Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Lò” đào tạo cầu lông thầy Út
Thứ bảy: 08:54 ngày 22/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Học trò cầu lông của thầy Út vừa đạt 4 huy chương đồng tại giải các cây vợt trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2018. Điều đáng chú ý là người thầy này có phương pháp dạy cầu lông rất riêng và khá hiệu quả.

Nhiều năm qua, hầu như ngày nào cũng vậy, cứ buổi chiều hằng ngày là các em học sinh yêu thích môn cầu lông ở huyện Hòa Thành lại mang vợt vào Trường THCS Mạc Đỉnh Chi (nội ô Tòa Thánh Cao Đài, huyện Hòa Thành) để học cầu lông do thầy Út chỉ dạy.

Thầy Út và các học trò vừa đoạt 4 huy chương đồng tại giải cầu lông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2018.

Thầy Út tên họ đầy đủ là Võ Văn Út, 42 tuổi, giáo viên dạy bộ môn giáo dục thể chất của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Bản thân thầy cũng là một tay vợt cầu lông có tiếng ở Tây Ninh, từng giành nhiều thành tích cao ở các giải cầu lông trong tỉnh, giải ngành giáo dục, khu vực, toàn quốc.

Mới đây, ở giải bóng bàn, cầu lông gia đình tỉnh Tây Ninh năm 2018 do Sở VHTT&DL Tây Ninh tổ chức, gia đình thầy đoạt huy chương vàng ở nội dung đôi cha và con trai dưới 45 tuổi.

Hiện tại, thầy Út có hai lớp dạy cầu lông. Một lớp tại Hội trường của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi và lớp còn lại tại Nhà tập luyện và thi đấu thể thao của Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh. Buổi chiều hằng ngày, ở Trường THCS Mạc Đĩnh Chi dành cho những người lớn đến tập dợt cầu lông, từ 19- 21 giờ mới tới giờ lớp cầu lông của thầy hoạt động.

Ở đây, thầy Út chỉ nhận dạy các em học sinh từ 6-11 tuổi. Sau khi dạy cơ bản xong, tuyển chọn những em có năng khiếu, phụ huynh chịu đầu tư, đưa ra dạy nâng cao ở Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh. Tương tự như thế, buổi chiều hằng ngày, ở Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh là sân chơi của những tay vợt lớn tuổi. Từ 19 giờ trở đi mới là nơi tập luyện của các em học sinh.

Khi chúng tôi đến tham quan lớp cầu lông ở Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh, đã có khoảng 20 học sinh nam, nữ nhiều lứa tuổi đang miệt mài tập luyện. Ngoài thầy Út là người trực tiếp đứng lớp, còn có một số giáo viên dạy thể dục thể thao và học viên lớn tuổi khác hỗ trợ công tác giảng dạy.

Thầy Út hướng dẫn các học trò đập cầu đúng kỹ thuật.

Thầy Út cho biết, hiện tại lớp này có khoảng 20- 30 em đăng ký học. Các em được chia thành 2 nhóm khác nhau, một nhóm học các buổi tối thứ 2, 4, 6/tuần. Nhóm còn lại học các buổi tối thứ 3, 5, 7/tuần.

Phương pháp dạy cầu lông của người thầy này khá lạ so với những người dạy khác. Trong Nhà thi đấu của Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh, thầy Út dựng khoảng 10 cây tầm vông, mỗi cây dài khoảng 5 mét, nghiêng khoảng 45 độ. Trên mỗi cây sào, thầy dùng dây treo một quả cầu lông. Độ cao thấp của quả cầu có thể tăng lên hay giảm xuống cho phù hợp với từng động tác kỹ thuật khác nhau. Chỉ với thiết bị này, các học viên có thể tập được nhiều động tác khác nhau như phông (lốp) cầu, đập cầu, cắt trái, cắt phải cầu, tạt cầu, đánh rờ- ve, tập thể lực v.v…

Thầy Út cho biết, do yêu thích môn cầu lông, năm 2001 thầy bắt đầu tìm tòi và tự học môn này. Vì tự học ở nhà, không có ai cùng tập dợt nên thầy nghĩ ra cách lấy quả cầu cột vào dây, treo lủng lẳng lên cây rồi cầm vợt đánh vào quả cầu.

Để tăng lực cổ tay khi đánh cầu, thầy Út còn nghĩ ra phương pháp khác làm cho vợt nặng thêm, đó là thầy đặt may bao vợt bằng da bò để trùm kín mặt vợt lại. Sau đó, dùng vợt nặng này đánh vào cầu. Nhờ thường xuyên tập như vậy, nên khi đánh cầu “cổ tay” phát lực rất mạnh. Khi đã thuần thục các động tác kỹ thuật căn bản, thầy bắt đầu tập các bước di chuyển.

Sau một thời gian tập luyện, thầy Út tìm đến những điểm chơi cầu lông đăng ký vào luyện thêm từ thực tiễn. Qua đó nhằm cọ sát để tích lũy thêm kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật cá nhân của mình.

Thầy Út nhớ lại: “Năm 2016, khi được học lớp huấn luyện viên cầu lông Châu Á, tôi có trình bày phương pháp dạy của mình. Thấy phương pháp này hiệu quả, Liên đoàn Cầu lông châu Á bảo tôi viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm để tham gia dự thi. Đề tài này phải viết bằng tiếng Anh, nhưng vì vốn ngoại ngữ của mình có giới hạn, nên không viết”.

Sau khi chiêu sinh mở lớp, thầy Út đem tất cả những kinh nghiệm từ phương pháp tự học cầu lông của mình truyền đạt lại cho các em học sinh. Bên cạnh việc tập các động tác kỹ thuật, thầy Út còn dạy các em di chuyển trên sân.

Trên một mặt sân cầu, thầy dùng nước sơn màu vàng vẽ 9 con số ở 9 vị trí khác nhau. Hằng ngày, thầy hướng dẫn các học trò của mình bước chân theo những ô số ấy. Trên mặt sân còn lại, thầy đặt những dụng cụ tập luyện khác, như hai rổ nhựa ở gần lưới, kế đó là hai quả bóng nhựa trên trụ và cuối cùng là dựng một số ống đựng cầu. Đây là những vị trí quan trọng trong sân.

Trong quá trình tập luyện, thầy khuyến khích các em đập cầu trúng vào những vị trí này. Nhờ sự luyện tập như thế, nên khi áp dụng vào thi đấu, các em dễ dàng ghi điểm trước đối thủ.

Tại giải cầu lông các nhóm tuổi toàn quốc năm 2018 tổ chức ở Đà Nẵng, có hơn 300 VĐV, trong đó có các tỉnh rất mạnh về bộmôn này như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang…, các học trò của thầy Út được chọn đại diện cho tỉnh Tây Ninh tham dự và đã xuất sắc đoạt 1 huy chương đồng.

Sau đó, ở giải cầu lông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2018, có 201 VĐV của 22 tỉnh, thành tham gia, các học trò của thầy Út tiếp tục đoạt thêm 4 huy chương đồng nữa, góp phần vào thành tích 1 huy chương bạc, 6 huy chương đồng ở môn cầu lông của tỉnh Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện nay.

Dự kiến trong năm 2019, Sở VHTT&DL sẽ đăng cai tổ chức giải Cầu lông các nhóm tuổi toàn quốc tại Tây Ninh. Hy vọng các học trò của thầy Út tiếp tục có dịp để cọ sát và gặt hái được thành tích cao hơn.

Mặc dù bước đầu đạt được những thành tích đáng ghi nhận như thế, nhưng người thầy đầy tâm huyết này cũng không khỏi đau lòng khi thấy ngày ngày các học trò của mình vẫn phải tập luyện trên mặt sân xi măng chứ chưa được tập trên mặt sân trải thảm như nhiều tỉnh, thành khác.

Các học trò hăng say tập luyện với phương pháp dạy của thầy Út.

Thầy Út chia sẻ: “Mình ở đây chưa có sân cầu lông trải thảm, nên có rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn như trong bài tập phòng thủ, phải té trên mặt sân. Nếu có sân thảm mới cho các em tập động tác này được, chứ té trên sân xi măng, sẽ chấn thương cơ thể. Tại các giải toàn quốc vừa qua, khi vào thi đấu sân có trải thảm, các em không quen cách di chuyển nên mau bị đuối chân. Nếu hằng ngày có sân thảm để luyện tập, chắc chắc các em sẽ thi đấu tốt hơn nữa”.

Về vấn đề đầu tư sân bãi, thầy Út bộc bạch, hiện nay cả hai Trường THCS Mạc Đĩnh Chi và Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh đều tạo điều kiện cho các em tập luyện với tinh thần hỗ trợ là chính, chứ không cho thuê theo kiểu hợp đồng kinh doanh dài hạn. Vì thế, thầy không dám đầu tư trải thảm vào sân.

Ngoài ra, thầy Út chia sẻ thêm, để đào tạo được một học sinh từ chưa biết cầm vợt đến thành một vận động viên có khả năng khi đấu là cả một quá trình gian khó. Hiện nay, số lượng học sinh đi tập cầu lông cho khỏe, tập theo phong trào có nhiều, nhưng tập nâng cao thì không được bao nhiêu.

“Để đào tạo được một em có khả năng đi thi đấu đòi hỏi nhiều yếu tố, như phải có năng khiếu, có đam mê và phải được gia đình đầu tư kinh phí, thời gian. Có nhiều em bộc lộ tiềm năng, nhưng chỉ học phong trào, gia đình không đầu tư thêm, nên không phát triển hơn được. Đào tạo cả chục em mới tuyển chọn được 1- 2 em có thể thi đấu được”, thầy Út nói.

Một phụ huynh ở TP.Tây Ninh- cũng là tay chơi cầu lông lâu năm của tỉnh- đưa con trai của mình theo học cầu lông ở lớp của thầy Út gần 5 năm nay, nhận xét: “Hồi trước, tôi cũng dạy cầu lông cho con, nhưng phải hò hét lắm nó mới chịu tập mà tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Khi biết thầy Út có mở lớp dạy cầu lông, tôi liền đăng ký cho con tôi vào học. Ở đây có nhiều bạn bè, có phương pháp tập hiệu quả, nên nó thích tập lắm, nhờ vậy nên tiến bộ rõ rệt. Hiện giờ, con tôi tập luyện, chuẩn bị tham gia giải cầu lông Hội khỏe Phù Đổng vòng TP Tây Ninh”.    

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục