Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi có “điểm tựa” vững vàng và chiếc “đòn bẩy” linh hoạt, rắn chắc, dày dạn kinh nghiệm rồi thì chỉ cần một “lực tác dụng” vừa đủ (5.000 đảng viên Cộng sản có đầy đủ “tư cách người cách mệnh”) cũng làm nên sự nghiệp lớn.
Chỉ sau 15 ngày nổ ra, cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 do 5.000 đảng viên Cộng sản người Việt Nam lãnh đạo đã thành công trên hầu khắp dải đất hình chữ S.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Ðình- Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - nhà nước ấy tồn tại, phát triển vững chắc đến nay dưới quốc hiệu Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một số học giả phương Tây cho rằng tháng 8 năm 1945, Việt Minh “ăn may”, nhờ lúc đó ở Ðông Dương có một “khoảng trống quyền lực” (Pháp chạy, Nhật hàng) nên Ðảng Cộng sản Ðông Dương (Ðảng Cộng sản Việt Nam) mới dễ dàng giành được chính quyền như thế.
Người viết bài này không tán thành quan điểm đó. Bởi, thứ nhất, lịch sử nhân loại đã chứng minh, nếu thực lực không mạnh thì dù có tiếm quyền (nhờ khoảng trống quyền lực) thì sau đó cá nhân, tổ chức tiếm quyền cũng sẽ bị các thế lực khác (hoặc thế lực cũ) tấn công, phản kích đập tan.
Thứ hai, nên nhớ rằng: lúc Ðảng ta làm Cách mạng tháng 8 năm 1945, ở Việt Nam lúc đấy vẫn còn tồn tại hai bộ phận trong “cấu trúc quyền lực” thống trị, đó là quân đội Nhật với 9 vạn tinh binh (chưa thua trận nào ở Ðông Dương) và hệ thống chính quyền Ðế quốc Việt Nam của nội các Trần Trọng Kim từ trung ương xuống tới làng xã.
Các sự kiện quân phát-xít Nhật, lực lượng Ðại Việt, Việt Nam Quốc dân Ðảng, Hoà Hảo… gây không ít khó khăn cho ta trong cuộc khởi nghĩa tại Thái Nguyên, Hà Nội và một số địa phương khác… như lịch sử đã ghi nhận đủ để đập lại luận điệu xuyên tạc của cái gọi là “khoảng trống quyền lực” ở Ðông Dương tháng 8 năm 1945.
Vậy thì điều “kỳ diệu” gì đã tạo ra sức mạnh của tổ chức Việt Minh và bước ngoặt lịch sử đó? Tôi tự luận giải cho mình rằng, “nguyên lý hoạt động của đòn bẩy” trong vật lý học có thể trả lời một cách biện chứng cho câu hỏi này.
Chuyện là vầy, trước công nguyên, nhà bác học Hy Lạp Archimedes đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên”. Ông là người đầu tiên phát hiện ra “nguyên lý hoạt động của đòn bẩy”, và đưa nhiều ứng dụng của đòn bẩy vào sử dụng trong đời sống hằng ngày để đem lại lợi ích cho xã hội và cho sự nghiệp bảo vệ đất nước của ông.
Hơn 2.100 năm sau, vào nửa đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc không yêu cầu cho mình một “điểm tựa” để “lật nhào” chế độ phong kiến thối nát và “bẩy văng” bọn thực dân, phát-xít đang giày xéo Tổ quốc Việt Nam của Người.
Người bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước. Người tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lê-nin, coi đó là “cái “cẩm nang” thần kỳ, cái kim chỉ nam”, là “vầng mặt trời soi sáng” cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng.
Kiên trì phương châm “kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã cùng Ðảng Cộng sản Việt Nam qua hàng chục năm trời đấu tranh gian khổ, hy sinh đã tổ chức, xây dựng được một “điểm tựa” vững chắc từ “lòng dân” để đặt lên đó chiếc “đòn bẩy” phong trào cách mạng “Việt Minh”.
Khi có “điểm tựa” vững vàng và chiếc “đòn bẩy” linh hoạt, rắn chắc, dày dạn kinh nghiệm rồi thì chỉ cần một “lực tác dụng” vừa đủ (5.000 đảng viên Cộng sản có đầy đủ “tư cách người cách mệnh”) cũng làm nên sự nghiệp lớn.
Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Lời Người là chân lý muôn đời!
“Ðiểm tựa” lòng dân - một trong những bài học lớn của Cách mạng tháng 8 năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị.
THIÊN HẠ