Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh chủ trì phối hợp cùng các ngành hữu quan tổ chức 2 năm một lần, hiện đang triển khai lần thứ 10 (2016-2017). Hội thi đã tạo nên điểm gặp gỡ giữa lực lượng trí thức khoa học công nghệ và nông dân tỉnh nhà.
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang trao giải cho các cá nhân tham gia Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh lần thứ 9.
Những sáng tạo từ thực tiễn
Trong 5 năm qua, Liên hiệp Hội Tây Ninh đã phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh phát động nông dân tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (Hội thi Sáng tạo KH&KT) của tỉnh. Từ hội thi này, xuất hiện ngày càng nhiều đề tài/giải pháp của nông dân- những “kỹ sư chân đất”. Công trình sáng tạo của họ đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống lao động.
Trong 3 kỳ Hội thi Sáng tạo KH&KT từ năm 2010 đến 2015 có tổng cộng 402 đề tài/giải pháp dự thi thuộc 8 lĩnh vực. Chiếm 1/3 trong số đó là đề tài/giải pháp thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và máy móc nông nghiệp (chế tạo hoặc cải tiến thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và cơ giới hoá nông nghiệp).
Nông dân là lực lượng đông đảo nhất tham gia sáng chế trong lĩnh vực này. Sáng tạo của giới “kỹ sư chân đất” thậm chí còn nhiều hơn giới “kỹ sư bằng cấp”; hầu hết các sáng tạo ấy đều được kiểm nghiệm qua thực tế sử dụng và đều mang lại hiệu quả ứng dụng cao.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là những sáng chế của nông dân còn khá đơn giản, tính phổ biến chưa cao hoặc chưa thể sản xuất đại trà để cung ứng cho thị trường vì còn mang tính chất thủ công. Các bản vẽ kỹ thuật hoặc bản mô tả quy trình kỹ thuật hầu hết nông dân đều không thực hiện được nên Hội Nông dân phải cử cán bộ hỗ trợ phần này, hoặc nông dân tự tìm đến lực lượng trí thức KH&CN để nhờ hoàn thiện trước khi tham gia hội thi của tỉnh.
Nhiều sáng tạo của nông dân đã mang lại hiệu quả cao, được phổ biến, ứng dụng rộng rãi như: máy phóng lúa gặt đập liên hợp, máy phun thuốc nông nghiệp (của Nguyễn Văn Dũng ở Bến Cầu), mô hình dàn cày phủ bạt cho hoa màu (của Nguyễn Thanh Tâm ở Trảng Bàng), mô hình chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi heo hộ gia đình (của Tạ Hoàng Thạch ở Dương Minh Châu), thang nâng mía tự hành (của Phạm Văn Hùng ở Tân Châu), máy trồng mì (của Trần Quốc Hải ở Tân Châu) vv…vv…
Các sản phẩm sáng tạo khoa học và kỹ thuật giúp bà con nông dân giảm lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả năng suất cây trồng, vật nuôi. Qua đó cũng tập cho nông dân thói quen làm việc khoa học, biết ứng dụng các mô hình kỹ thuật canh tác tiên tiến trong lao động, sản xuất, hạn chế rủi ro và phòng ngừa được thiên tai, dịch bệnh, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của nông dân trong tỉnh.
Một số thiết bị, giải pháp của nông dân Tây Ninh đã được bán hoặc chuyển giao công nghệ ra nước ngoài như máy gặt đập liên hợp của Nguyễn Văn Dũng, máy đào lỗ trồng cây thuốc lá - khoai mì của Lê Văn Hường, quy trình cơ giới hoá cây mì, cây mía của Trần Quốc Hải…
Trí thức đồng hành
Trong 5 năm qua, lực lượng trí thức khoa học và công nghệ Tây Ninh đã tích cực hưởng ứng phong trào “Trí thức khoa học công nghệ Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” do Liên hiệp Hội tỉnh phát động.
Ðồng hành cùng nông dân trong xây dựng nông nghiệp - nông thôn, những đề tài/giải pháp sáng tạo của lực lượng trí thức khoa học- công nghệ hầu hết đều phục vụ cho khâu cơ giới hoá nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh.
Những sáng tạo ấy có chung đặc điểm là có thể chuyển giao công nghệ để sản xuất, ứng dụng đại trà và có tính công nghệ cao, sử dụng lâu dài. Ðề tài “Nhân nuôi và phóng thích (thả) ong ký sinh Anagyrus lopezi ra đồng kiểm soát rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti trên cây khoai mì (sắn) tại tỉnh Tây Ninh” của kỹ sư Lê Thị Kiều Trang- Trưởng Phòng Kỹ thuật và nhóm cán bộ, chuyên viên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã giúp nhiều hộ nông dân kiểm soát tốt rệp sáp bột hồng, bảo vệ thành công năng suất, hàm lượng tinh bột vào cuối vụ, được nông dân đánh giá cao. Ðề tài này đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo KH&KT của tỉnh và giải Nhì tại Hội thi toàn quốc 2014-2015.
Ðề tài “Thiết bị phun thuốc sâu hại mía” của kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà- Giám đốc Nông trường mía Thành Long đã đoạt giải Nhì Hội thi của tỉnh, giải Ba Hội thi toàn quốc năm 2014-2015. Thiết bị này đã được ứng dụng sản xuất hàng loạt phục vụ các công ty, nhà máy đường và nông dân Tây Ninh.
Nhiều loại máy móc khác của kỹ sư Hoà như: máy bón phân NPK bằng đĩa, thiết bị cày sâu bón phân bằng mô-tơ thuỷ lực, thiết bị tăng bo nông sản hay thiết bị xịt thuốc cao su đều nhằm cơ giới hoá nông nghiệp và nâng cao hiệu quả an toàn trong sản xuất.
Riêng đề tài “Hệ thống thuỷ canh hồi lưu sử dụng phân tan chậm” của kỹ sư Ðoàn Minh Tuyết và nhóm chuyên viên Trung tâm Thông tin- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh góp phần tạo ra một xu hướng canh tác mới với chi phí thấp, năng suất cao, tiết kiệm nước và diện tích đất, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Ðề tài này đã được chuyển giao công nghệ qua nhiều lớp tập huấn cho các đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên…
Ngoài ra, lực lượng trí thức khoa học- công nghệ còn nhiều đề tài/giải pháp khác, góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh nhà.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân tặng hoa chúc mừng kỷ niệm Ngày KHCN Việt Nam 18.5
Mối quan hệ cần chặt chẽ hơn
Nhìn vào số lượng và chất lượng Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh những năm qua, điều băn khoăn nhất là hiện tượng các “kỹ sư chân đất”- các “nhà sáng chế không chuyên” đang dần lấn sân các “nhà khoa học thực thụ”.
Ðây là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Mừng vì nông dân đã dần tiếp cận với khoa học và công nghệ, phát huy tư duy sáng tạo. Còn lo là vì một bộ phận lực lượng trí thức khoa học và công nghệ chưa dấn thân thực sự, còn xa rời thực tiễn sản xuất và đời sống nông thôn.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng thực sự những đề tài/giải pháp của các nhà khoa học đều đòi hỏi thời gian nghiên cứu và trải nghiệm lâu dài, còn những sáng tạo của nông dân là đáp ứng nhu cầu cấp bách từ thực tế của lao động sản xuất, thường là có quy trình kỹ thuật chưa cao, vừa sử dụng vừa cải tiến nên có thể làm ra trong thời gian ngắn và hiệu quả sử dụng không bền. Ðiều đó lý giải vì sao đề tài/giải pháp của nông dân thường không đoạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo KH&KT của tỉnh.
Ðể Hội thi trở thành “điểm gặp gỡ” thật sự giữa trí thức khoa học công nghệ và nông dân, cần có nhiều hơn các giải pháp thiết thực. Trước tiên, Liên hiệp Hội phải là chiếc cầu nối giữa hai lực lượng nói trên, tổ chức thường xuyên những cuộc gặp gỡ giữa hai bên, tạo mối quan hệ chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau.
Liên hiệp Hội cũng sẽ là cơ quan chủ trì thành lập và tổ chức sinh hoạt mô hình “CLB khoa học kỹ thuật” hoặc “Diễn đàn khoa học công nghệ” để nông dân tiếp cận dần với khoa học và công nghệ, để lực lượng trí thức có nơi chia sẻ, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ với các đối tượng có nhu cầu.
Lực lượng trí thức khoa học công nghệ cũng cần trực tiếp khảo sát, tiếp cận thường xuyên các địa bàn, lĩnh vực sản xuất của nông dân, nông thôn; có khảo nghiệm thực tế trên ruộng đồng, vườn cây, trang trại...
Dù vẫn còn có những hạn chế nhất định, nhưng có thể thấy Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh luôn là sân chơi trí tuệ cần thiết cho lực lượng trí thức khoa học công nghệ và nông dân tỉnh nhà. Sân chơi ấy cần được hoàn thiện thêm để trở thành điểm hẹn thật sự hấp dẫn của những người yêu thích khoa học và ham mê sáng tạo.
Dương Thị Thu Hiền
(Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh Tây Ninh)