Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Suy cho cùng “năng lực cạnh tranh kinh tế” cũng như “sự hài lòng của người dân” tăng lên hay giảm xuống đều là hệ quả của công cuộc cải cách hành chính. Nói cách khác, đây cũng là “hai mặt của một vấn đề”.
Cuối tuần rồi, tỉnh ta có diễn ra một cuộc toạ đàm trực tuyến với thành phần tham dự khá rộng rãi trong đội ngũ cán bộ quản lý của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, kể cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ đề toạ đàm là “PCI - Cơ hội, thách thức và giải pháp cho Tây Ninh”. Tham gia toạ đàm cùng với lãnh đạo tỉnh, có cả người đứng đầu và các chuyên gia hàng đầu của tổ chức chủ trì cuộc điều tra PCI ở Trung ương.
PCI là gì? Xin thưa, đó là cuộc điều tra thu thập ý kiến của các doanh nghiệp dân doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành nền kinh tế của chính quyền cấp tỉnh. Và tên gọi, cũng là đối tượng, của cuộc điều tra này là “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” do tổ chức VCCI, tức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện hằng năm, từ năm 2005 cho đến nay. Nói nôm na, cuộc điều tra PCI có thể ví như là việc tổ chức cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế “chấm điểm”, “đánh giá năng lực” của chính quyền cấp tỉnh.
Cụ thể kết quả việc “chấm điểm” PCI đối với tỉnh ta ra sao? Theo nhận định của người đứng đầu tổ chức VCCI thì ba năm gần đây, “điểm số”, “thứ hạng” của tỉnh ta có chiều hướng đi lên. Cụ thể là trong năm 2018, năng lực cạnh tranh của Tây Ninh đứng ở vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 5 bậc so với kết quả năm trước.
Rõ ràng đây là kết quả rất tốt, thể hiện sự tiến bộ đáng mừng trong việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đó dù sao cũng chưa đủ để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững trong tương lai. Do vậy, lãnh đạo tỉnh mới xác định chủ đề cuộc toạ đàm như đã nêu ở bên trên.
Mặt khác, bên cạnh niềm vui và sự quan tâm rất chính đáng cho tiền đồ của tỉnh, mới đây tỉnh ta lại đón nhận một kết quả kém phấn khởi hơn của một cuộc điều tra khảo sát, “chấm điểm”, “xếp hạng” các tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc. Đó là việc một cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cấp Trung ương là Bộ Nội vụ vừa công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR index) đối với các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc. Theo kết quả công bố PAR index năm 2018 của Bộ Nội vụ, tỉnh ta đứng ở vị trí thứ 48/63 tỉnh, thành; “tụt hạng” 16 bậc so với năm trước (năm 2017, Tây Ninh xếp hạng 32/63 tỉnh, thành).
Rõ ràng sự sa sút này rất đáng quan tâm. Và càng đáng phải quan tâm hơn nữa là, trong bộ chỉ số cải cách hành chính- PAR index, có một chỉ số thành phần rất quan trọng, đó là chỉ số SIPAS- chỉ số về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với nền hành chính công. Chỉ số SIPAS nằm trong nhóm chỉ số “tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, hay còn gọi là “chỉ số hài lòng chung”. Và theo kết quả mới được Bộ Nội vụ công bố hồi tháng 4.2019 thì “chỉ số hài lòng chung” của Tây Ninh nằm ở vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành.
Như vậy, trong khi “năng lực cạnh tranh” của nền kinh tế tỉnh nhà có sự thăng tiến đáng kể, thì “chỉ số hài lòng” của người dân đối với công cuộc cải cách hành chính của tỉnh lại “giảm mạnh”. Có phải là “nghịch lý” không? Có đáng lo ngại lắm không? Suy cho cùng “năng lực cạnh tranh kinh tế” cũng như “sự hài lòng của người dân” tăng lên hay giảm xuống đều là hệ quả của công cuộc cải cách hành chính. Nói cách khác, đây cũng là “hai mặt của một vấn đề”.
Từ hai kết quả “chấm điểm” kể trên, Bàn Dân nghĩ, để lại kết quả sự hài lòng của người dân đối với bộ máy công quyền của tỉnh tăng lên, đồng nghĩa với lòng tin của người dân đối với Nhà nước được củng cố, nâng cao hơn, có lẽ tỉnh ta cũng rất cần thiết tìm giải pháp nâng cao “chỉ số hài lòng” như đã làm đối với việc nâng cao “năng lực cạnh tranh” vậy.
BÀN DÂN