Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Mập mờ” chuyện bán cát tận thu tại một doanh nghiệp
Thứ tư: 11:45 ngày 08/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, UBND tỉnh cho phép 2 doanh nghiệp được khai thác cát trở lại trên địa bàn xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Trong khi chỉ có 2 doanh nghiệp trên được cấp phép, trong tháng 12.2019, lại có một doanh nghiệp nằm trên địa bàn xã Tân Hiệp bán cát ra thị trường và cho biết đã được cơ quan chức năng cho phép “tận thu từ năm 2017”.

Quang cảnh tại bãi cát của DNTN Minh Trọng (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 30.12).

TẬN THU CÁT TỪ NĂM 2017 ÐẾN NĂM 2019?

Qua phản ánh của người dân, ngày 30.12, chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại mỏ cát của DNTN Minh Trọng (ấp Thạnh Phú, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu). Lúc 14 giờ, khi vừa đến khu vực mỏ cát, chúng tôi bắt gặp xe chở cát chạy từ bãi ra. Bên trong bãi có một chiếc ghe đang hút cát dưới hồ chứa lên để bán.

Một thanh niên cho biết, cát dưới hồ là cát tồn, được ngành chức năng cho phép tận thu nên bơm lên để bán chứ không phải khai thác cát mới. Tuy nhiên do chủ doanh nghiệp không có mặt tại bãi cát nên họ không thể cung cấp thêm thông tin gì. Trao đổi qua điện thoại, chủ doanh nghiệp cho rằng, số cát bơm lên bán những ngày qua được cơ quan có thẩm cho quyền phép tận thu và đã đóng thuế đầy đủ (!?).

Theo tìm hiểu của người viết, ngày 15.6.2017, UBND tỉnh có Công văn số 1587/UBND-KTN đồng ý chủ trương cho DNTN Minh Trọng được xuất bán ra thị trường lượng cát tồn tại bãi cát ở ấp Thạnh Phú, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, với khối lượng 13.500m3, nhằm góp phần  điều tiết cung cầu và giá cả. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản;  giao UBND huyện Tân Châu và các ngành liên quan (Chi cục Thuế, Phòng TN&MT…) kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, nghĩa vụ thuế theo chủ trương này.

DNTN Minh Trọng phải kê khai đầy đủ và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định; cam kết trong quá trình vận chuyển cát đi tiêu thụ sẽ không làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân sinh sống cặp tuyến đường đất từ bãi cát dẫn ra trục đường chính 785, và cam kết sửa chữa tuyến đường vận chuyển nếu gây hư hỏng.

Thế nhưng một điều khá lạ là, sau hơn 2 năm kể từ ngày được cấp phép, tháng 11.2019, DNTN Minh Trọng lại có đơn gửi UBND huyện về việc xin bơm rửa tận thu cát còn tồn đọng của doanh nghiệp. 

Ngày 26.11.2019, UBND huyện Tân Châu có Công văn số 3349/UBND về việc kiểm tra hiện trạng và đề xuất hướng xử lý số cát còn tồn trên bãi. UBND huyện giao Phòng TN&MT huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an huyện, UBND xã Tân Hiệp kiểm tra, khảo sát hiện trạng và tham mưu đề xuất UBND huyện hướng xử lý nội dung theo đề nghị của doanh nghiệp.

Ðến tháng 12.2019, người dân phản ánh doanh nghiệp đã bắt đầu bơm, rửa cát để bán ra thị trường. Do đó người dân thắc mắc việc doanh nghiệp “tận thu” cát như vậy có phù hợp với quy định hay không?

SỞ TN&MT KHÔNG ÐỒNG Ý NHƯNG HUYỆN KHÔNG BIẾT

Theo Sở TN&MT, cơ quan này có nhận được đơn xin xem xét bơm rửa cát tận thu của DNTN Minh Trọng. Ngày 17.12.2019, Sở TN&MT ban hành Công văn số 7306/STNMT-PQLTNN&KS về việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị tiếp tục thực hiện chủ trương bán cát còn tồn đã khai thác của DNTN Minh Trọng gửi cho doanh nghiệp này. Theo đó, ngày 3.12, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với Phòng TN&TM huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hiệp kiểm tra thực tế tại vị trí đề nghị tận dụng cát tồn.

Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp có một máy sàng cát đang hoạt động, trên bãi có 2 xe kobe Komatsu và 1 xe Komatsu 07 P200. Khối lượng cát có tại bãi khoảng 300m3. Khu vực bãi cát có 2 ao đang ngập nước. Ao 1 có chiều ngang khoảng 30m, dài khoảng 40m, trong ao có 1 bè phao bằng sắt có thiết bị bơm hút đường kính 114mm hút cát lên bãi chứa; ao thứ 2 có chiều ngang khoảng 40m, chiều dài khoảng 90m, sâu 2,5m, doanh nghiệp dùng kobe nạo vét vận chuyển cát lên bãi chứa. 

Theo doanh nghiệp, từ khi được UBND tỉnh chấp thuận cho chủ trương tận dụng cát tồn đến nay, doanh nghiệp đã xuất bán khoảng 6.000m3, còn lại khoảng 7.500m3. Về nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp đã nộp đầy đủ, tuy nhiên chưa kèm theo chứng từ thuế.

Từ đó, Sở TN&MT yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện chủ trương của UBND tỉnh tại Công văn số 1587/UBND-KTN ngày 15.6.2017 (từ ngày có chủ trương đến ngày kiểm tra 3.12.2019). Về nghĩa vụ tài chính, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên và phí môi trường đối với khối lượng cát đã tận dụng kèm theo chứng từ thuế.

Sở TN&MT yêu cầu doanh nghiệp tạm ngưng việc bán cát tồn, bổ sung lắp đặt trạm cân, camera giám sát, hồ lắng (trường hợp có rửa cát). Sở TN&MT đề nghị DNTN Minh Trọng nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trên để được tiếp tục xem xét, giải quyết. 

Tuy nhiên qua những gì người dân phản ánh và qua hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được cho thấy, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục bán cát, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.

Một cán bộ lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tân Châu cho biết, Phòng không nắm được yêu cầu của Sở vì công văn của Sở chỉ gửi cho doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 31.12.2019, các phòng, ban của huyện và UBND xã Tân Hiệp đã đến làm việc và doanh nghiệp đã đồng ý ngưng bán cát để thực hiện các nội dung yêu cầu của Sở TN&MT. Bên cạnh đó, Phòng TN&MT và chính quyền địa phương sẽ theo dõi sát sao, nếu phát hiện doanh nghiệp bán cát ra thị trường sẽ kịp thời xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Vấn đề đặt ra với khối lượng cát còn khoảng 300m3 khi Sở TN&TM kiểm tra có tại bãi, thời gian qua doanh nghiệp có bán ra thị trường hay không? Khối lượng cát mà doanh nghiệp đã bán đi là bao nhiêu là vấn đề mà các ngành chức năng cần làm rõ. 

THẾ NHÂN 

Theo Sở TN&MT, tại Công văn số 1984/UBND-KTTC ngày 11.9.2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ rà soát lại các loại giấy phép đã cấp để bổ sung đánh giá đầy đủ các loại khoáng sản theo thực tế khai thác để thu đúng, thu đủ các loại nghĩa vụ tài chính.
Sau khi rà soát, Sở TN&MT cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 98 giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn sử dụng. Trong đó có 18 giấy phép khai thác cát, 1 giấy phép khai thác đá xây dựng, 4 giấy phép khai thác than bùn và 75 giấy phép khai thác khoáng sản san lấp. 

Ghe hút cát nằm trong ao tại bãi cát (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 30.12).

data:
Truy cập ngay https://europharmvn.com/lutidha/ DHA bầu từ Pháp The Global City
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục