Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Lỗ hổng” trong quản lý các nhà máy xay xát lúa gạo
Chủ nhật: 13:33 ngày 14/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm qua, rất nhiều nhà máy xay xát gạo tồn tại trong các khu dân cư. Tiếng ồn và bụi bặm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Xe tải lớn vận chuyển lúa gạo vào nhà máy nằm giữa khu dân cư ở khu phố 2, thị trấn huyện Châu Thành.

Ô nhiễm môi trường

Gia đình bà Nguyễn Thị Bích Lê và hơn mười hộ dân khác tại khu phố 3, thị trấn huyện Châu Thành nhiều năm qua phải chịu cảnh sống chung với môi trường bị ô nhiễm do nhà máy xay xát lúa gạo nằm giữa khu dân cư gây ra. Bà Bích Lê cho biết, mỗi khi nhà máy hoạt động, y như rằng cả xóm không thể ngủ được. “Có một hộ dân nhà có con nhỏ vì không chịu nổi tiếng ồn đã phải chuyển đi nơi khác sống”- bà Bích Lê kể.

Còn theo ông T.T.A (cùng  ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Châu Thành), nhà máy xay xát lúa gần nhà ông hình thành và tồn tại từ hơn 20 năm trước. Cùng với quá trình đô thị hoá, nhiều người dân xây cất nhà cửa sát vách nhà máy nên phải chịu đựng tiếng ồn. “Tôi rất mong các cơ quan chức năng có kế hoạch di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư, bảo đảm môi trường sống cho người dân”- ông A nói.

Ở gần đó, tại khu phố 2, thị trấn  huyện Châu Thành, nhiều người khác cũng rất bức xúc về tình trạng nhà máy xay xát lúa gạo gây bụi mù mịt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Theo người dân địa phương, nhà máy này đã tồn tại giữa khu dân cư hàng chục năm qua. Bà Ngô Thị Thuý, sống gần đó cho biết, mỗi khi nhà máy hoạt động thì nhà bà và các hộ dân khác phải đóng kín cửa để tránh bụi. Thế nhưng bụi vẫn bay đầy nhà, bám khắp nơi, gây ngứa ngáy rất khó chịu.

Một người dân khác cho biết, nhà ông cũng sát vách nhà máy xay xát trên nên khi nhà máy hoạt động thì chẳng thể nào nghỉ ngơi được. Ông và nhiều hộ khác đã yêu cầu chủ nhà máy khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn nhưng không được khiến người dân rất bức xúc, nhiều lần xảy ra cự cãi.

Theo những hộ dân sống gần các nhà máy nêu trên, các tuyến đường dẫn vào nhà máy là đường dân sinh bằng bê tông nhỏ hẹp nên xe tải vận chuyển lúa gạo cho nhà máy này thường xuyên gây ách tắc giao thông, làm hư hỏng đường sá.

Bà N.T.H- chủ nhà máy xay xát lúa gạo tại khu phố 2 cho biết, nhà máy của bà hoạt động đến nay đã trên 30 năm. Khoảng 3 năm trước, khi nghe người dân xung quanh phàn nàn về tình trạng bụi bẩn, nên bà thường cho nhân công dọn dẹp sạch sẽ, đồng thời đóng kín các cửa khi nhà máy hoạt động, tránh để bụi cám bay ra ngoài làm ảnh hưởng đến người dân.

 Tuy nhiên, theo nhiều người dân, vào thời điểm nhà máy hoạt động (lúc 15 giờ 30 phút ngày 4.4), ngoài tiếng ồn còn có lượng lớn bụi thoát ra từ nhà máy khiến nhiều người bị ngứa ngáy, rất khó chịu. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, các nhà máy xay xát lúa gạo trong các khu dân cư còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rất cao, nhưng việc phòng cháy chữa cháy không được quan tâm đúng mức, gây bất an cho cộng đồng.

Tương tự, ở nhiều nơi khác, nhà máy xay xát lúa gạo đang là nỗi lo của nhiều người. Tại ấp Long Thời, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành có một nhà máy xay xát lúa hoạt động khoảng 30 năm. Ông N.Q.K, ngụ ấp Long Thời cho biết, nhiều hộ ở gần nhà máy chẳng có giấc ngủ yên lành, bụi cám bay bám khắp nơi.

Chính quyền chưa nghe người dân phản ánh  

Ông Lê Tấn Tài, cán bộ Ðịa chính - Xây dựng và Môi trường thị trấn Châu Thành cho biết, tại địa phương có 2 nhà máy xay xát lúa gạo đang hoạt động nhưng từ trước tới nay chưa nghe người dân nào phản ánh, khiếu nại. Theo ông Tài, các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động từ rất lâu (trên dưới 20 năm). Cùng với quá trình đô thị hoá, các nhà máy này nằm trong các khu dân cư. Hằng năm, UBND Thị trấn đều kết hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện kiểm tra các mặt hoạt động của nhà máy nhưng không phát hiện tình trạng ô nhiễm như người dân phản ánh.

Bà Trương Thanh Nguyên, cán bộ Ðịa chính - Xây dựng và Môi trường xã Long Thành Bắc cũng cho biết tương tự: “Xã chưa nhận được bất kỳ đơn thư hay phản ánh nào của người dân về việc nhà máy xay xát lúa gạo gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm, UBND xã đều thành lập đoàn kiểm tra cơ sở trên 2 lần nhưng chưa phát hiện các vi phạm về môi trường”.

Chưa có cơ quan quản lý các nhà máy xay xát lúa gạo?

Khi liên hệ với một số cơ quan quản lý Nhà nước thì bất ngờ được biết không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về mặt quản lý xây dựng, quy hoạch và hoạt động của các nhà máy xay xát lúa gạo.

Tại huyện Hoà Thành, một cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết, cơ quan này không nắm thực trạng và hoạt động của các nhà máy xay xát lúa gạo. Ông hướng dẫn phóng viên liên hệ với Văn phòng UBND huyện để tìm hiểu. Tuy nhiên, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Hoà Thành cũng cho biết không nắm rõ đơn vị nào quản lý các nhà máy xay xát lúa gạo trên địa bàn huyện.

Liên hệ với Sở Công Thương, một cán bộ Văn phòng Sở cho biết, các nhà máy, sản xuất và chế biến nông sản như mì, mía thường do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý. Phóng viên tiếp tục liên hệ Sở NN&PTNT. Sau một hồi liên tục điện thoại cho các phòng, ban của Sở, một cán bộ Văn phòng cho biết, hiện tại Sở không có cơ quan nào quản lý các cơ sở này. Có thể đây là một lỗ hổng trong quản lý cần được quan tâm trong thời gian tới.

Còn theo ông Lê Trung Cường, Phó Phòng Kiểm soát ô nhiễm- Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), việc phân cấp quản lý về môi trường các nhà máy chế biến và sản xuất lúa gạo thuộc về UBND các huyện, thành phố có nhà máy đó hoạt động trên địa bàn. Khi có người dân phản ánh, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện có trách nhiệm kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay, theo ông được biết, chưa có phản ánh nào của người dân về việc các nhà máy xay xát lúa gạo gây ô nhiễm môi trường.

Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh sớm xem xét, kiểm tra mức độ ảnh hưởng về bụi, tiếng ồn, độ rung ở các nhà máy xay xát lúa gạo trên địa bàn tỉnh và có biện pháp quản lý chặt chẽ, có giải pháp khắc phục hoặc di dời ra khỏi khu vực dân cư.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục