Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”
Thứ bảy: 00:37 ngày 27/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây là thông điệp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5.

Poster hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5

Theo WHO, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khoẻ, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; bên cạnh đó kêu gọi người hút bỏ thuốc lá, để dành chi phí cho thực phẩm.

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói

Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các gia đình. Chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.

Theo WHO, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính, nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Bên cạnh các tác hại về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, và tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá. Theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

Ra quân tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh minh hoạ

Trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá - vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật

Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất có thể được sử dụng để trồng cây lương thực.

Trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu héc-ta đất được chuyển đổi để trồng cây thuốc lá mỗi năm. 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Nếu đất trồng thuốc lá có thể được sử dụng cho việc trồng cây lương thực sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu thứ 2 của phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc: “Xoá đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ký chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, gia tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực.

Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng hóoá chất, chất thải độc hại, đầu mẩu thuốc lá, bao gồm cả vi hạt nhựa và chất thải từ thuốc lá điện tử.

Poster truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá

Khuyến khích nông dân “trồng lương thực, không trồng thuốc lá”

Trong Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay – 31.5.2023, WHO đề ra chiến lược nhằm giảm thiểu diện tích trồng cây thuốc lá, đồng thời tăng diện tích trồng cây lương thực. Với chiến dịch “Trồng lương thực, không trồng thuốc lá”, WHO không chỉ mong muốn tăng cường sức khoẻ toàn cầu qua việc giảm hút thuốc, mà còn hy vọng phần nào sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên khắp thế giới.

Chiến dịch có mục đích khuyến khích các chính phủ ngừng trợ cấp cho việc trồng thuốc lá, đồng thời tăng hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng giúp cải thiện nguồn lương thực và dinh dưỡng, mang đến một sinh kế bền vững hơn.

Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70%-75% giá bán lẻ, giúp làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khoẻ người dân.

WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và cộng đồng chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phấm thuốc lá mới khác...). Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử; tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới; ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này.

Một số biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả được WHO đề xuất, như: thực hiện môi trường không thuốc lá; thực thi cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet; tăng thuế thuốc lá; tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ; lồng ghép và tăng cường chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và chương trình khác.

Theo số liệu năm 2018 của Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (Southeast Asia Tobacco Control Alliance – SEATCA), Việt Nam là một trong 3 quốc gia có diện tích trồng cây thuốc lá và số người tham gia trồng cây cao nhất ASEAN, bên cạnh Indonesia và Philippines. Ước tính Việt Nam có 14.651 ha thuốc lá và khoảng 220.000 người tham gia vào quy trình canh tác.

Yên Khuê

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh