Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuỳ bút
Ðập lúa xương gà
Thứ bảy: 11:24 ngày 24/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thu hoạch lúa, nông dân phải cắt lúa để lên xuồng, rồi đẩy vào bờ và chọn chỗ cao, dựng bồ đập lúa. Vì vậy, người đi đập lúa mướn rất gian nan. Trong “đội quân” đập lúa xương gà mướn có ba tôi.

Hằng năm cứ vào trung tuần tháng mười âm lịch, sau khoảng thời gian ngập lụt, nước sông, rạch bắt đầu hạ xuống. Lúc này, lúa xương gà cũng vào mùa thu hoạch. Tuy có hạ phần nào nhưng những đám ruộng lầy cấy lúa xương gà vẫn còn nhiều nước. Để thu hoạch lúa, nông dân phải cắt lúa để lên xuồng, rồi đẩy vào bờ và chọn chỗ cao, dựng bồ đập lúa. Vì vậy, người đi đập lúa mướn rất gian nan. Trong “đội quân” đập lúa xương gà mướn có ba tôi. 

Trước kia, nền nông nghiệp chưa phát triển, mỗi năm nông dân làm ruộng có một vụ lúa vào mùa mưa. Cánh đồng quê tôi có hai loại ruộng. Những đám ruộng thuộc vùng trũng ven sông rạch, quanh năm nước đọng, ruộng nổi sình lầy gọi là ruộng lầy. Còn những đám ruộng cao, không ngập nước, vào mùa nắng khô cạn, đất dưới ruộng dẽ được gọi là ruộng gò.

Ruộng lầy sình lún rất sâu, trâu, bò không thể long xuống kéo cày được, nên nông dân dùng phảng chặt năn, phát cỏ dọn đất cho sạch rồi cấy. Còn ruộng gò thì dùng trâu, bò cày, bừa, trục cho nổi sình mà cấy. Thường thì ruộng lầy cấy trước ruộng gò gần cả tháng. Hồi đó chỉ có giống lúa dài ngày. Khoảng tháng năm, tháng sáu cấy lúa. Tuỳ theo giống lúa, đến tháng mười, tháng mười một, tháng Chạp mới thu hoạch. Trong đó giống lúa xương gà thu hoạch vào tháng mười âm lịch.

Do cấy sớm hơn ruộng gò, các chủ ruộng lầy thường chọn giống lúa xương gà để cấy và thu hoạch cũng sớm hơn. Vào thời điểm thu hoạch lúa xương gà, nước dưới ruộng vẫn còn nhiều, có chỗ tới lưng quần, có chỗ tới bụng người lớn. Nước nhiều, thu hoạch khó, các chủ ruộng không tự thu hoạch, phải thuê mướn người gặt, đập (gọi chung là đập lúa mướn) theo kiểu ăn chia.

Những đám ruộng có năng suất khá, chủ ruộng ra giá ăn chia 9, hoặc chia 10 với người đập lúa mướn. Tức là người đập lúa mướn đập được 9 thúng, hay 10 thúng (có chủ ruộng dùng thùng 20 lít để đong lúa, còn gọi là một táo) thì lấy công 1 thúng. Còn những chủ ruộng lúa thất mùa, khó thu hoạch thì chủ ruộng ăn chia 7, hoặc 8 với người đập mướn.

Thu hoạch lúa dưới ruộng ngập nước gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho nhau, những người đập lúa mướn thường đi một cặp là vợ chồng, hoặc một đôi nam nữ. Sáng sớm, khi mới đến ruộng, người đàn ông tìm một gò cao, không còn ngập nước, dựng chiếc bồ đập lúa lên. Sau đó cùng người nữ đẩy xuồng đi cắt lúa. Cắt được một mớ cho lên xuồng, rồi đẩy vào bờ, bắt đầu đập lúa.

Còn người nữ thì lội ruộng tiếp tục cắt lúa. Tuy “tay yếu chân mềm”, nhưng lại dẻo dai, người nữ đảm nhận khâu cắt lúa suốt ngày, còn người nam mạnh mẽ thì nhận phần đập lúa. Nữ cắt, nam vớt lúa đẩy vào bờ và đập lúa, cố gắng làm cả ngày, người đập lúa mướn ăn chia được một giạ lúa (2 thúng) với chủ ruộng. Nếu là một cặp vợ chồng, anh chồng vác gọn giạ lúa về nhà; còn nếu cáp cặp, thì mỗi người ôm một táo, ai về nhà nấy.

Riêng ba tôi thì thui thủi, ngụp lặn cắt đập chỉ có một mình. Bởi ba sớm chịu cảnh goá bụa, gà trống nuôi con nhỏ. Thấy ba “chinh chiến” một mình, một xuồng, một bồ, cũng có người gợi ý cáp cặp với ba mà “cắt-đập” cho thuận tiện, nhưng ba từ chối khéo. Ba nói: “Tôi phải đi làm muộn và về rất muộn so với mọi người, không thể cáp cặp đập lúa mướn với ai được hết!”.

Đúng như ba nói, sở dĩ sáng sớm ba đi muộn hơn những người khác vì ba còn tranh thủ thời gian đi cuốn lưới, thăm lờ. Tháng mười, nước bắt đầu rã lụt cá dính lưới, vô lờ khá nhiều. Ba cuốn lưới, thăm lờ xong đem cá về cho chị hai lựa ra. Cá chết thì làm thịt để nhà ăn, còn cá sống rọng lại đó đem bán. Đem cá về rồi, ba mới chèo xuồng qua bưng cắt-đập lúa mướn.

Tìm chỗ dựng chiếc bồ xong, ba đẩy xuồng đi cắt lúa. Cắt được mớ nào, ba cho lên xuồng mớ đó. Xuồng đầy lúa, ba đẩy vô bờ đứng đập. Đập hết xuồng này, ba đi cắt xuồng khác. Cần mẫn, lặng lẽ, quên mệt (hay là không dám mệt) suốt một ngày, ba cũng ăn chia với chủ ruộng được một táo lúa. Đong lúa xong, mọi người chèo xuồng về nhà nghỉ ngơi.

Còn ba tranh thủ thời gian chiều tà đi lựa mấy bó rơm xanh, cắt vội vài bó cỏ cho hai con bò cái nuôi ở nhà. Lo lương thực cho bò xong, ba lại nhanh chóng chèo xuồng đi giăng lưới, thăm lờ. Giăng lưới, thăm lờ cho đến trời tối hết thấy đường, ba mới lịch kịch chèo xuồng về nhà. Lúc này ở bến ghe, anh em tôi đón đợi ba. Xuồng ba cập bến, anh tôi cho rơm và cỏ vào gánh, còn tôi xách đụt cá, ba vác táo lúa…

Ba cha con vội vã rời bến về nhà. Về nhà, ba lo tắm rửa, anh tôi xổ cỏ, bỏ rơm cho bò, chị thì làm cá nấu nướng, tôi thì thổi lửa đun ấm nước sôi... Mọi việc đã xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm trên bộ ván cũ, với chiếc đèn dầu phát ra ánh sáng đỏ vàng... Bữa cơm tối với gạo lúa xương gà do ba đập mướn, cá rô đồng kho khô và nồi canh chua cá tràu của ba giăng lưới đặt lờ do chị hai nấu bốc khói thơm lừng.

Anh chị em tôi được ba nuôi dưỡng, khôn lớn nên người bằng những hạt gạo mà ba đi đập mướn thấm đẫm mồ hôi và có cả những giọt máu nữa (đôi khi do sơ suất ba bị đứt tay khi cắt lúa, hoặc bị đỉa cắn). Không chỉ nuôi khôn lớn, ba còn cho anh em tôi học hành tử tế. Anh em tôi không phải nối nghiệp ba đi đập lúa mướn, dù một ngày, một buổi, như ba đã từng ngâm mình trong nước hết mùa vụ này, đến mùa vụ khác.

Ngày nay nông nghiệp tiến bộ, ruộng đồng đã được cơ giới hoá từ khâu làm đất cho đến thu hoạch. Lúa thì sạ mỗi năm hai, ba vụ. Những đám ruộng lầy năm xưa ở quê tôi, từng bước cũng được “gò hoá”. Hình ảnh cắt-đập lúa mướn bằng xuồng ba lá và chiếc bồ được đóng bằng tầm vông, tre, trên những đám ruộng lầy đầy sình, ngập nước của nông dân nghèo, trong đó có ba tôi đã vĩnh viễn đi vào quá khứ.

T.L

Tin cùng chuyên mục