Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Đất nước mình nhân hậu”
Thứ ba: 07:28 ngày 23/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người vợ trẻ nói rằng, chồng bị sát hại, con còn nhỏ, mất mát quá lớn nhưng chị sẵn lòng tha thứ cho kẻ sát hại chồng mình, nếu kẻ thủ ác thật sự ăn năn hối cải.

1. Chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 18.1.2024, VTV1 đưa tin về phiên toà xét xử 100 bị cáo trong vụ tấn công khủng bố tại tỉnh Đăk Lăk hồi tháng 6.2023. Bản tin này có một chi tiết rất đáng chú ý. Phóng viên của VTV1 hỏi một người phụ nữ có chồng bị nhóm khủng bố sát hại. Người vợ trẻ nói rằng, chồng bị sát hại, con còn nhỏ, mất mát quá lớn nhưng chị sẵn lòng tha thứ cho kẻ sát hại chồng mình, nếu kẻ thủ ác thật sự ăn năn hối cải.

Phóng viên quay phim của VTV1 rất “có nghề” khi thu vào ống kính cận cảnh gương mặt ngây thơ của cháu nhỏ đang đạp xe trong sân nhà, cùng những giọt nước mắt của người vợ, người mẹ. Ở ngoài nói dễ nhưng nếu ta đặt bản thân mình vào trường hợp có người thân bị sát hại dã man, mới thấy hết sự độ lượng của người phụ nữ ấy. Và giờ, chính chị mong kẻ hạ sát chồng mình có cơ hội sống. Phiên toà xét xử công khai, theo báo chí tường thuật, hầu hết nhóm người tham gia tấn công trụ sở chính quyền và sát hại cán bộ địa phương đều nhận tội và mong có cơ hội được sống.

Một cựu binh Mỹ khóc tại "Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam", nơi khắc tên của hơn 58 ngàn binh lính Mỹ thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

“Có bị cáo nói 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam là anh em, kêu gọi không tin, nghe, làm theo kẻ xấu xúi giục làm hại đồng bào, Tổ quốc mình. Có bị cáo còn kêu gọi 6 bị cáo đang trốn truy nã ở nước ngoài hãy ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước, sớm trở về gia đình, quê hương… Hội đồng xét xử ghi nhận sự thành khẩn khai báo, nhận tội của các bị cáo.

Hội đồng xét xử sẽ nghị án, đưa ra hình phạt đúng người, đúng tội, vừa bảo đảm sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa bảo đảm sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật, đồng thời thể hiện được đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay”- Báo Tiền Phong tường thuật.

2. Cách nay chưa lâu, chúng tôi có đợt công tác dài bảy ngày tại tỉnh Đăk Lăk. Buổi chiều, một thành viên trong đoàn công tác có người thân đang định cư tại chính nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố đưa chúng tôi đến thăm gia đình. Trong lúc chờ gia đình làm cơm, chúng tôi đi quanh làng, ghé vào một số hộ dân hỏi thăm tình hình. Họ cho biết, cuộc sống đã trở lại bình thường.

Gặp một số em học sinh phổ thông đi học về, chúng tôi hỏi: “Trong lớp các cháu, con em đồng bào dân tộc thiểu số và con em người dân tộc Kinh có trò chuyện với nhau không”. Nhóm học sinh nhìn nhau cười vô tư và trả lời “có ạ”. Có một thực tế cần nói rõ, khu vực xảy ra vụ khủng bố không phải nơi heo hút hay rừng thiêng nước độc như không ít người tưởng tượng, nơi đây cách thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ Tây Nguyên chỉ 13 cây số.

Chúng tôi nhớ khoảng cách này, vì khi về đến khách sạn, anh bạn trong đoàn thanh toán tiền taxi chỉ hết 150 ngàn đồng. Khu vực từng xảy ra vụ tấn công, hạ tầng giao thông cực kỳ tốt, đường nhựa rộng thênh thang, đèn cao áp chiếu sáng không khác gì đô thị, thậm chí đường giao thông ở đây còn tốt hơn một số đô thị.

Có thể, việc thực thi chính sách còn những thiếu sót và công tác thông tin, tuyên truyền nhiều khi cũng chưa đến nơi đến chốn để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng chủ trương, đường lối. Nhưng chuyện sách nhiễu này nọ mang màu sắc chính trị, sắc tộc, có thể mạnh dạn khẳng định rằng, không có. Sau khi về Tây Ninh, một cán bộ nữ phụ trách công tác tư tưởng tại Đăk Lăk nhắn tin cho chúng tôi: “Em định viết gì về Tây Nguyên sau chuyến đi vừa rồi không?”.

Ngày 19.1.2024, trong một chương trình phát thanh trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội, từ nước ngoài, một người Mỹ gốc Việt lớn tiếng cáo buộc chính quyền địa phương “đàn áp đồng bào Thượng”. “Ông có chứng cứ nào không, khi nói về điều đó” - người dẫn chương trình của buổi phát thanh trực tiếp hỏi vị khách mời. “Tôi nghe một số người kể”- ông ta trả lời. Nghe kể một chiều, không kiểm chứng thông tin rồi lớn tiếng “kết luận” là điều tối kỵ trong truyền thông.

Trong bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời, hố bom” sáng tác năm 1972, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khắc hoạ sự hy sinh của những nữ thanh niên xung phong, như sau: “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau".

Chiến tranh kết thúc, có dịp qua nước Mỹ và đến thăm bức tường tại thủ đô xứ sở cờ hoa, nơi khắc danh tính hơn 58.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết: “Tôi đưa tay/ Sờ lên từng cái tên/ Sao nghe lòng nhói buốt!/ Có phải/ Tôi đã đến đây bằng trái tim người mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mỹ mất con”.

Trong quá khứ, mỗi khi đánh thắng các đội quân xâm lược, cha ông ta luôn có chính sách nhân đạo với kẻ thù, thể hiện khát vọng hoà bình. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi- quân sư tối cao của vua Lê Lợi thể hiện điều đó rõ ràng nhất trong kiệt tác Bình Ngô đại cáo khi tha mạng sống cho tướng giặc: “Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run/ Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng…”.

3. Trở lại “vấn đề hôm nay”, thế giới đã và đang xảy ra những chuyển động hết sức phức tạp, khó lường: xung đột, chiến tranh cục bộ, đại dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các cường quốc. Trước những biến động đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một kiên trì đường lối đối ngoại hoà bình, hoà hiếu, hợp tác vì lợi ích chung.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng, một trong những biểu hiện sáng ngời về văn hoá hoà hiếu trong thời hiện đại là tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.

Thể hiện tinh thần hoà hiếu, sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động ngoại giao sôi động nhằm cứu vãn hoà bình. Người đã trực tiếp đàm phán với đại diện chính quyền Pháp để ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946, “nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp gần 5 tháng để chỉ đạo đoàn đàm phán của nước ta tại hội nghị Fontainebleau, đồng thời để tranh thủ dư luận Pháp và thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân ta. Tiếp nối truyền thống người xưa, văn hoá ngoại giao Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc, luôn phân biệt rạch ròi giữa các tầng lớp nhân dân với các thế lực hiếu chiến.

Sau khi kết thúc chiến tranh luôn bày tỏ thiện chí “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Một sự kiện khác cũng thuộc loại độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới là sau chiến dịch biên giới toàn thắng, Bác Hồ- một vị nguyên thủ quốc gia đã nguỵ trang tới thăm tù binh Pháp và dặn dò anh em chăm lo chu đáo cho cuộc sống của họ.

Tại hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể: “Làm ngoại giao, cá nhân tôi có nhiều dịp đi thăm nước ngoài và tiếp xúc với nhiều nhân vật các nước khác. Một lần tới thăm Houston- thành phố lớn nhất ở bang Texas (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) có gặp riêng tôi.

Trong câu chuyện, ông ta có chia sẻ rằng, vào năm 1994, khi đã nghỉ hưu, ông tỏ ý muốn sang thăm Việt Nam thì nhiều người khuyên can không nên đi vì người Mỹ đã gây ra nhiều điều không hay, không phải ở đất nước này, tuy nhiên, ông vẫn quyết định lên đường.

Theo lời ông ta kể, ông rất ngạc nhiên thấy suốt chuyến đi không một ai tỏ thái độ thù nghịch gì với ông ta, thậm chí nhiều người, trong đó có nhiều cựu chiến binh Việt Nam ứng xử với ông rất thân mật. Ông hỏi tôi vì sao như vậy? Tôi bèn trả lời rằng, người Việt Nam chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông đất nước của mình, đồng thời rất rộng mở, khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng vượt qua quá khứ để hướng tới tương lai của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. Nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nêu ra những câu hỏi tương tự như ông Bush và tôi luôn nói nửa đùa nửa thật: nếu chúng tôi nuôi hận thù dân tộc mãi thì sống được với ai vì nhiều nước lớn đến xâm lược Việt Nam quá”.

Trong cuốn sách “Người thầy”, tác giả - cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhắc đến câu chuyện nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn mong muốn Việt Nam và Mỹ lập quan hệ ngoại giao, vì, “đối với đất nước chúng tôi, hết chiến tranh là hết thù hận”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục