Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Biển nước ngọt” lại tập trung đông người
Thứ tư: 06:12 ngày 03/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong những ngày cuối tuần và nghỉ lễ vừa qua, có cả ngàn người tập trung đến “biển nước ngọt” thượng nguồn hồ Dầu Tiếng vui chơi, tắm mát, bất chấp “bãi tắm” tự phát này ẩn chứa nhiều bất trắc, không chút an toàn...

Nhiều trẻ em tung tăng xuống nước.

TƯNG BỪNG, NHỘN NHỊP NGƯỜI “TẮM BIỂN”

Chiều ngày 1.5, ở “biển nước ngọt”, một bãi đất trống phía thượng nguồn ven hồ Dầu Tiếng, thuộc ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, ước tính có gần một ngàn người tập trung đến đây. Mặc dù thời điểm đó, một vài nơi trên địa bàn huyện Tân Châu có mưa lắc rắc, không khí giảm bớt nóng bức, nhưng trên các con đường hướng về khu vực “biển nước ngọt” nhộn nhịp hơn ngày thường.

Ở bến đò Cửu Long- từ xã Tân Thành qua xã Tân Hoà (đều thuộc huyện Tân Châu), đò đưa khách liên tục. Trên hai bên bờ luôn có hàng chục người đứng chờ, trong lúc có khoảng 30 người khác đã xuống đò. Hầu hết những vị khách này đều từ các địa phương khác đi đến “biển nước ngọt” và ngược lại, hoặc từ khu vực bãi tắm này trở về. Trên con đường đất đỏ dẫn vào “bãi biển” (ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà), người xe nườm nượp như trẩy hội.

Cách “bãi biển” khoảng 1km có một nhóm chiến sĩ dân quân, công an xã “đóng chốt” ven đường làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Tại đây, có khá nhiều người dân không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, hoặc chở ba người trên một xe bị lực lượng chức năng tuýt còi xử lý.

Bên bờ “biển nước ngọt”, nhiều hàng quán “dã chiến” mọc lên san sát. Có quán cắm cọc gỗ, giăng lều bạt, bày bàn ghế bán thức ăn, nước uống; đem cả máy phát điện vào tận nơi để phục vụ dịch vụ hát karaoke. Có quán che tạm bợ bằng lưới chống nắng. Xen kẽ những quán này là nhiều điểm buôn bán di động khác như bán bánh mì, nước uống, bánh tráng trộn, trái cây đồ chơi trẻ em, nón bảo hiểm v.v…

Thậm chí dưới mé nước có một quán bán thức ăn, mồi nhậu, trông giống như “nhà hàng nổi”. Quán này lợp tôn, sàn lát ván gỗ, đặt trên những chiếc thùng nhựa, chắc chắn như một “nhà bè” di động trên mặt nước. Trong các hàng quán khách ăn, uống, nhậu nhẹt tưng bừng. Tiếng la ó, hô hè “chăm phần chăm” của thực khách hoà lẫn với tiếng nhạc xập xình tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn, vang dội ở bờ hồ ven rừng thanh vắng.

Một phụ nữ, chủ quán bán nước ngọt ven bờ cho biết, gần một tháng nay, kể từ khi nước hồ rút xuống, vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ đều có nhiều người đến đây tắm. Ðặc biệt là dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 này, mỗi ngày đều có hàng trăm người từ khắp nơi tụ về. Hầu hết khách đến đây tắm rồi trở về trong ngày, nhưng cũng có một số ít người ở chơi qua đêm, trong khi hầu hết những hàng quán khác, hoặc những người bán hàng rong chỉ đến đây bán đến tối rồi trở về nhà.

Dưới nước, hàng trăm người tung tăng, vẫy vùng. Ða số người đến “tắm biển” là những cô cậu choai choai và trẻ em, cũng có nhiều người lớn tìm đến đây vui chơi, tắm táp. Ngoài những người dân đến từ các địa phương trong tỉnh Tây Ninh, còn có nhiều người đi bằng ghe thuyền từ phía bên kia bờ hồ Dầu Tiếng sang. Thỉnh thoảng lại có một chiếc ghe từ phía tỉnh Bình Dương, Bình Phước rẽ sóng đổ quân xuống “bãi biển” này.

Khi chúng tôi đến đây ghi hình, một chiếc ghe lớn, chở đầy ắp người đủ mọi lứa tuổi từ bờ hồ phía bên kia vừa sang. Những phụ nữ, trẻ em ào xuống làn nước mát, tốp đàn ông bày mồi nhậu và rượu đế ngồi quay quần nhâm nhi trên ghe. Một người đàn ông trong số đó kể, ông và tất cả những người đi trên ghe này đầu là bà con thân quyến từ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương sang.

“Ở bờ hồ bên ấy cũng có bãi trống, nhưng dưới đáy nước toàn là đá, không có cát, không xuống tắm được”, người đàn ông này nói. 

Một chiếc vỏ lãi chở hàng chục người từ tỉnh Bình Dương sang tắm, trên đó có nhiều phụ nữ, trẻ em nhưng không ai mặc áo phao khi tham gia giao thông.

KHÔNG CHÚT AN TOÀN

Nhìn một cách bao quát, “biển nước ngọt” ở đây là một bãi đất trống trải dài với nền cát trắng, tương đối sạch sẽ, trông khá giống những bãi biển Vũng Tàu, Nha Trang. Tuy nhiên, ai cũng dễ dàng nhận ra còn nhiều vấn đề chưa thể yên tâm. Phía dưới làn nước trong xanh tưởng chừng như yên lành đó còn có khá nhiều gốc cây, rễ cây hoặc cọc chà.

Trong khi đó, có nhiều trẻ em đứng trên ghe nhảy ùm xuống nước, hoặc các cậu choai choai đang tắm khoái chơi trò đứng trên lưng người khác nhào lộn. Nếu chẳng may khi nhảy xuống trúng vào một trong những gốc cây nhọn hoắc “núp” dưới mặt nước thì hậu quả thật khó lường.

Do nơi đây không phải là bãi tắm ở bờ biển, nên vấn đề cứu nạn, cứu hộ chưa được đặt ra. Về địa hình, ở bờ bãi ven hồ này không phải chỗ nào cũng bằng phẳng như nhau, xen kẽ giữa bãi cát trải dài, bằng phẳng, thỉnh thoảng có những hố bom khá sâu hoặc những luồng lạch cũ của sông Sài Gòn. Với thực trạng địa hình như vậy, người tắm dễ bị hụt chân đột ngột hoặc bị vọp bẻ.

Ðáng ngại nhất, “du khách” đến đây không phải ai cũng biết bơi và hầu hết, nhất là trẻ em không mặc áo phao. Chúng tôi hỏi thăm và được người dân địa phương cho biết, “biển nước ngọt” này thường gọi là bãi Vàm hoặc “Ngã ba sóng gió”, vì vào buổi chiều tối hằng ngày thường có sóng gió rất dữ, dễ dẫn đến đuối nước.   

Tình hình an ninh trật tự ở đây cũng cần được quan tâm. Xe cộ của người dân đến bãi tắm để ngổn ngang trên bờ, trong khi chủ nhân của những phương tiện này đang vô tư xuống nước. Nếu kẻ xấu trà trộn ra tay trộm cắp thì khó bảo quản tài sản được. Bên cạnh đó, nhiều tốp thanh niên ăn nhậu, ca hát, nhảy nhót trên “bãi biển”, dễ gẫn đến gây gổ, ẩu đả lẫn nhau. Ðó là chưa kể, nhiều người kém ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, sau khi ăn uống quăng rác thải khắp nơi.

Trước mắt, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương đã cắm bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm với nội dung: “Nước sâu, nhiều gốc cây nhọn, mất an toàn không nên tắm, bơi lội tại đây, vì có nguy cơ đuối nước. Không nên tụ tập đông người, ăn uống, mua bán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm, mất trật tự an ninh”. Nhưng vì bảng cảnh báo này đặt ở ven rừng và cách “bãi biển” hàng trăm mét nên ít ai thấy. 

Ðại Dương- Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh