Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
19 giờ, khuôn viên nghĩa trang lung linh nhiều ánh nến. Đây đó, từng khu vực trong nghĩa trang xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ luân phiên thắp sáng cho từng ngôi mộ - một cách tri ân cụ thể, với lòng biết ơn chân thành dành cho người ngã xuống cho đất nước.
Thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ. Ảnh: Dương Đức Kiên
Cơn mưa chiều 26.7 bắt đầu trút xuống từ ngã ba Vịnh. Tôi tấp chiếc 67 cà tàng của mình vào tiệm tạp hoá ven đường mua vội chiếc áo mưa dã chiến để tiếp tục lộ trình về Đồi 82. Cũng may, tới cầu Trại Bí, cơn mưa dừng hẳn. Đoạn đường trước mặt đột nhiên khô ráo như chưa hề có một giọt mưa nào bay ngang qua, như thể trời chiều lòng người.
Cách cầu chừng ba cây số là Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82), nơi sắp diễn ra chương trình Thắp nến tri ân thường niên cho 13.976 liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia nằm lại nơi này, trong đó có gần một phần ba (chính xác là 4.131) là những ngôi mộ chưa có thông tin…
Tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên này nhiều lần, mỗi lần một tâm trạng rất khác nhau, với những tên gọi khác nhau cho mái nhà chung của liệt sĩ còn nằm lại trên ngọn núi đất, mà người dân quen gọi là đồi, có cao độ 82m so với mực nước biển.
Trong lần thắp hương tháng 7.2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất chủ trương nâng cấp nơi này thành nghĩa trang liệt sĩ quốc gia theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
Diện mạo nghĩa trang khi đó ắt sẽ hoành tráng hơn, cơ ngơi của liệt sĩ sẽ khang trang, rộng rãi hơn, những nghi lễ thắp hương tưởng niệm sẽ quy mô rầm rộ hơn… rồi những cái tên nghĩa trang Trại Bí, nghĩa trang Đồi Không Tên, nghĩa trang Đồi 82 thơ mộng, ân tình… sẽ lần lượt chìm vào quên lãng.
Đêm nay, sẽ là thời khắc bắt đầu của sự khác biệt với những năm sau. Vì vậy, đến nghĩa trang Đồi 82 lần này, với mong muốn thức trọn đêm để khề khà ly rượu chuối hột với người thương binh mang hàm Trung uý, nguyên là đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 9 miền Đông - người quản trang thâm niên nhất trên ngọn đồi rộng 26,7 ha này để nghe những câu chuyện hồn phách linh thiêng, bí ẩn vẫn còn lãng đãng như khói như mây như mộng như thực, để rưới những giọt rượu nồng xuống những ngôi mộ không tên rồi nghêu ngao vài câu thơ thời ác liệt ở chiến trường K năm nào, để được lặng nhìn lần nữa giọt nước mắt đàn ông không còn mặc áo lính, thẫn thờ rơi ở Đồi Không Tên.
Khu nhà nghỉ dành cho quản trang chiều nay không người. Một bàn hoa quả nhang đèn trong căn nhà khách vẫn còn vương khói. Có lẽ, cả tổ quản trang cũng đang tất bật cho chương trình nghĩa tình đang cận giờ tiến hành.
Ngoài kia, trong khuôn viên nghĩa trang, 1.000 đoàn viên thanh niên của các ban, ngành trong tỉnh háo hức chuẩn bị cho chương trình tri ân. Trong rừng người ấy, xác suất tìm ra người cần gặp là 1/1.000, việc tìm người muốn gặp khác nào chuyện mò kim đáy biển. Mong muốn gặp tổ trưởng quản trang - Trung uý thương binh Trần Mạnh Hào - ngày nào đã không thành.
19 giờ, khuôn viên nghĩa trang lung linh nhiều ánh nến. Đây đó, từng khu vực trong nghĩa trang xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ luân phiên thắp sáng cho từng ngôi mộ - một cách tri ân cụ thể, với lòng biết ơn chân thành dành cho người ngã xuống cho đất nước.
Những cơn gió lạnh báo mưa tạt qua, nhiều ánh nến nghiêng mình rồi vụt tắt. Bất chợt, hình ảnh trung uý đặc công, thương binh 2/4, kiện tướng quy tập hài cốt liệt sĩ Đội K71 (Tỉnh đội Tây Ninh) Dương Văn Tân lại quay về trong tôi. Trung uý Tân, người ở Tân Bình Điền, Gò Công Đông (Tiền Giang) nhưng nếu có cuộc bình chọn người Tây Ninh tiêu biểu, tôi nghĩ anh bộ đội Cụ Hồ này chắc chắn sẽ là người không thể thiếu tên.
Từ năm 1960, anh đã có mặt và tham gia chiến đấu trên chiến trường Dương Minh Châu. Năm 1965, anh được phong tặng danh hiệu Kiện tướng diệt xe tăng Mỹ, rồi được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1967.
Sau ngày miền Nam thống nhất, với tỷ lệ thương tật 84%, anh ra quân về Sở Lao động - Thương binh Tây Ninh phụ trách truy tìm hài cốt liệt sĩ khu Lòng hồ Dầu Tiếng; khu hậu cứ mũi Vẹt (mũi Ken-nơ-đi) vùng Tân Hoà - Tân Châu…
Năm 1993, Tỉnh đội mời anh về làm cố vấn cho đội quy tập hài cốt liệt sĩ K71, bàn chân người thương binh này lại có mặt khắp vùng chiến trận trên đất bạn. Hơn 20 năm rong ruổi từ Svay Rieng, Kampong Cham, Battambang… theo dấu chân anh, đã có hàng ngàn hài cốt đồng đội được quy tập về đất mẹ trên Đồi 82 trang nghiêm này.
Tôi nhớ anh bởi nụ cười lạc quan của người lính quá nhiều thành tích và quá nhiều nghĩa tình đồng đội mà một suất “nhà tình thương” để cải tạo căn nhà tôn xập xệ chưa đầy 20m2 của gia đình anh trong khu Cực Lạc Thái Bình xin mãi cũng không có mà anh thì cũng không hờn.
Mưa không đến như dự kiến, trời không phụ lòng người. Đêm ở Đồi 82 bắt đầu rực rỡ sắc màu sân khấu.
Ở đâu, lù lù một đàn ông thấp người, đen đúa nhưng gương mặt rắn rỏi, kiên nghị xuất hiện trước mặt. Anh là Dũng, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Dũng, cấp bậc Thượng sĩ thuộc Đoàn 7702, Mặt trận 779, cựu quản trang nghĩa trang Trại Bí - tiền thân nghĩa trang Đồi 82 bây giờ- giai đoạn 1980-1984.
Năm 1980 đang là học sinh năm cuối bậc phổ thông trung học Cần Giuộc, Long An, Dũng được lệnh gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện tại Bù Gia Mập (Bình Phước) anh được chuyển đi tăng cường cho chiến trường K trong đêm mưa như dội nước.
Đến K, nhóm tân binh tăng cường của anh được bồi dưỡng thêm một tháng cho sát tình hình chiến địa rồi bung lên mặt trận. Trong danh sách lên xe ra mặt trận cuối khoá, không có anh. Tên anh nằm trong tờ giấy gửi Phòng Chính sách quân khu với nhiệm vụ: quản trang nghĩa trang Trại Bí, Tân Biên, nơi có hơn 1.000 ngôi mộ đồng đội đang được quy tập về, với công việc cụ thể, mà anh nói vui: Giống như… phân lô bán nền!
Thắp nến tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Dương Đức Kiên
Trò chuyện với Thượng sĩ Dũng, tôi nhận ra những người lính làm công tác đồng đội dường như tính tình giống nhau. Cũng như Trung uý Tân, Thượng sĩ Dũng cũng có nụ cười thật hiền và cách kể chuyện sống chết nơi chiến trường nhẹ như không.
Ngày anh về Trại Bí, ngọn đồi đất đỏ, cỏ tranh, xung quanh mì mía trước mắt đã có hơn 1.000 ngôi mộ đồng đội. Gọi là mộ nhưng thực ra chỉ là một nấm đất nhô cao, cắm một mảnh gỗ có ghi vài dòng quân tịch viết bằng sơn.
Nghĩa trang thời đó buồn lắm mà cũng thiêng lắm! Anh kể: “Mình được giao quản lý thêm 3 chiến sĩ. Mỗi ngày phát cho mỗi người một cái xẻng để hoàn thành chỉ tiêu đào hai cái huyệt và thay nhau cưa ván đóng hòm.
Xác đồng đội chuyển từ K về, sau khi ghi sổ, ấn định vị trí trên sơ đồ thì hạ huyệt, lấp đất, cắm bia, gửi tên về Phòng Chính sách để lập giấy báo tử và chờ ngày mai với công việc tương tự hôm nay.
Có thằng mới lấp đất, chưa kịp báo tử về nhà đã thấy gia đình lò mò từ Nghệ An lên, bảo rằng nằm mộng thấy con nói đã về đây, hướng dẫn sơ đồ để nhận xác con. Tôi hỏi tên tuổi, vị trí ngôi mộ, lấy hồ sơ ra đối chiếu thì… y chang!”.
Năm 1984, Quân khu 7 bàn giao hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang này cho Tỉnh đội Tây Ninh quản lý. Thượng sĩ Dũng chấm dứt nhiệm vụ quản trang của mình, tiếp tục theo lớp dự bị sĩ quan rồi ra quân với hàm thiếu uý.
Anh nói, cuộc sống người lính quản trang sau ngày ra quân đủ bề lo toan, nhưng thỉnh thoảng anh cũng mang ít hoa trái nhang đèn quay về “cơ quan cũ” ở Trại Bí để lẩm bẩm mấy lời, để chung môi một ly rượu ấm với hương hồn đồng đội còn nằm lại nơi đây.
Thỉnh thoảng anh cũng muốn quay về mái nhà lá ở góc nghĩa trang xa xưa, thắp ngọn đèn dầu leo lét để nửa đêm tỉnh giấc thấy bóng đồng đội mình ôm súng ngồi ngay góc mùng đứng dậy đi ra phía những nấm mồ… mới vừa xanh cỏ tuần qua…
Đêm nay, ở nghĩa trang này, sau chương trình văn nghệ tri ân ngoài kia, ít ai biết có một người lính vẫn đang khề khà ly rượu cúng và nghêu ngao vài câu thơ thời biên giới Tây Nam trong tâm thế vui cùng đồng đội: Ở Anlung Veng để lên được mặt bằng/ mỗi người lính tự chọn cho mình khả năng xấu nhất/ mìn díp, mìn KP2 chôn đầy mặt đất…
Đồi 82 vẫn vằng vặc những nỗi niềm…
Thiện Nguyễn