Đọc báo in
Tải ứng dụng

Sân đình Hiệp Ninh, ngày 16.3 (âl).

Ghi chép của Trần Vũ

Nếu ở Trảng Bàng, đình Gia Lộc đã tổ chức đáo lệ Kỳ yên từ ngày 14 tháng 3 âm lịch (29.4.2018) và kéo dài suốt 3 ngày sau; thì ở các huyện, thành phía Bắc tỉnh cũng râm ran trống hội Kỳ yên tại các ngôi đình di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Ðấy là đình Hiệp Ninh, thuộc phường 2, TP. Tây Ninh và đình Long Thành, nay thuộc xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành.

Sáng 3.5 (18.3 âm lịch), tại đình Long Thành lúc 8 giờ, nghi lễ thỉnh tro từ mộ cụ Thành hoàng đã xong. Dàn trống hội của đoàn nghệ thuật lân sư rồng Thiện Anh cũng đã sẵn sàng. Người đến đình tấp nập. Rất nhiều trẻ em theo cha mẹ đến xem hội múa lân.

Bên trong ngôi võ ca trước đình, quan khách đã tề chỉnh trên dãy bàn dài chính giữa. Ngoài các ban Hội đình từ các địa phương trong tỉnh, còn có đại biểu các cơ quan đoàn thể huyện, xã. Trống hội khai trương rầm rộ. Xong, là đến lượt Ban tổ chức lễ đọc diễn văn ôn lại công đức của người xưa. Người có công khai phá vùng đất Long Thành, nay là 3 xã thuộc huyện Hoà Thành chính là cụ Trần Văn Thiện.

Theo niềm tin của người có đạo Cao Ðài, cụ cũng được các đấng Thiêng liêng ban sắc giáng cho: “Thần hoàng Long Thành lên chức Văn Xương”. Sự kiện ấy là vào ngày 12 tháng Giêng Ðinh Mão, tức 13.2.1927.

Trong và ngoài ngôi đình với mái ngói nâu trầm mặc, là đầy ắp những hương hoa, bánh trái quả phẩm. Trước ngai thờ hội đồng là hai tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá, một cấp quốc gia và một cấp tỉnh. Di tích cấp tỉnh là ngôi mộ cụ Trần Văn Thiện nằm cách không xa vị trí đình làng.

Ðình Long Thành đã được tôn tạo khang trang từ hơn 10 năm trước bằng nguồn vốn xã hội hoá, nay vẫn còn nguyên vẻ đường bệ và vững chắc. Trước ngai thờ chính, phẩm vật cúng dâng lên mấy lớp. Là các loại bánh tét, bánh bò, bánh ít. Các mâm xôi gấc, xôi đậu đủ màu. Và các loại trái cây tươi ngon mơn mởn của quê hương.

Các đại biểu được mời vào thắp nhang cung kính dâng lên ngai thờ Thành hoàng. Xong, lại mời ra bàn thờ thần nông trước sân làm lễ. Ðất quê, cây lúa vẫn là nguồn sống chính xưa nay của các xã Long Thành. Vậy nên, ai cũng cầu mong các linh thần ban cho mưa hoà, gió thuận. Sản vật nông nghiệp dồi dào, làm nền tảng cho điều mơ ước lớn hơn là quốc thái, dân an. 

Nghi thức cho các quan khách đã xong. Giờ mới là lúc các vị cao tuổi, đạo cao đức trọng trong Ban Quý tế của đình làm lễ tế chính dâng hương hoa, quả phẩm lên Thành hoàng. Trống, chiêng điểm nhịp dội vang. Dàn nhạc lễ bổng trầm, thánh thót.

Các vị chánh tế, bồi tế vào vị trí. Học trò lễ nâng đèn nhang, quả phẩm trên tay, chân bước khoan thai. Nghi lễ này ở đình Long Thành, từ hàng trăm năm qua vẫn giữ được bản sắc cổ truyền dân tộc. Chứng tỏ một sự tiếp nối của văn hoá Việt Nam bền bỉ, trường tồn.

Lễ đã hoàn tất. Nhưng ra đến cổng, khách vẫn được bà cháu một cụ già níu lại, tặng cho một phần lộc thần. Giở xem, mỗi phần ba chiếc bánh ú chặt chịa, thoảng thơm mùi lá chuối.

Vào hai ngày trước, ngày 16.3 âm lịch, đình Hiệp Ninh của TP. Tây Ninh cũng vào lễ hội Kỳ yên. Theo Ban Quý tế hiện nay, đình cũng thờ cụ Trần Văn Thiện làm Thành hoàng. Nhưng thực ra là đình có sắc phong thời vua Khải Ðịnh ban cho làng Hiệp Ninh xưa thờ thành hoàng bổn cảnh.

Tờ sắc phong vẫn còn kia làm minh chứng. Và ngày 16.3 âm lịch mỗi năm, các vị trong Ban đều tổ chức lễ rước sắc thần từ trụ sở UBND phường 2 về lại ngôi đình. Ngay từ buổi sáng ngày này, sân đình đã rộn rã đông vui người về xem các tiết múa lân sư rồng, mở màn cho kỳ lễ hội. Nghi lễ tế chính diễn ra vào sáng ngày 17.3 âm lịch. Có điều, làng xưa nay đã thành phường. Nên nghi thức lễ hội Kỳ yên cũng phần nào đã bị nhạt nhoà trong thời đô thị hoá.

Trong những ngôi đình di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, lễ Kỳ yên vào dịp rằm tháng 3 (âl), trùng với kỳ nghỉ lễ 30.4 có đình Truông Mít (huyện Dương Minh Châu). Những tưởng là xã mới thành lập sau 1975, đình sẽ không có gì đặc biệt.

Vậy mà ngày cúng đình, ngôi đình này lại rất đông vui, có cả chủ tịch UBND huyện Trần Văn To cùng nhiều nhà doanh nghiệp về tham dự. Thấy ngôi đình xập xệ, ngói lở tường long nên doanh nghiệp Hùng Diệp đã hỗ trợ ngay một khoản tiền hàng chục triệu để góp phần xây sửa đình làng.

Theo Ban Quý tế, đình Truông Mít thờ ông Trạng Bảy, có tên thật là Phan Văn Mật. Ông là một vị tướng trong đội quân của Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. “Sinh vi tướng, tử vi thần” theo quan niệm dân gian, khi ông mất, dân làng lập miếu thờ ông cùng các vị anh hùng hào kiệt một thời chống giặc, bảo vệ dân lành làm ăn sinh sống trên vùng đất mới.

Múa lân sư rồng tại đình Long Thành.

Ðình Truông Mít có khuôn viên rộng lớn, còn cả bàu gò thời xa xưa mọc nhiều cây rừng cổ thụ. Trong câu chuyện với cụ Phan Văn Duy, Trưởng Ban Quý tế đình, cụ còn nhớ về những bậc tiền nhân thời mở đất.

Như cụ cố nội Phan Văn Gồng từng đánh cọp khi Truông Mít còn hoang vu, cọp thường xuất hiện bắt người. Người diệt cọp nhưng vẫn tôn trọng sức mạnh của chúa sơn lâm, nên đình vẫn có ngôi miếu nhỏ thờ “ông Hổ”. Miếu này ở sau đình, trên một gò đất nhỏ, cũng nghi ngút khói nhang thơm cùng các đĩa tam sên, hoa trái...

Còn trên các bàn thờ chính, dĩ nhiên là đầy ắp những hương hoa, heo quay và bánh trái. Cuối tháng tư, cái bàu vuông nuôi cá trước đình đã nở đầy hoa súng tím. Phía bên lối vào còn có một hồ sen. Dưới bóng cây cao rợp tán, người người vào ra tấp nập.

Toàn dân thôn ấp hầu như đã quen biết nhau, hoặc làm ăn xa mới về, nên ríu rít bên nhau, tay bắt mặt mừng. Ôi, đình Truông Mít! Cái tên nghe đã thấy xa xôi heo hút thuở nào, nay đã trở nên một chốn đông người, cảnh tượng tưng bừng xôn xao mặt nước. Lễ Kỳ yên đình Truông Mít. Lần đầu tới đây mà vẫn thấy có gì gần gũi, thân quen.

Ði qua lễ hội Kỳ yên của mấy ngôi đình đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá vào đúng dịp có kỳ nghỉ dài ngày, vậy nên làng phố đỏ cờ bay, đình tạ rợp cờ thần. Các hội đình vẫn tưng bừng là nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, lẫn những tấm lòng thành tâm tín ngưỡng của người dân, dù trong cuộc sống đời thường vẫn có thể còn nhiều gian khó.

Với nhiều cố gắng, các vị trong Ban Quý tế vẫn duy trì được vào hai dịp “xuân thu nhị kỳ” các mùa lễ hội Kỳ yên và cầu bông, giữ được bản sắc văn hoá dân gian tại các ngôi đình, dù ở quê hay ở phố phường.

T.V