Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, các chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã triển khai bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời để thoát nghèo.
Trao bò sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh, sự nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn góp phần đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chuyển biến tích cực
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút sự quan tâm, tạo được sự lan toả và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và huy động được nhiều nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, diện mạo các xã, ấp ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm so với năm trước.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2.167 hộ (giảm 1.332 hộ nghèo, hộ cận nghèo so với năm 2022).
Giai đoạn 2021-2025, các chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành kênh tín dụng hiệu quả đối với người nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người dân. Tổng doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021-2023 là 294 tỷ 271 triệu đồng, với hơn 6.909 lượt khách hàng. Trong đó, 957 hộ nghèo vay 39 tỷ 135 triệu đồng; 3.823 hộ cận nghèo vay 169 tỷ 117 triệu đồng; 2.129 hộ mới thoát nghèo vay 86 tỷ 20 triệu đồng.
Giai đoạn 2021-2023 đã hỗ trợ cho trên 1.883 lượt hộ với 2.351 lượt người thuộc hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, trên 32,3 tỷ đồng. Trong 3 năm đã hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 5.639 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trên 2 tỷ 984 triệu đồng; hỗ trợ tiền nhân dịp Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Trung ương và của tỉnh trên 13 tỷ 900 triệu đồng.
Ông Phạm Tấn Lợi- Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Châu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững thực hiện chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện toàn huyện có 451 hộ nghèo, hộ cận nghèo, so năm 2021 giảm 210 hộ nghèo và hộ cận nghèo (giảm 93 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo). Hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh là 321 hộ/870 nhân khẩu, chiếm 0,85%.
Chính quyền địa phương tham quan mô hình chăn nuôi dê giúp người dân ổn định kinh tế trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
Từ kết quả rà soát hộ nghèo hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện kịp thời tham mưu cho lãnh đạo huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn huyện như: hỗ trợ tiền điện, tiền học phí, bảo hiểm y tế, xây tặng nhà đại đoàn kết... người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Lợi cho biết thêm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng các mô hình hiệu quả, góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trị bệnh trong chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. Thông qua các mô hình, dự án sản xuất kinh doanh hiệu qua đã từng bước cải thiện điều kiện sống, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người dân, từ đó nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả, Phòng đề nghị UBND huyện biểu dương các gương điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo.
Trong năm 2023, huyện đã vận động từ các nguồn xã hội hoá chăm lo tết cho người nghèo hơn 7.905 phần quà gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm tổng trị giá 3 tỷ 599 triệu đồng. Kịp thời tham mưu huyện hỗ trợ đột xuất hộ có nhà bị cháy, hộ có nhà bị tốc mái do mưa giông trị giá 28 triệu đồng. Huy động xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến ngày 30.11.2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt, thẩm định trên 95 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với hơn 845 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) tham gia dự án, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 20 tỷ 382 triệu đồng.
Người dân tuyển chọn trái mãng cầu tại Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá.
Bên cạnh đó, các dự án thành phần thuộc chương trình đều hướng tới trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được hỗ trợ nâng cao năng lực, có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Hệ thống văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương đến quý III năm 2023 cơ bản được hoàn thiện, hiện nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các dự án theo quy định.
Những mô hình giảm nghèo hiệu quả
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; mô hình “Tham mưu cấp uỷ phân công đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Tân Châu giai đoạn 2022-2025.
Theo UBND huyện Tân Châu, sau khi phân loại hộ nghèo, cận nghèo, khả năng lao động, ngành nghề phù hợp, hộ không có khả năng thoát nghèo, thiếu hụt các dịch vụ của từng ấp, để làm cơ sở hỗ trợ giúp đỡ; tiến hành phân công đảng viên nhận trách nhiệm giúp đỡ, tuỳ tình hình đảng viên trong ấp có thể phân công từ 2 đảng viên đến 5 đảng viên giúp đỡ 1 hộ. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên của tổ chức nào thì tổ chức đó có trách nhiệm phối hợp với đảng viên được phân công giúp đỡ. Hộ không phải là đoàn viên, hội viên thì MTTQ có trách nhiệm phối hợp với đảng viên giúp đỡ.
Hệ thống MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên phối hợp các chi, đảng bộ và đảng viên cùng thống nhất đề ra giải pháp tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp từng hộ và từng thành viên, từng độ tuổi để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Người dân làm việc tại Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá có thu nhập ổn định.
Kết quả, mô hình đã phối hợp hướng dẫn giới thiệu việc làm cho 200 hộ, với 172 người có việc làm ổn định; hỗ trợ học tập 240 em/115.266.000 đồng; hỗ trợ đào tạo dạy nghề 155 trường hợp; hỗ trợ sửa chữa nhà ở 16 căn/230.710.000 đồng; hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất có 68 hộ, trị giá 864 triệu đồng, thông qua việc trợ vốn không tính lãi; hỗ trợ cây, con, giống chăn nuôi cho 14 hộ gần 300 triệu đồng; hỗ trợ từ nguồn góp vốn xoay vòng của địa phương 67 hộ, trị giá 824 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 106 hộ, 3 tỷ 920 triệu đồng; hỗ trợ thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế cho 73 hộ, 1 tỷ 415 triệu đồng (bình quân mỗi suất vay từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng).
Sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) là mô hình đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương. Ngoài ra, đây là tổ hợp tác sản xuất phù hợp với truyền thống sản xuất nông nghiệp của địa phương, mãng cầu là một trong những cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc trưng của xã Suối Đá. Sản phẩm trái mãng cầu của tổ hợp tác được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.
Người dân làm cỏ mì.
Việc triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, các chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã triển khai bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời để thoát nghèo.
N.T