Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong tâm thức người Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam.

Từ thời phong kiến, các vương triều luôn coi trọng việc tế lễ Vua Hùng, xem đó là một việc hệ trọng của cả nước. Thời nhà Lê đã cho ghi chép Ngọc phả, cấp sắc cho Đền Hùng. Theo đó, Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418-1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích). Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.
Đến thời nhà Nguyễn, triều đình tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng. Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức lễ Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức.
Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc đã xin Bộ Lễ “ấn định ngày Quốc lễ vào 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày cả nước làm lễ tế Vua Hùng”, được chính thức hoá bằng luật pháp. Từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 đã trở thành ngày Giỗ Tổ của cả nước.
Kế thừa, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18.2.1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 2.4.2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch).
Đây không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và tôn vinh các Vua Hùng - những người đã có công dựng nước Văn Lang, đặt nền móng đầu tiên cho quốc gia Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là đã đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng, hùng tráng, tôn nghiêm, xứng tầm là nơi thờ cúng Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.

Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, trọng thể theo truyền thống văn hoá dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính.
Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi...); các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hoá cội nguồn. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hoá dân gian.
Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày lễ trọng đại để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá ngàn đời của dân tộc. Bất kể ai, dù đang sinh sống trong hay ngoài nước, đều tự hào khắc ghi lời nhắc nhở:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
Đăng Anh