Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Dạy con gọi tên cảm xúc”- Cẩm nang nuôi dạy con thời 4.0
Thứ sáu: 08:03 ngày 28/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Dạy con gọi tên cảm xúc” sẽ trở thành trợ thủ đắc lực dành cho những ai đang chuẩn bị có con, vì đây là cách tốt nhất để nắm bắt các nguyên tắc cơ bản về giáo dục sớm, giúp các bé vững vàng từ khi chưa đến trường.

 

Tác giả Lê Thanh Hải là tiến sĩ chuyên ngành Triết và Xã hội học tại Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, hiện đang sống ở Anh. 

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy học, cũng như hướng dẫn một số phụ huynh và giáo viên tổ chức các lớp giáo dục sớm cho trẻ, tác giả đã đúc kết những thử thách cơ bản về việc dạy con trên nền tảng khoa học của bộ môn Tâm lý học xã hội theo triết lý giáo dục khai phóng, lấy bộ ba tam giác: trí tuệ logic (IQ), trí tuệ văn hoá (CQ), trí tuệ cảm xúc (EQ) làm tiêu chí đánh giá sự phát triển của con người. 

Cuốn sách “Dạy con gọi tên cảm xúc” sẽ giúp độc giả hiểu được những cảm xúc của con trẻ, sẵn sàng đầu tư thời gian để động viên, hướng dẫn, và giúp đỡ con trưởng thành theo đúng ước mơ và trí tuệ của trẻ.

Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018, gồm có 14 chương. Qua các chương sách, cảm xúc của chính bản thân mỗi chúng ta và cảm xúc của trẻ là sợi dây liên kết xuyên suốt từ quá khứ vào tương lai để định hướng cho ta trong việc dạy con. Cuốn sách này đặt trẻ em là chủ thể, tức là nhân vật giữ vai trò trung tâm trong giáo dục, chứ không phải là đối tượng của việc dạy dỗ. Trong sách có sử dụng những cụm từ mang tính khoa học, nhưng không hề gây cảm giác khô khan, giáo điều cho người đọc, mà trái lại từng chương tác giả viết tựa như những lời quan tâm, động viên, truyền đạt kinh nghiệm của người đi trước dành cho người đi sau.

Theo tiến sĩ Lê Thanh Hải, hoạt động giao tiếp luôn được xem là vấn đề trọng tâm đối với sự phát triển của trẻ. Có nhiều yếu tố tác động đến khả năng giao tiếp của trẻ, một trong những yếu tố đó là việc “gọi đúng tên cảm xúc”. Đây là yếu tố ảnh hưởng một cách trực tiếp đến việc trẻ lựa chọn được hành vi giao tiếp phù hợp.

Tuy nhiên, trong giáo dục con cái, phụ huynh hầu như chưa quan tâm vấn đề này một cách đúng mực. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì con mình mê game, sống trong thế giới ảo, học hành sa sút, giao tiếp kém, suốt ngày ôm điện thoại, ipad không lo học hành… Tác giả đã lần lượt chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ trở nên chai lì cảm xúc, và hướng dẫn cách khắc phục tình trạng của trẻ, kèm theo những ví dụ về các trường hợp điển hình, để các bậc phụ huynh tiện theo dõi.

Theo tác giả, một trong những điểm yếu của trẻ em Việt Nam, mà tiếp diễn theo đó là thanh niên Việt Nam, chính là khả năng giao tiếp, ứng xử, tức là loại hình trí tuệ cảm xúc, thường gọi là EQ- Emotional, hay EI- Emotional Intelligence. Chậm lớn cả về thể xác lẫn trí não, khiến các em sau này chậm tiến trên lớp học và trong cuộc sống. Tác giả coi đây là một nghiên cứu lý thuyết thực nghiệm, được trình bày một cách dễ hiểu và sẵn sàng để ứng dụng cho các bậc phụ huynh và giáo viên.

“Dạy con gọi tên cảm xúc” sẽ trở thành trợ thủ đắc lực dành cho những ai đang chuẩn bị có con, vì đây là cách tốt nhất để nắm bắt các nguyên tắc cơ bản về giáo dục sớm, giúp các bé vững vàng từ khi chưa đến trường. Nếu con bạn đã lớn, thì chưa quá muộn để đánh giá lại và mau chóng giúp con khắc phục yếu điểm so với bạn bè cùng trang lứa.

Yến Nhi

Tin cùng chuyên mục