Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
“Hoa quỳnh nở muộn” của Phùng Thị Tuyết Anh
Thứ hai: 13:06 ngày 31/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào cuối năm 2015, Hội Văn học- Nghệ thuật Tây Ninh tổ chức cuộc thi viết bút ký văn học với chủ đề Chào mừng Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển (1836-2016).

Với chủ đề khá rộng lớn, bao trùm tất cả mọi lĩnh vực phát triển của Tây Ninh nên nhiều tác giả có phần lúng túng khi chọn tác phẩm tham dự cuộc thi. Riêng Phùng Thị Tuyết Anh tự tin viết một bút ký có tựa đề “Cái sân banh” gửi dự thi. Mới nghe qua cái tựa bút ký, nhiều người tưởng như chẳng ăn nhập gì đến chủ đề cuộc thi, nhưng rồi “Cái sân banh” bất ngờ được trao giải Ba.

Thật ra, khi đọc “Cái sân banh” nhưng chẳng thấy… đá banh gì cả. Nội dung bút ký, tác giả chỉ hồi tưởng thời thơ ấu của mình khi chiều chiều đến nô đùa trên những thảm cỏ xanh với không khí trong lành. Ðó là một góc sân banh quê chị nhưng lúc đó với chị là một vùng trời bát ngát, mênh mang ước vọng của nhiều trẻ thơ.

Ðó là những ước vọng trong lành, vút cao theo những cánh diều đang lộng gió. Ðó là những câu hỏi mai sau mình sẽ làm gì để có ích cho đời? Thì ra, cái sân banh mà chị đề cập chỉ là một cái cớ. Còn trọng tâm của tác giả chính là những hồi ức sâu thẳm về một thế giới tuổi thơ hồn nhiên được thể hiện qua những câu từ sống động. Nhiều người nhận xét đây quả là cây bút có thủ pháp riêng và có triển vọng.

Và mới đây, tập truyện  “Hoa quỳnh nở muộn” (NXB Thanh Niên 2018) gồm 15 truyện ngắn của Phùng Thị Tuyết Anh đã được ra mắt bạn đọc theo chương trình hỗ trợ xuất bản của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trong “Lời tác giả”, Phùng Thị Tuyết Anh viết: “Tôi mong sẽ được đồng cảm, chia sẻ, động viên để tôi có thêm niềm phấn khởi, tự tin thực hiện ước mơ của một cô giáo viết văn”.

Cũng không khó để nhận ra Phùng Thị Tuyết Anh là  một nhà giáo sau khi đọc một số truyện ngắn trong “Hoa quỳnh nở muộn”. Ðó là phong cách rất điển hình của người có nhiều năm đứng trên bục giảng.

Như đoạn viết về một cô hiệu trưởng mới về nhận công tác ở đơn vị mới: “Những chiếc lá bàng chưa ráo sương đêm, dăm con chim sẻ trên cành ríu rít chào ngày mới, sân trường lác đác vài học sinh đến sớm đã thấy chị bước đủng đỉnh rảo một vòng xem mấy bồn hoa dọc hành lang các lớp có bị học sinh xả rác không. Lớp nào cũng có sọt rác nhưng đa số học sinh kém ý thức về vệ sinh môi trường, ăn quà vặt, uống nước xong thì ném ly nhựa, bọc ni-lông, ống hút vào bồn hoa…” (truyện Chị tôi).

Như lời ăn năn hối hận của nhân vật “nó” từng là học sinh giỏi nhưng phải thôi học giữa chừng vì cha mẹ chia tay, phải lăn lóc sống trên đời rồi vi phạm pháp luật vì rượu chè, vì đánh nhau với người khác: “Một câu nhịn chín câu lành, giá mà hôm đó nó nhịn thì giờ này nó đã thực hiện được ước mơ của mình. Một phút nông nổi nó đã trả một cái giá quá đắt. Trang giấy trắng cuộc đời đã bị nó phết vào đó một vết đen, dù cố tẩy xoá cũng còn dấu vết. Má nó bị mang tiếng có thằng con du côn. Nó cảm thấy có lỗi với má nó vô cùng. Sống mũi cay cay. Nó khóc. Nó rất hối hận, tự nhủ sau khi ra tù mình sẽ làm lại cuộc đời và nhất quyết không uống rượu” (truyện Những dòng nước mắt).

Trong tập truyện còn có câu chuyện cảm động về một nhân vật tên Quang, là một học sinh đã thi đỗ vào đại học nhưng nói dối mẹ thi rớt để vào học Trường cao đẳng Sư phạm gần nhà, tiện bề chăm sóc mẹ khi mẹ ốm đau (truyện Quyết định cuối cùng)…

Có thể nói, những truyện ngắn khác trong “Hoa quỳnh nở muộn” hầu hết là “những câu chuyện ứng xử giữa thầy và trò, những tấm gương trong cuộc sống, những tình huống đậm chất nhân văn” được lồng ghép khéo léo vào nội dung các truyện như tác giả đã giới thiệu ở phần đầu tập truyện.

VĂN TÀI

Tin cùng chuyên mục