Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phế liệu khu vực biên giới:
Ðến từ đâu?
Thứ tư: 06:54 ngày 15/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo các địa phương tăng cường xử lý nhập lậu phế liệu qua biên giới, qua đó hoạt động thu mua phế liệu có giảm bớt. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hoạt động kinh doanh phế liệu trên khu vực biên giới vẫn âm ỉ, và có dấu hiệu các chất đã “phế” này vẫn đang “liệu” mọi cách luồn sang biên giới vào Việt Nam.

Một cơ sở thu mua phế liệu tại ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu.

MỘT ẤP CÓ 10 CƠ SỞ THU MUA PHẾ LIỆU

Ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu giáp ranh với biên giới nước bạn Campuchia chỉ vài trăm hộ dân, nhưng hiện có khoảng 10 cơ sở thu mua phế liệu hoạt động.

Theo một người dân địa phương, số cơ sở thu mua phế liệu tại ấp Long Hưng có thể thu mua phế liệu cho nhiều xã trong địa bàn huyện Bến Cầu, và nếu thực sự các cơ sở này chỉ thu mua phế liệu ở nội địa, đáng lý ra họ phải đặt địa điểm ở trung tâm xã chứ không phải đặt gần biên giới vì phải tốn thêm chi phí vận chuyển, cũng như khó thu hút khách hàng tới biên giới chỉ để bán phế liệu.

Tại một cơ sở thu mua phế liệu ở ấp Long Hưng, phế liệu đang chất đầy, phần lớn là thùng giấy, lon nước ngọt, bia... đều có nhãn mác in chữ Campuchia hay Thái Lan. Nghi vấn phế liệu này được tuồn về từ bên kia biên giới, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, chủ cơ sở không thừa nhận và cho rằng, số phế liệu trên đều được thu mua từ nội địa. “Việc mua phế liệu nhập lậu thời gian qua đã bị cơ quan chức năng nghiêm cấm nên chị cũng không dám mua”- chủ cơ sở cho biết.

Gần đây, các ngành chức năng kiểm tra gắt gao hoạt động mua bán phế liệu khu vực biên giới, nên có vài cơ sở thu mua phế liệu đã tạm thời đóng cửa, không hoạt động.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1614/UBND-KTTC ngày 5.7.2018 về việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc nhập lậu phế liệu trên tuyến biên giới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cục Hải quan tỉnh tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tra, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn hoạt động của Hải quan.

Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng thường xuyên, liên tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu; nhất là hoạt động trao đổi hàng hoá của cư dân 2 nước Việt Nam - Campuchia tại cửa khẩu phụ Cây Me và các đường mòn, lối mở khác bảo đảm đúng quy định pháp luật. Công an tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu tăng cường kiểm tra, xử lý các chủ địa điểm tập kết; thu gom; các cơ sở kinh doanh phế liệu không bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định...

Rời ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế hoạt động mua bán phế liệu tại các cơ sở ở xã biên giới Tân Hà, huyện Tân Châu.

Một cán bộ UBND xã Tân Hà cho hay, trước đây trên địa bàn xã có 4 cơ sở thu mua phế liệu, nhưng hiện chỉ còn 1 cơ sở hoạt động. 3 cơ sở thu mua phế liệu có quy mô lớn nằm ở khu vực Bàu Ðá, Vạc Sa (khu vực sát biên giới) đã tạm thời ngưng kinh doanh.

Xã Tân Hà có 1.698 hộ với 6.348 nhân khẩu nên số phế liệu phát sinh từ sinh hoạt của dân cư nội địa cũng không nhiều. Do các cơ sở thu mua phế liệu địa điểm được đặt gần biên giới, nên người dân hoàn toàn nghi ngờ các cơ sở này mua phế liệu từ bên kia biên giới về.

CHƯA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NÀO ÐƯỢC CẤP PHÉP NHẬP PHẾ LIỆU

Theo một cán bộ ở xã Tân Hà, thời gian qua, UBND xã đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, tuy nhiên, vấn đề phế liệu được thu mua như thế nào không thuộc phạm vi xã quản lý.

Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Bến Cầu cho rằng, địa phương cũng thấy được những vấn đề bất cập tại các cơ sở thu mua phế liệu ở khu vực biên giới- nhất là nguồn gốc của phế liệu. Thế nhưng, khác với những loại hàng hoá khác, phế liệu không có hoá đơn, chứng từ. Vì thế, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra về điều kiện kinh doanh như môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho rằng, đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở nên không loại trừ khả năng có đối tượng buôn lậu phế liệu nhỏ, lẻ qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Theo quy định, muốn nhập khẩu phế liệu, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu phải được ngành Tài nguyên - Môi trường cấp phép.

Ông Huỳnh Văn Ðức- Cục trưởng Cục Hải quan, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, từ năm 2017 đến nay, Hải quan chưa làm thủ tục cho bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào nhập khẩu phế liệu qua biên giới.

THIÊN TÂM

Cho đến nay, Hải quan tỉnh chưa làm thủ tục nhập khẩu phế liệu cho bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào nhập khẩu phế liệu qua biên giới. Vậy, phế liệu đổ đầy trong các vựa trên biên giới từ đâu mà có? Có hay không việc tiếp tay cho nhập lậu phế liệu? Ðây là những câu hỏi dư luận rất quan tâm.
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh