Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong tương lai không xa, thị trấn Gò Dầu sẽ trở thành đô thị loại 4, nên việc tồn tại những chiếc “cầu tõm” quả khó chấp nhận được.
Cầu tõm của gia đình ông Cường.
Ðến thị trấn Gò Dầu, ai cũng cảm nhận được nơi đây đang không ngừng phát triển. Những căn nhà tường, nhà lầu với kiến trúc hiện đại san sát mọc lên. Nhiều cửa hàng buôn bán hàng tiêu dùng, thời trang, thức ăn, nước uống sang trọng nối tiếp nhau.
Gò Dầu còn có một salon ô tô quy mô bậc nhất Tây Ninh mà hiện nay các huyện còn lại chưa có được. Ðường Xuyên Á phẳng lì, rộng rãi chạy ngang qua góp phần làm cho bộ mặt đô thị của thị trấn này càng đẹp đẽ. Thế nhưng, vẫn còn hình ảnh đối lập với cuộc sống văn minh, hiện đại. Ðó là sự tồn tại của hàng chục chiếc cầu tõm.
Từ đường Hồ Văn Suối (khu phố 3, thị trấn Gò Dầu) men theo một con hẻm bê tông xi măng nhỏ, xuyên qua khu dân cư đông đúc, đến cuối hẻm là khu vực tập trung nhiều “cầu tõm”. Ở đó có 3 ao cá, mỗi ao diện tích khoảng 100m2, xung quanh mỗi ao có từ 6-10 chiếc “cầu tõm”. Dưới ao nuôi các loại cá tra, cá hường, rô phi, trê... đủ kích cỡ.
Ông Cường (50 tuổi, chủ một trong ba ao cá ở đây) kể, hơn ba mươi năm trước, gia đình ông làm “cầu tõm” cho bà con khu phố này “giải quyết”, đồng thời cũng để nuôi cá. Những năm sau này, để tránh gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương buộc ông dỡ bỏ tất cả các “cầu tõm”, ông chấp thuận.
Nhưng nhiều người dân trong khu vực không có nơi “giải quyết”, lén lút “xả thải” tùm lum trên lối đi, bờ ruộng. Thấy vậy, vợ ông quyết định sửa chữa lại “cầu tõm”, mua cá về tiếp tục nuôi.
Cạnh bên ao cá của ông Cường còn có hai ao cá khác, có nhiều “cầu tõm” hơn. Nước trong những ao này có màu xanh đục và bốc mùi hôi thối. Ðáng nói là các ao cá được đặt ống cống thông ra rạch Kỳ Ðà, đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông, mang theo biết bao dơ bẩn, vi trùng có thể gây bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ðặng Văn Thương- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gò Dầu cho biết, trước đây, Thị trấn đã vận động người dân ở khu phố 3 xoá “cầu tõm”, nhưng chưa được thực hiện một cách triệt để.
Lý do là Thị trấn không có đề án nước sạch nông thôn nên không có nguồn kinh phí mạnh như những xã nông thôn khác.
Năm nay, cả Thị trấn chỉ được phân bổ 6 suất vay để xây nhà vệ sinh, nhà tắm và sử dụng nước sạch. UBND huyện giải quyết bằng cách ban hành nghị quyết hỗ trợ cho thị trấn Gò Dầu 500 triệu đồng để thực hiện. “Hiện tại, chúng tôi đang hướng dẫn các hộ dân ở khu phố 3 cam kết xoá “cầu tõm” và cho bà con vay tiền để xây nhà vệ sinh, nhà tắm và sử dụng nước sạch”- ông Thương khẳng định.
Chủ trương đã có, kinh phí cũng đã sẵn sàng. Vấn đề đặt ra là liệu các hộ dân ở khu phố 3 có chấp nhận vay tiền để xây nhà vệ sinh, nhà tắm và sử dụng nước sạch hay không? Nếu các hộ dân trong khu phố chịu thực hiện đề án này, những chiếc cầu gây ô nhiễm môi trường kia sẽ không còn tồn tại.
Trong tương lai không xa, thị trấn Gò Dầu sẽ trở thành đô thị loại 4, nên việc tồn tại những chiếc “cầu tõm” quả khó chấp nhận được.
Thảo Nguyên