Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trồng mì trên đất ruộng:
“Đánh cược” với thời tiết
Thứ hai: 20:06 ngày 04/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phần lớn đồng ruộng không có hệ thống kênh tiêu hoàn chỉnh, khi có mưa lớn kéo dài, nước không thoát kịp, gây ngập úng cho cây mì. Nông dân rơi vào cảnh “thiệt đơn, thiệt kép” do mì bán giá rẻ.

Nông dân thu hoạch mì (ảnh minh hoạ)

Vấn đề người nông dân trồng mì trên đất ruộng đã từng được ngành chức năng, báo chí bàn luận nhiều lần do những bất trắc vì thời tiết. Phần lớn đồng ruộng không có hệ thống kênh tiêu hoàn chỉnh, khi có mưa lớn kéo dài, nước không thoát kịp, gây ngập úng cho cây mì. Nông dân rơi vào cảnh “thiệt đơn, thiệt kép” do mì bán giá rẻ. Có ruộng, mì còn nhỏ tuổi không bán được phải cày bỏ.

Bất trắc, nhưng vẫn trồng

Cơn mưa lớn kéo dài ngày 13 và 14.4 vừa qua, làm nhiều diện tích mì của nông dân tại cánh đồng xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành và xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu ngập nặng, nông dân phải tranh thủ nhổ mì sớm để tránh cảnh thối củ không thể bán được.

Anh Lộc, nông dân xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, cơn mưa vừa qua có khá nhiều diện tích mì trồng trên đất ruộng ở khu vực Tua Hai bị ngập nước. Nông dân phải liên hệ với các thương lái để bán gấp. Do mì chỉ khoảng 23 chữ bột nên năng suất mỗi ha cũng không cao. Giá hiện nay khoảng 2.500/kg, cộng thêm việc các nhà máy trừ tạp chất đối với mì ruộng khá cao, khoảng 20% trên khối lượng mì thu hoạch được; cùng với đó là tiền thuê nhân công nhổ mì, tiền vận chuyển… nên tính ra nông dân bị thiệt hại khá nhiều. 

Anh Lộc cho biết thêm, khi mì ngập nước, nông dân nóng ruột nhổ sớm, để kéo dài, củ mì thối. Hơn nữa, lao động phổ thông ngày càng hiếm và chỉ có thương lái mới có công riêng của họ. Không ít diện tích mì do không có nhân công, bị thối củ phải đành để vậy rồi cày bỏ. 

Theo anh Lộc, thông thường mưa lớn cũng rơi vào khoảng gần cuối tháng 4 âm lịch không kéo dài. Khi đó mì trồng trên đất ruộng đủ chữ bột để thu hoạch. Phần lớn người trồng mì trên đất ruộng đều tin vậy, nên cứ đến mùa là xuống giống trồng. Nông dân thừa hiểu, nếu có mưa sớm, sẽ bị thiệt hại, nhưng do trồng mì cho thu nhập cao hơn so với những loại cây trồng khác nên đành nhắm mắt “đánh cược” với thời tiết, “may nhờ, rủi chịu”.

Kém may mắn hơn anh Lộc, chị Duyên- cũng trồng mì trên cánh đồng Tua Hai, xã Đồng Khởi trắng tay trong vụ mì năm nay. Chỉ vào đám mì bị héo rủ, vàng lá, chị Duyên cho biết do không có công nhổ kịp thời nên mì bị thối củ không thể thu hoạch, coi như gia đình chị trắng tay không còn gỡ gạc được gì. Bây giờ còn phải thuê xe máy cày đến cày bỏ để chuẩn bị cho vụ trồng hoa màu khác.

Cũng như anh Lộc, chị Duyên thừa nhận trồng mì trên đất ruộng có thể xảy ra bất trắc bất cứ lúc nào vì phụ thuộc vào thời tiết. Thế nhưng người nông dân như chị cứ theo thói quen, đến mùa vụ là trồng mì. Mặt khác, cũng có nhiều năm do mưa trễ, nên người trồng mì ruộng có lãi. Không ngờ năm nay mưa đến quá sớm và kéo dài như vậy nên nhiều người không kịp trở tay.

Anh Nam, người trồng mì ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, diện tích mì anh trồng dù bị ngập nhưng thu hoạch kịp thời. Củ mì đạt khoảng 24 đến 25 chữ bột và thu hoạch được khoảng 30 tấn/ha. Với giá mì hiện nay, có thể không lỗ nhưng do thuê đất nên anh bị lỗ nặng. Anh Nam cho rằng, nếu như mưa không đến sớm, nông dân có thể có lãi to do vụ mì năm nay nhiều diện tích mì phát triển khá tốt.

Lò mì ngại thu mua

Một chủ lò mì ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, nhiều lò không mặn mà với việc thu mua mì ruộng bị ngập nước. Khoai mì không đủ chữ bột nên khi đưa vào chế biến không đạt chất lượng. Ngoài ra, do có nhiều tạp chất, phải tốn thêm chi phí để rửa sạch trước khi đưa vào sản xuất. Trong trường hợp mì đưa đến lò để bán có củ bị thối một phần rất khó đưa vào chế biến.

Một chủ lò mì ở xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh cho biết, hiện nay, phần lớn củ mì đưa vào chế biến được nhập khẩu từ Campuchia về. Còn mì ruộng thu hoạch sớm để chạy ngập, số lượng hạn chế, chỉ thu mua của những thương lái quen và củ mì có khoảng 24 -25 chữ bột.

Theo một lãnh đạo UBND xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, toàn bộ diện tích mì trồng trên địa bàn xã khoảng 195 ha. Cơn mưa lớn kéo dài ngày 13 và 14.4 vừa qua gây ngập cục bộ khoảng 95 ha mì. Phần lớn người dân thu hoạch kịp thời, bán cho các lò mì để gỡ vốn nhưng cũng có một số diện tích nhổ không kịp phải cày bỏ. 

Tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, khoảng 50 ha mì ruộng bị ngập cục bộ phải nhổ sớm. Một lãnh đạo UBND xã cho biết, do nông dân chủ động trồng mì sớm nên đến khi nhổ chạy ngập, củ có chữ bột cao. Người trồng trên đất nhà có thể hoà vốn không lỗ, còn người thuê đất lỗ khá nặng.

Theo một lãnh đạo ngành Nông nghiệp, việc trồng mì trên đất ruộng rủi ro cao vì phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thuận lợi, người trồng có lãi cao, nếu thời tiết thất thường xem như thất bại. Do đó nhiều năm qua, mặc dù ngành Nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế trồng mì trên đất ruộng để tránh rủi ro và lựa chọn loại cây khác trồng cho phù hợp đất ruộng. Ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo, việc trồng cây gì là quyền của nông dân, ngành không thể can thiệp.

Tỉnh đang triển khai nhiều dự án kênh tiêu tại các cánh đồng lớn, hy vọng khi các dự án này hoàn thành, bảo đảm việc tiêu thoát nước, nông dân trồng mì trên đất ruộng không còn phải chơi “canh bạc” hên xui với thời tiết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, thời tiết bắt đầu xuất hiện một vài cơn mưa đầu mùa. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nắng nóng và khô hạn sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.2020; mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng sẽ đến muộn, vào khoảng cuối tháng 5.2020; lượng mưa có xu hướng gia tăng từ tháng 6 - 9.2020, dao động trong khoảng 223mm - 323mm, xấp xỉ với lượng mưa cùng thời kỳ năm trước.

Để chủ động trong canh tác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết và sâu bệnh hại gây ra, đối với cây mì, bà con nông dân nên lưu ý tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh thối gốc, thối củ phát sinh gây hại vào đầu mùa mưa; tiêu thoát nước tốt, hạn chế úng ngập; tuân thủ theo hướng dẫn phòng chống dịch khảm lá của ngành chuyên môn như: xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực; sử dụng các giống KM 94, KM 419, KM 505 sạch bệnh để trồng; cày huỷ cây mì có triệu chứng bệnh khảm lá và tàn dư sau thu hoạch.

Đối với sâu bệnh hại như nhện đỏ, bọ phấn trắng, bệnh khảm lá, xì mủ chết đọt... cần chủ động nước tưới- nhất là trong những ngày nắng nóng, khô hạn; sử dụng hệ thống tưới phun bằng béc cố định hoặc bằng dây phun; thường xuyên thăm đồng; phun thuốc BVTV trừ bọ phấn trắng trong giai đoạn mọc mầm - 3 tháng sau khi trồng.

Đ.H

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục