Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sân chơi cho trẻ em:
“Khát” đến bao giờ ?
Thứ hai: 05:46 ngày 12/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, đâu đâu cũng thấy hình ảnh trẻ em gắn với trò chơi điện tử trực tuyến. Thậm chí, trò chơi điện tử còn là hình thức giải trí chủ yếu của các em, nhất là trẻ em thành thị. Hình ảnh trẻ em rủ nhau chơi thả điều ngoài đường; đá bóng, chơi đùa; hoặc rủ nhau đi tắm sông, tắm suối ngày càng khó nhìn thấy.

Bởi, như nhiều phụ huynh hỏi ngược lại, chúng thả diều, lội sông, đá bóng ở đâu? Nơi nào an toàn? Những câu hỏi không dễ trả lời.

Một điểm vui chơi cho trẻ em của tư nhân mở ra trên địa bàn TP. Tây Ninh.

TRẺ NÔNG THÔN “KHAO KHÁT”…

Hiện nay, trên toàn tỉnh, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em; chủ yếu chỉ lồng ghép trong quy hoạch các thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng.

Hơn nữa, cơ sở vật chất kỹ thuật của không ít nhà văn hoá, điểm vui chơi cho trẻ em hiện đã xuống cấp, lại chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp; trang thiết bị đơn điệu lại hư, cũ, khiến trẻ không “mặn mà”.

Lý giải về tình trạng các địa phương thiếu sân chơi cho trẻ em, lãnh đạo UBND xã Hoà Hội, huyện Châu Thành cho biết, nhiều địa phương hiện không còn quỹ đất để bố trí xây dựng các cơ sở văn hoá, vui chơi cho trẻ- nhất là ở cấp xã. Trong khi đó, có địa phương đã có cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em phải thay đổi địa điểm, di dời để nhường đất cho mục đích khác.

Tại xã Hoà Hội, vào các dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu hay các buổi sinh hoạt thường xuyên hằng quý, các em mới được tham gia các trò chơi dân gian như ném lon, kéo co và gian hàng ẩm thực… do Đoàn Thanh niên tổ chức.

Theo thống kê của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn có 7 cơ sở kinh doanh loại hình khu vui chơi, giải trí cho trẻ em của tư nhân, còn các công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi cho trẻ em hầu như không có.

Hầu hết các cơ sở tư nhân kinh doanh loại hình này thường có quy mô nhỏ và chủ yếu tập trung ở khu vực đông dân cư. Đối với những khu vực còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt như các xã Phước Ninh, Lộc Ninh, Bến Củi… các em không có chỗ để vui chơi sau những giờ học tập.

Không ít người dân chia sẻ, việc thiếu điểm vui chơi đúng nghĩa, vô tình đẩy trẻ em vào các tụ điểm trò chơi điện tử, thiếu đi kỹ năng giao tiếp xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường hay vi phạm pháp luật ở trẻ em có xu hướng ngày một tăng. 

TRẺ ĐÔ THỊ CŨNG THIẾU SÂN CHƠI

Sân chơi cho trẻ em không chỉ thiếu ở vùng sâu, vùng xa mà ngay tại thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành… số lượng sân chơi cho trẻ vẫn còn khá ít, dù nhờ xã hội hoá nên trẻ em thành thị có nhiều lựa chọn hơn.

Khảo sát tại một số điểm kinh doanh loại hình vui chơi trẻ em tư nhân trên địa bàn TP. Tây Ninh cho thấy, phụ huynh chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 40.000 - 45.000 đồng, các cháu sẽ có 1 vé để tham gia khá nhiều trò chơi như xe điện, thú nhún, xếp hình, nhà hơi, nhà banh, tô tượng… Đa phần, các khu vui chơi tư nhân được đầu tư kỹ lưỡng và an toàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi của các bé.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoà Thành, hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 hồ bơi loại trung bình, 4 khu trò chơi thiếu nhi. Trong đó, có 1 hồ bơi do Nhà nước quản lý nhưng giao cho tư nhân khai thác, 2 khu vui chơi trẻ em do tư nhân đầu tư xây dựng tại Trung tâm thương mại và giải trí Cana và khu trò chơi tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông.

Nhìn chung, các khu vui chơi có quy mô vừa với nhiều loại hình trò chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi như đu quay, xe điện… đã thu hút đông đảo các em nhỏ trên địa bàn huyện đến vui chơi.

Đánh giá về tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, ông Nguyễn Văn Tánh- Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoà Thành cho biết, do khoảng cách địa lý giữa các xã với thị trấn tương đối gần, xa nhất cũng chỉ khoảng 5 - 7km, nên ở những xã không có khu vui chơi, các em thường được ba mẹ chở đến công viên, siêu thị có khu trò chơi, hoặc tham gia sinh hoạt liên xã.

Đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, địa phương sẽ cấp phát thẻ sinh hoạt miễn phí, hỗ trợ trẻ được tham gia sinh hoạt đầy đủ ở khu vui chơi. Về phía ngành chức năng, Phòng Văn hoá và Thông tin thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động, chất lượng các bể bơi, khu vui chơi để bảo đảm an toàn cho các em.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng tăng của trẻ em trên địa bàn huyện Hoà Thành, ông Nguyễn Văn Tánh chia sẻ thêm, trong thời gian tới, cấp huyện sẽ xây dựng Trung tâm VHTT, các hạ tầng kỹ thuật về trò chơi thiếu nhi trên diện tích khoảng 1,6 ha tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi, nhà thi đấu đa môn, các phòng tập thể dục, thẩm mỹ…

Đối với cấp xã, sẽ tập trung xây dựng các trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng theo Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đầu tư các loại hình trò chơi mở rộng ở các xã còn lại.

Tại thành phố Tây Ninh, bà Nguyễn Đông Quỳnh- Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin TP. Tây Ninh lý giải, do Thành phố đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất xây dựng trung tâm văn hoá, thể dục, thể thao; đồng thời kinh phí đầu tư công trình vui chơi giải trí cho trẻ em cũng còn khá eo hẹp. 

BAO GIỜ CHO THOẢ “KHÁT KHAO”?

Với mục đích tổ chức các hoạt động bổ ích, nâng cao kỹ năng sống cho trẻ, Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh đã trở thành địa điểm quen thuộc của trẻ em trong tỉnh. Hằng năm, Trung tâm đều mở các lớp năng khiếu về múa, hát, võ thuật… thu hút khá đông phụ huynh đến đăng ký cho con em tham gia. Đồng thời, Trung tâm còn tổ chức hội thi, sân chơi lưu động ở các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Một điểm vui chơi cho trẻ em của tư nhân trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của trẻ em ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, tháng 6.2017, Tỉnh đoàn Tây Ninh đã xây dựng một khu trò chơi thiếu nhi (tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng), để phục vụ trẻ em xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của khu trò chơi, bà Nguyễn Thị Đức Diệu- Bí thư Đảng uỷ xã Biên Giới cho hay, trước đây, Xã đoàn chỉ có thể tổ chức sinh hoạt vui chơi cho các em vào những dịp lễ, tết. Từ khi khu trò chơi được thành lập, trẻ em trong xã đã có chỗ để vui đùa thường xuyên hơn sau giờ học.

Hiện nay, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thiết nghĩ, để bảo đảm cho mọi trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn và lành mạnh, chính quyền địa phương và ngành chức năng nên tận dụng cải tạo những sân chơi đã có sẵn nhưng bị bỏ không hoặc xuống cấp.

Đặc biệt là có hướng giải quyết tình trạng xây dựng “cho có” chứ không quản lý, hoặc đất khu vui chơi trẻ em bị sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư các hệ thống trò chơi mới, thu hút sự yêu thích của trẻ tại các khu vui chơi công cộng. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân chơi, góp phần cùng Nhà nước và xã hội tạo điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần cho trẻ.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Trong khi trẻ em đang thiếu nơi vui chơi, thì có những công viên có thiết kế khu vui chơi cho trẻ em lại xuất hiện tình trạng chiếm dụng hay sử dụng sai mục đích. Thậm chí, có nơi hệ thống trò chơi vì ít hoạt động, không bảo trì thường xuyên dẫn đến hư hỏng, thiếu an toàn khi sử dụng. Trước thực trạng trên, nhiều bậc cha mẹ thay vì đưa con em đến công viên để vui chơi, đã chọn mua vé tại các khu vui chơi tư nhân hoặc để trẻ chơi trò chơi điện tử tại nhà.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh