Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Kiên định nguyên tắc, uyển chuyển sách lược”
Thứ tư: 19:12 ngày 17/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, phức tạp, khó dự báo, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, xử lý hài hoà, khéo léo các vấn đề phức tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định.

Ngày 18.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao (báo chí đã đưa tin). Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, xung đột đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới, tình hình diễn biến nhanh, rất khó dự báo. Tình hình đó đòi hỏi đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải thật sự khôn khéo, uyển chuyển về sách lược nhưng bảo đảm kiên định về nguyên tắc. Tinh thần này thể hiện rõ trong tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của tác giả - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm tặng quà cho bà Samdech Men Som On- Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Ảnh: Nhật Quang

Hoà bình, hoà hiếu

Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản: đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, trong đó nội lực đóng vai trò quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Bởi vậy, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ, giành lại giang sơn, độc lập, chủ quyền, ông cha ta luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, lấy hoà bình, hoà hiếu và hữu nghị làm cốt lõi, đề cao lòng nhân ái, vị tha và bao dung, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn. Truyền thống và bản sắc của ngoại giao Việt Nam thể hiện ở sự kiên định về mục tiêu và nguyên tắc; linh hoạt và trí tuệ trong mọi hoạt động ngoại giao; kiên trì thực hiện phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên tự do, độc lập, yêu chuộng hoà bình và đấu tranh cho hoà bình, thuỷ chung và hoà hiếu, gầy dựng và củng cố hữu nghị, đấu tranh cho lẽ phải, công lý và chính nghĩa đã tạo nên hồn cốt và khí phách cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập năm 1945 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đối ngoại đã kết hợp đồng bộ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; cùng với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực trong hệ thống chính trị đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa truyền thống ngoại giao của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại, nắm bắt quy luật vận động của lịch sử thế giới, với góc nhìn khách quan, nhiều chiều, Người đã có những đánh giá và dự báo đúng đắn về cục diện và xu thế phát triển của tình hình thế giới, gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với dòng chảy của thời đại, liên kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản quốc tế đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là sự kết hợp của văn hoá Đông - Tây, với tư tưởng phải “luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “giúp bạn là tự giúp mình”, vì hoà bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại. Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là khả năng tạo dựng thời cơ và tận dụng chớp thời cơ, là ngoại giao “tâm công”, thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Đặc biệt, cách ứng xử khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước lớn nhằm bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” chính là bài học vô giá về sự uyển chuyển trong ứng xử tình thế cho cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã kiên định vận dụng, phát triển tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng quà tết cho ngài Cheam Chansophoan- Tỉnh trưởng tỉnh Tboung Khmum. Ảnh: Việt Khoa

Tranh thủ thời cơ, mở rộng hợp tác

Thế giới ngày nay đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường; bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn”. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có phần gay gắt hơn, toàn diện hơn, đẩy nguy cơ xung đột lên cao. Thế giới có xu hướng đa cực, phân tuyến rõ ràng hơn trên nhiều mặt, tác động tới tập hợp lực lượng, liên kết quốc tế và cục diện quốc tế nói chung. Nguy cơ chạy đua vũ trang, phổ biến và cạnh tranh vũ khí hạt nhân, cạnh tranh trên không gian trên vũ trụ quay trở lại, cùng với sự gia tăng các vấn đề an ninh phi truyền thống, gây tâm lý lo ngại và căng thẳng trên toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng có vị trí quan trọng cả về kinh tế cũng như chính trị, an ninh, song cũng tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, bất đồng, có thể nảy sinh thành điểm nóng xung đột quốc tế.

Các nước trên thế giới có xu hướng quan tâm, gia tăng hiện diện và hợp tác với khu vực, tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể tạo ra các nhân tố phức tạp mới đối với môi trường an ninh và phát triển của khu vực, trong đó có cả Việt Nam. Ở trong nước, tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, cùng với các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... khiến cho nền kinh tế - xã hội của nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các lĩnh vực phải nỗ lực, quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, mở rộng quan hệ hợp tác. Bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, phức tạp, khó dự báo, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, xử lý hài hoà, khéo léo các vấn đề phức tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, trong đó ngành đối ngoại, ngoại giao có vị trí nòng cốt và giữ vai trò tiên phong.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục