàng tiều phu và nàng tiên út gặp nhau, cảm mến nhau và nên duyên vợ chồng. Từ đó, nàng tiên út khéo tay đã dạy cho người Giáy Mường Hum biết cấy lúa, trồng cây ngô nặng hạt, dạy cả cách làm bánh nướng, múa quạt, múa hoa đăng và hát các làn điệu dân ca ngọt ngào, say đắm.

Hồ nước trên núi từ đó được người dân trong vùng đặt tên là “ao tiên” để nhắc nhở sự tích xưa và kỳ lạ là “ao tiên” không bao giờ cạn nước, kể cả những năm hạn hán nhất.

Truyền thuyết xưa thì như vậy, còn phong cảnh “ao tiên” trên núi Mường Hum hôm nay quả thực rất đẹp. Du khách lên đây có thể tản bộ hoặc đi xe máy vòng quanh ao ngắm cảnh hay nằm ngay trên bãi cỏ cạnh hồ ngắm bầu trời trong xanh, tận hưởng không khí trong lành, mát rượi.

Anh Vương Văn Sơn ở xã Mường Hum vẫn thường lên “ao tiên” câu cá bảo, dưới ao có nhiều cá chép, cá trê, có con nặng vài kg. Cuối tuần, các đoàn khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn thường rủ nhau lên đây dạo chơi, ngắm cảnh, cắm trại, bơi mảng, tắm mát, câu cá...

“Ao tiên” trên núi Mường Hum với phong cảnh nên thơ, trữ tình, góp phần làm cho bức tranh phố núi Mường Hum thêm hấp dẫn. Trong tương lai, khi tuyến đường lên đây được mở rộng, khu vực này sẽ là điểm đến lý tưởng của những du khách ưa thích du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên.

Nguồn Baolaocai

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục