Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2020:
“Lối cũ ta về”
Thứ ba: 23:43 ngày 28/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, thông tin về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2020 liên tục có sự thay đổi. Từ nay cho đến ngày thi, những thay đổi, điều chỉnh có thể chưa dừng lại. Điều này khiến giáo viên, học sinh không khỏi băn khoăn.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017.

Liên tục thay đổi

Trước hết xin khái quát ý kiến của một số cán bộ quản lý (Báo Tây Ninh đã thông tin), nếu đã không còn kỳ thi THPT quốc gia thì chỉ cần xét công nhận tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12. Việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ cần giao cho nhà trường thực hiện.

Sau khi đã được công nhận tốt nghiệp, học sinh có thời gian ôn thi tuyển sinh vào đại học. Trường hợp vẫn tổ chức kỳ thi, không cần thiết phải có bài thi tổ hợp, thay vào đó là các môn thi độc lập, tối đa không quá 6 môn, thậm chí chỉ cần thi 4 môn.

Đến thời điểm này, mặc dù quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học chưa được ban hành chính thức, nhưng theo những thông tin mới nhất, năm nay không còn kỳ thi THPT quốc gia (một kỳ thi phục vụ cho hai mục đích) như năm 2019. Thay vào đó, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng số môn thi, tổ hợp môn thi được giữ nguyên. Sau khi thi tốt nghiệp, tuỳ theo nguyện vọng cá nhân, thí sinh có thể dự thi tuyển sinh đại học hoặc nộp hồ sơ xét tuyển, theo yêu cầu cụ thể cùa từng trường.

Như vậy, kiến nghị chỉ xét công nhận, không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã không được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý. Điều này có thể hiểu được, theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, học sinh lớp 12 phải thi tốt nghiệp. Trước đó cũng có một số đề xuất, do tình hình dịch bệnh, tạm thời chưa áp dụng Điều 34 của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 để xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất nêu trên không được chấp thuận.

Mặc dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Chính phủ đã quyết định (chưa có văn bản chính thức) về kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng trong vài ngày qua, thông tin về kỳ thi này vẫn liên tục có sự thay đổi, điều chỉnh. Lúc đầu, thông tin được đưa ra là, kỳ thi tốt nghiệp THPT, như tên gọi của nó, chỉ để xét công nhận tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12.

Điều đó có nghĩa, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không được sử dụng làm căn cứ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Cách thức tuyển sinh vào đại học do các trường tự quyết định. Nhưng liền sau đó, Bộ GD-ĐT lại đưa ra thông tin, các trường đại học, cao đẳng “có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở tuyển sinh vào đại học”. Thậm chí, các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể tuyển sinh bằng cách xét tuyển qua học bạ của học sinh lớp 12.

Điều thứ hai, lúc đầu, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, hai tổ hợp môn thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) sẽ chỉ lấy một đầu điểm, tức cả ba môn thi trong mỗi tổ hợp sẽ chỉ có một con điểm. Nhưng cũng liền sau đó, Bộ lại quyết định, mỗi tổ hợp môn thi sẽ vẫn giữ nguyên điểm thành phần của các môn thi trong tổ hợp. Ví dụ, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên sẽ vẫn duy trì điểm thành phần của ba môn Vật lý, Hoá học và Sinh học. Tương tự như vậy với tổ hợp môn Khoa học xã hội.

Sự thay đổi thứ ba, kỳ thi năm nay sẽ không còn sự tham gia của trường đại học. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi. Công tác thanh tra cũng được bổ sung, ngoài thanh tra của Sở GD-ĐT, của Bộ, còn có lực lượng thanh tra do UBND tỉnh, thành phố thành lập.

Lịch sử thi cử

Trước thông tin sẽ không còn kỳ thi THPT, tách biệt hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, nhiều ý kiến của người trong ngành bình luận rằng, sự thay đổi này thực chất là quay trở về cách thức thi của nhiều chục năm trước.

Để làm rõ cho nhận định trên, có thể khái quát lại lịch sử thi cử, đặc biệt là cách thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học với mốc thời gian từ năm 1991. Năm 1991, sau khi học xong lớp 12, học sinh phải dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT (thường chỉ thi 4 môn).

Sau đó, nếu có nguyện vọng tiếp tục con đường học vấn, học sinh đăng ký tuyển sinh đại học theo từng khối thi A, B, C, D… Mỗi khối thi gồm 3 môn. Muốn thi vào trường nào, thí sinh nộp hồ sơ vào trường đó. Mỗi trường ra một đề thi riêng, Bộ GD-ĐT không ra đề chung cho tất cả học sinh trên toàn quốc. Cách thức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh như trên duy trì từ năm 1991 đến năm 2002.

Ngoài những ưu điểm, giai đoạn từ 1991-2002, xã hội chứng kiến những điều bị cho là “tiêu cực” liên quan đến thi cử. Học sinh lớp 12, ngoài việc lo thi tốt nghiệp còn “chong đèn thâu đêm” để ôn thi vào đại học. Các lớp ôn thi, trung tâm luyện thi (lò luyện thi) bộ đề tuyển sinh… bùng phát, gây nhiều tai tiếng.

Mỗi trường được ra đề thi riêng, thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển thì thường chọn đến trường đại học đó để ôn thi, vì tâm lý “thầy trong trường ra đề”. Do không giới hạn nguyện vọng, các khối thi lại được tổ chức cách nhau một thời gian nhất định nên nhiều thí sinh dự thi đến hai, ba khối thi. Nghĩa là, sau khi tốt nghiệp THPT, cả tháng trời, học sinh vùi đầu vào thi cử.

Trước tình hình đó, bắt đầu từ năm học 2002-2003,  Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức kỳ thi tuyển sinh vào đại học bằng cách tổ chức kỳ thi “ba chung” gồm chung đề, chung đợt, chung kết quả. Sự thay đổi lớn nhất của phương thức thi này là ở chỗ, các trường đại học, cao đẳng không còn được quyền tự ra đề thi như giai đoạn trước, thay vào đó, đề thi trên toàn quốc do Bộ GD-ĐT ra.

Sau khi tốt nghiệp, thí sinh vẫn dự thi đại học, cao đẳng nhưng bằng một đề chung, thống nhất. Thí sinh chỉ có mỗi việc lựa chọn trường đại học, cao đẳng nào để đăng ký. Toàn bộ đề thi, điểm sàn (điểm tối thiểu) do Bộ quyết định, nhà trường chỉ công bố điểm chuẩn cho từng ngành.

Điều này khiến trường đại học, cao đẳng không còn toàn quyền “muốn làm sao thì làm”. Khi kết quả thi tuyển được công bố, bằng cách lấy điểm từ trên xuống, thí sinh nào đủ điểm là coi như trúng tuyển đại học.

Kỳ thi “ba chung” duy trì từ năm học 2002-2003 đến năm học 2013-2014. Điểm giống nhau của kỳ thi này với kỳ thi của giai đoạn từ 1991-2002 là: học sinh lớp 12 vẫn có hai kỳ thi riêng biệt. Xã hội vẫn không hài lòng, vẫn phàn nàn, kêu ca rằng thi cử nặng nề, tốn kém, lãng phí…

Sau 12 năm áp dụng, bắt đầu từ năm học 2014-2015, kỳ thi “ba chung” kết thúc. Để thay thế, Bộ GD-ĐT quyết định cho ra đời một hình thức thi mới có tên gọi “kỳ thi trung học phổ thông quốc gia”.

Sự thay đổi lớn nhất cùa kỳ thi THPT quốc gia là chỉ tổ chức một kỳ thi để phục vụ cho hai mục đích, gồm xét công nhận tốt nghiệp và dùng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Ưu điểm, hạn chế của kỳ thi này đã được bàn luận, phân tích nhiều, không nhắc lại ở đây. Theo lộ trình, kỳ thi này sẽ duy trì từ năm 2015 cho đến ít nhất sau năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh Covid-19 như một “biến cố lịch sử” không ai lường được.

Dịch bệnh làm đảo lộn mọi mặt, từ kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, lao động việc làm… Dịch bệnh kéo dài, học sinh từ mầm non đến đại học phải nghỉ nguyên một học kỳ, tính đến thời điểm này. Chính vì điều đó, kỳ thi THPT quốc gia không thể duy trì, dù đã tinh giản chương trình, lùi thời gian kế hoạch năm học.

Lặp lại cách làm cũ?

Như đã trình bày trong phần đầu, thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học vẫn chưa phải chính thức, tức chưa có văn bản. Chính vì lẽ đó, thông tin được phát ra và báo chí đăng tải có phần bị nhiễu.

Điều đó khiến cho những người liên quan, nhất là học sinh- nhân vật chính của kỳ thi khó có thể nói là yên tâm. Như đã đề cập, ban đầu, lãnh đạo các cấp nói kỳ thi này chỉ dùng để công nhận tốt nghiệp, còn khâu tuyển sinh do trường đại học tự quyết định về đề thi và thời gian thực hiện.

Thông tin nêu trên được phát đi và ngay lập tức, những người trong ngành hoặc người có điều kiện theo dõi thời sự lập tức “liên tưởng” rằng, cuối cùng, chuyện thi cử cũng trở về lối cũ như cách đây hàng chục năm. Lò luyện thi lại mọc lên, học sinh lại lục tục, khăn gói kéo nhau về các đô thị lớn để ôn, thi…

 Sau động thái đó, như để trấn an dư luận, lãnh đạo Bộ lại lên tiếng khẳng định, các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể dùng kết quả điểm thi tốt nghiệp để làm căn cứ tuyển sinh. Nói nôm na cho dễ hiểu, trường nào muốn tổ chức thi riêng cứ việc tổ chức, trường nào muốn sử dụng điểm thi tốt nghiệp, thậm chí xét tuyển bằng học bạ của thí sinh… cũng được.

Về nguyên tắc, điều đó đúng với tinh thần của tự chủ tuyển sinh được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Tuy vậy, việc áp dụng luật có những vấn đề bất cập. Một trong những kẽ hở của chủ trương vừa nêu nằm ở tính chất kỳ thi, cụ thể là đề thi. Kỳ thi THPT quốc gia, do được phục vụ đồng thời hai mục đích nên tính chất, cấu trúc của đề thi khác với đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong đề thi THPT quốc gia, 60% câu hỏi, bài tập chỉ ở mức trung bình, cơ bản được dùng để công nhận tốt nghiệp. Tỷ lệ (40%) câu hỏi, bài tập còn lại là dạng đề nâng cao dùng để phân loai học lực của thí sinh. Tỷ lệ này chính là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Nhưng kỳ thi năm nay chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, tức tính chất đề thi hoàn toàn khác, vậy tại sao lại vẫn cho phép dùng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học? Câu hỏi này đã được trả lời phần nào, khi lãnh đạo Bộ cho biết, năm nay, chỉ khoảng 10% tổng số trường đại học, học viện tốp trên tổ chức kỳ thi riêng. Phần lớn các trường còn lại tuyển sinh bằng cách lấy điểm tốt nghiệp hoặc thông qua học bạ.

Chuyện hệ thống giáo dục đại học, do phải cạnh tranh gay gắt để thu hút thí sinh nên việc “hạ chuẩn đầu vào” không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng, những thông tin được phát ra vẫn không khiến những người quan tâm đến chất lượng giáo dục tán thành.

Đến nay, vẫn có ý kiến đề xuất, cho dù có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Bộ GD-ĐT cũng nên ra một đề thi chung theo từng khối thi cho học sinh toàn quốc, không nên để mỗi trường tự ra đề như cách làm của 30 năm về trước. Bộ chỉ ra đề thi, còn việc tổ chức thi giao cho trường đại học, điều đó sẽ giảm thiểu tiêu cực và bảo đảm công bằng với mọi thí sinh.

Việt Đông

Trong mấy ngày qua, nhiều lãnh đạo cấp cục, vụ của Bộ GD-ĐT nhiệt tình trao đổi với báo chí nhưng thông tin không phải lúc nào cũng thống nhất, thậm chí có cả sự sơ hở, mâu thuẫn.

Điều đó không những không làm rõ thông tin mà ngược lại khiến thông tin bị nhiễu. Nên chăng, từ nay đến ngày có quy chế chính thức (dự kiến ngày 10.5), Bộ GD-ĐT không nên- hoặc ít ra là hạn chế trao đổi với báo chí.

Một sự kiện, một quyết sách liên quan đến hàng chục triệu người không nên điều hành kiểu mạnh ai nấy nói. Chỉ riêng thí sinh tự do có được nộp hồ sơ xét tuyển đại học hay không, cũng lúc thế này lúc thế kia, ban đầu nói không, sau bảo có.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh