Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Đúng nhận, sai cãi”
Thứ sáu: 06:05 ngày 24/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ê Tư Cà, bữa hổm, trên mạng xã hội rần rần hot trend “Đúng nhận, sai cãi”, sao mấy ngày nay biệt tăm, biệt tích luôn rồi?

- Cụm từ “đúng nhận, sai cãi” xuất phát từ câu cửa miệng của cô đồng online Trương Thị H ở Kinh Môn, Hải Dương thường xem bói bằng cách bổ cau. Sau mỗi lần phán gia cảnh hay chuyện quá khứ của người đến xem bói, cô đồng này luôn có câu “đúng nhận, sai cãi cho cô”.

Cụm từ này trở thành hot trend vì nhiều TikToker bắt chước, làm lại các clip xem bói nhưng thay vì dùng trái cau thì họ dùng lê, mít, thanh long... chủ yếu là hài hước. Tuy nhiên, từ dạo cô đồng bổ cau Trương Thị H bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”, trend này cũng chìm theo luôn.

- Mà nói nghe nè, vụ cô đồng “đúng nhận, sai cãi” chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dịch vụ tâm linh trên mạng xã hội. Rất nhiều trang Facebook đã được lập ra để gieo quẻ, xem tử vi… với hàng chục ngàn lượt like, lượt follow.

Chưa kể, có không ít hội, nhóm kín chuyên về tử vi, tướng số, xem bói về phong thuỷ… với số lượng thành viên lên đến cả trăm ngàn người. Không chỉ vậy, họ còn trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan. Theo tui, cần phải ngăn chặn, kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi cá nhân.

- Thực tế đã có các quy định cụ thể: Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Đối với người tham gia hoạt động mê tín dị đoan, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo thì người nào tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc trên không gian mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

- Đó, đã có quy định thì các ngành chức năng cứ thế mà làm, chứ để nạn “buôn thần, bán thánh” lềnh khênh vậy, làm sao bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân được thoả mãn một cách lành mạnh, lương thiện!

Đ.H.T

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh