Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Đất nước này là đất nước của nhân dân”
Thứ sáu: 10:00 ngày 21/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Khi bài báo này lên khuôn, chỉ còn 48 giờ đồng hồ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ diễn ra trên cả nước. Cùng với Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng.

Như thường thấy, trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, những tổ chức, cá nhân, cả trong và ngoài nước vốn thừa định kiến, thiếu vô tư, không công tâm lại giở đủ trò kiểu “thọc gậy bánh xe”. Sau màn tự ứng cử thất bại, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí sử dụng lá bài mới có tên gọi “không biết không bầu”. Họ là ai, liệu “lời hiệu triệu” của họ có được cử tri hưởng ứng hay không?

Dẫu không muốn nhưng không thể không đề cập một người được coi như khởi xướng “lời kêu gọi” “không biết không bầu”, đó là một người ngoài 80 tuổi, học hàm học vị cao. Ngày 10.2.2021, trên trang cá nhân, cựu giảng viên cao niên này viết một bài khá dài nói về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Trong bài, sau khi phê phán tính chất, hình thức của cuộc bầu cử, vị này lớn tiếng đòi “bỏ cơ cấu trong bầu cử Quốc hội” vì theo ông ta, cơ cấu đại biểu là thể hiện sự áp đặt, độc tài. Vấn đề này, xin nói luôn, trong một bài viết gần đây, Báo Tây Ninh đã phân tích kỹ, dẫn lời các chuyên gia lập pháp và đại biểu Quốc hội, những người này đều chung một góc nhìn rằng, tính dân chủ trong Quốc hội của nước ta có sự kết hợp hài hoà giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp (đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri).

Do tính chất đại diện đó, việc cơ cấu đại biểu không những đúng luật mà còn phù hợp với thực tế, bởi vì trong xã hội có nhiều giai tầng, thành phần khác nhau. Do đó, mỗi giai tầng, thành phần này cần có đại diện trong Quốc hội, cơ quan có quyền lập Hiến, lập pháp. Việc áp dụng máy móc mô hình bầu cử của một số quốc gia khác nước ta cả về văn hoá, thể chế chính trị là điều hoàn toàn không nên và không thể thực hiện được.

“Nếu thấy rất cần có ai đó vào Quốc hội thì dành riêng một số ghế, không cần bầu. Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã bầu được 333 người và dành 70 ghế không cần bầu cho vài đảng chính trị” - vị cựu giảng viên này đề xuất. Không cần kiến thức cao siêu, một người bình thường cũng không khó khăn gì để chỉ ra sự vô lý, xa rời thực tế trong đề xuất của ông này.

Ðể khỏi mất thời gian của bạn đọc, xin nói ngắn gọn, ý kiến vừa dẫn trong ngoặc kép là một đề xuất ngớ ngẩn, bởi nó hoàn toàn trái với Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật. Làm gì có chuyện “thấy rất cần ai đó vào Quốc hội thì dành riêng một số ghế, không cần bầu?”.

Tiếp theo, “Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã bầu được 333 người và dành 70 ghế không cần bầu cho vài đảng chính trị”. Những ai từng học phổ thông đều biết, bầu cử Quốc hội khoá I năm 1946 diễn ra trong điều kiện lịch sử vô cùng đặc biệt: chính quyền cách mạng non trẻ có lúc như ngàn cân treo sợi tóc.

Ðể củng cố chính quyền, ổn định tình hình, không rơi vào vô số những cái bẫy do thù trong giặc ngoài giăng ra, chính quyền cách mạng non trẻ đành chấp nhận “đặc cách” cho 70 người tham gia Quốc hội không thông qua lá phiếu của cử tri.

Ðây là vấn đề sách lược, một quyết định khó khăn, song, tại thời điểm đó, không còn cách nào khác. Nói khác đi, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I năm 1946 có tính lịch sử, nó hoàn toàn khác với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước hiện nay.

Ðiều đáng suy ngẫm, tại sao một người có học hàm, học vị cao, từng hàng chục năm đứng trên bục giảng ở giảng đường đại học lại đưa ra những ý kiến tầm thường như thế? Ông không biết hay cố tình không biết? Câu trả lời được hé mở khi ở phần sau của bài, ông viết nguyên văn như sau: “Hãy vận động cử tri thực hiện phương châm không bầu cho những ứng viên xa lạ, không biết.

Vắn tắt là “không biết không bầu”. Viết ra những lời như thế, vị giáo sư tiếp tục đánh mất những gì còn lại được gọi là tầng lớp trí thức của chính bản thân ông. Bởi lẽ, không một người bình thường nào lại xúi giục cử tri “không biết không bầu”, huống gì, bản thân ông làm hồ sơ và tự nhận mình là “ứng cử viên độc lập”.

Nếu vượt qua được các vòng hiệp thương, liệu cử tri có bỏ phiếu cho một người có quan điểm lạ lùng, sai trái như ông không? Nhưng, điều sau đây mới đáng nói, không thể có chuyện cử tri không biết mặt ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XV! Nhiều tháng nay và đặc biệt những ngày gần đến ngày bầu cử, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật thông tin liên quan đến sự kiện chính trị này.

Mọi thông tin của ứng cử viên như tên tuổi, năm sinh, chức vụ, nơi làm việc, chương trình hành động, kể cả việc có bị kỷ luật trong quá trình công tác hay không… đều được thông tin với tần suất dày đặc cả trên báo chính thống lẫn mạng xã hội. Ðó còn chưa kể, theo quy định, ứng cử viên còn đi tiếp xúc, vận động bầu cử, trực tiếp trình bày chương trình hành động với cử tri tại địa bàn nơi mình ra ứng cử.

Tại địa điểm bầu cử, danh sách, lý lịch ứng cử viên được niêm yết công khai. Mặt khác, công nghệ thông tin phát triển, điện thoại di động người nào cũng có, chỉ cần “lướt phây”, trong nháy mắt, thông tin chi tiết về ứng cử viên lập tức xuất hiện trên màn hình.

Sau bài viết của vị giáo sư đúng 15 ngày, ngày 25.2.2021, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin dưới dạng tờ rơi trong đó có một số câu hỏi. Ví dụ: “bạn từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? Ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn? Ðã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa?”. Một số câu trả lời được nêu lên, kiểu như "chưa từng thấy", "chưa có". Sau đó đi đến “thống nhất” rằng, “nếu ứng cử viên có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu”.

Lần theo dấu vết, gom các sự kiện lại, không khó để nhận thấy, “lời kêu gọi” “không biết không bầu” xuất phát từ một số tài khoản cá nhân, sau đó lan truyền trên trên môi trường mạng ở cả trong và ngoài nước. Ðiều đáng buồn, trong số những người “kêu gọi cử tri” không đi bầu cử, có cả người từng làm hồ sơ ứng cử nhưng bị loại vì họ không đạt tiêu chuẩn. Sòng phẳng mà nói, đến giờ này, thêm một bằng chứng chứng minh rằng, một vài “ứng cử viên độc lập” bị loại là không hề oan, thậm chí có người bị bắt vì vi phạm pháp luật.

Nhà nước có luật pháp, mọi công dân đều phải tuân thủ. Còn nếu như hệ thống pháp luật tồn tại những bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tế, với sự phát triển thì bổ sung, sửa đổi, điều này hoàn toàn bình thường.

Ðiều đáng nói, từ những bài viết thiếu khách quan, những cá nhân có động cơ thiếu trong sáng dẫn đến bị chính quyền xử lý và đây chính là cái cớ để một vài cơ quan truyền thông của nước ngoài quy chụp, vu khống chính quyền.

Sau khi một số “ứng cử viên” bị xử lý vì vi phạm pháp luật, không bỏ lỡ thời cơ, ngày 1.4.2021, một tổ chức có tên gọi “Ân xá quốc tế” lớn tiếng vu cáo “chính quyền Việt Nam tiến hành đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc hội 23.5 với việc bắt giữ và truy tố các ứng cử viên độc lập”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây rõ ràng là một hành vi “cố ý làm trái” bằng cách bóp méo thông tin về tình hình Việt Nam, nói đúng hơn, đó là sự bịa đặt trắng trợn.

Ðất nước đang trong quá trình phát triển, không phải mọi thứ đều đã hoàn hảo. Nhưng, “phá không phải là xây”, những hành vi, việc làm, dù núp dưới bất kỳ vỏ bọc, chiêu bài nào để phá hoại an ninh quốc gia, cản trở sự phát triển, đều phải bị loại bỏ. Mới đây, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bầu cử Quốc hội khoá XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong bài viết có nhan đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “…

Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ…

Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Lá phiếu cử tri góp phần quan trọng, nếu không muốn nói có tính quyết định đến việc xây dựng chính quyền của nhân dân. Ngày 23.5 này, đi bầu cử là thực hiện quyền, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Cao hơn, đó còn là biểu hiện sinh động của lòng yêu nước, bởi lẽ, "đất nước này là đất nước của nhân dân".

Việt Ðông

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục