Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chuyện “bẻ kèo” hợp đồng liên kết thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân không phải là mới và qua đó cho thấy, sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân rất “mong manh”.
Từ sự việc doanh nghiệp “bẻ kèo” với các hộ dân trồng chuối tại các huyện Tân Châu, Tân Biên mới đây lại càng thấy “sợi dây” liên kết “mong manh” hơn. Thực trạng ấy đã và đang đẩy người nông dân vào tình trạng dở khóc, dở mếu, đồng thời khó tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ nông dân thiết thực, hữu hiệu hơn. Nhất là phải thực sự đẩy mạnh liên kết “4 nhà” chứ không thể để nhà doanh nghiệp “quay lưng, trở mặt” với nhà nông.
Phân loại mãng cầu trước khi bán ra thị trường.
HỢP ĐỒNG “LỎNG LẺO”
Vụ thu hoạch mãng cầu năm 2013, có doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề thu mua mãng cầu với gia đình anh Nguyễn Văn Trọng - ngụ huyện Hoà Thành với hình thức thu mua 100% trái trong vườn, không phân loại lớn, nhỏ với giá 12.000 đồng/kg. Doanh nghiệp này đồng ý bao tiêu toàn bộ gần 2 ha mãng cầu khi trái chín, anh Trọng không phải lo chuyện thu hoạch, bảo quản. Những tưởng đây là hướng “mở” đầy ánh sáng đối với gia đình anh Trọng, có thể nhân rộng ra các hộ nhà vườn khác.
Tuy nhiên, “thương vụ” này không có hợp đồng bằng văn bằng nào được ký kết mà chỉ là hợp đồng… miệng. Đến khi mãng cầu chín, không thấy ai đến thu hoạch, liên hệ số điện thoại được cho là của “nhân viên kinh doanh” cũng không có người bắt máy. Gia đình anh Trọng phải chạy đôn, chạy đáo thu hoạch vội vàng và mang ra các chợ bán đổ, bán tháo.
Hay mới đây, như Báo Tây Ninh đã phản ánh, nông dân tại huyện Tân Châu ký hợp đồng bán chuối già Nam Mỹ với Công ty TNHH Ngọc Đỉnh, có địa chỉ tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo hợp đồng, Công ty có trách nhiệm cung cấp cây giống có chất lượng và bao tiêu đầu ra nông sản. Vậy mà, khi chuối chín không thấy công ty lên thu mua chuối, người trồng chuối gọi điện và bị hẹn tới, hẹn lui nhiều lần. Đến ngày 24.1.2017, Công ty Ngọc Đỉnh mới chính thức thông báo không thể thu mua chuối, người dân tự tìm mối để bán.
Đây là hai trong số những vụ việc người dân bị doanh nghiệp “bẻ kèo” khi ký hợp đồng liên kết thu mua nông sản. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những trường hợp “bẻ kèo” theo chiều ngược lại, nghĩa là khi “cầu vượt cung”, nông dân đã tự phá vỡ hợp đồng khi có thương lái đến tận ruộng, tận vườn trả giá mua nông sản với mức cao hơn.
Buồn thay, đây lại là tâm lý chung của không ít người. Bà Nguyễn Thị Bé Mỹ - nông dân xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Khi đến vụ thu hoạch lúa, mì, thương lái từ nơi khác đổ xô đến mua, nếu thấy được giá là bán. Có năm công ty ký hợp đồng thu mua từ đầu vụ nhưng giá thấp hơn thương lái nhiều quá, “buộc” chúng tôi phải bán cho thương lái để được lợi nhiều hơn. Nông dân chúng tôi cực nhọc, quanh năm trồng trọt chỉ mong đến ngày thu hoạch và bán ngay trên đồng thôi”.
Rõ ràng, mối liên kết giữa doanh nghiệp thu mua nông sản và nông dân sản xuất nông nghiệp như sợi dây mong manh. Khả năng một trong hai bên đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động về giá cả, hoặc đầu ra trên thị trường không ổn định rất dễ xảy ra.
Ở nông thôn, phần lớn nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, nghĩ đến lợi ích lâu dài và chiến lược cho đầu ra sản phẩm mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Chưa kể, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; sản lượng cung cấp trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao... cũng là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc ký hợp đồng thu mua.
Bên cạnh đó, tính dự báo thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế. Đó là những nguyên nhân khiến cho sợi dây liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ không được bền chặt.
CÓ CĂN CỨ PHÁP LÝ, NHƯNG CHƯA CÓ TRỌNG TÀI
Năm 2002, vai trò của mối liên kết “4 nhà” đã được xác định khi Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng (Quyết định 80). Tiếp đó là các biện pháp thúc đẩy thực hiện như Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn 15 năm, liên kết “4 nhà” tuy đã hình thành nhưng lỏng lẻo mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, dễ xảy ra tình trạng “bẻ kèo” do hợp đồng thiếu chế tài.
Phát biểu tại cuộc họp xây dựng cánh đồng lớn tại huyện Dương Minh Châu, ông Lê Hoàng Nam – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Trạng cho biết: “Cần có chính sách quy hoạch vùng sản xuất phù hợp và cần làm cho người nông dân hiểu rõ được lợi ích của mình trong chuỗi liên kết. Doanh nghiệp đảm bảo được quyền lợi của nông dân, khi đó sẽ tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa liên kết “4 nhà”, quyền lợi của nông dân và cả doanh nghiệp sẽ được đảm bảo”.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhà nông và doanh nghiệp đều rất cần nhau, mối quan hệ hỗ tương này đóng vai trò quyết định thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá của tỉnh nhà phát triển. Việc ký kết hợp đồng thay vì thoả thuận bằng miệng và cam kết thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng là điểm mấu chốt để hài hoà lợi ích của cả hai phía trong quan hệ làm ăn, buôn bán.
Hiện nay, vẫn chưa có “trọng tài” để phân xử những hợp đồng thu mua nông sản “bẻ kèo”. Chính vì vậy, nhiều nông dân mong muốn được phía doanh nghiệp đầu tư “ứng trước” cây giống, phân bón, kỹ thuật khi tham gia vào hợp đồng liên kết.
Chị Trần Thị Thuỳ - ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, nông dân trồng mãng cầu cho biết: “Nếu được doanh nghiệp ký kết hợp đồng hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật… nông dân sẽ yên tâm sản xuất. Còn nếu chỉ đơn thuần ký hợp đồng thu mua mà không đi kèm sự hỗ trợ nào, nông dân rất sợ đến vụ thu hoạch doanh nghiệp không thu mua, khiến nông dân bị điêu đứng”.
Anh Trần Trung Kiên giới thiệu mô hình trồng mãng cầu theo hướng VietGAP.
NÂNG ĐỠ NÔNG DÂN LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
Ông Phạm Văn Nhân - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất- thương mại- dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) cho rằng, việc nông dân, HTX liên kết với doanh nghiệp là một trong những giải pháp để nông dân sản xuất bền vững, lợi nhuận được đảm bảo.
Theo đó, những vấn đề về kỹ thuật như tưới nước, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật, và giống cây trồng cho năng suất như thế nào cũng cần đặt ra trong quá trình liên kết. Nếu được Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp chia sẻ khó khăn sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất, và sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao. Thực hiện được vấn đề này, chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ được đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Anh Tiến - Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Phụng Sơn, khi nông dân ký kết hợp đồng thu mua mãng cầu sẽ nhận được sự hỗ trợ về cây giống mới, kỹ thuật, phân bón, đo đạc kiểm tra các tiêu chuẩn và các chính sách khác của công ty theo quy định của Nhà nước. Công ty cũng cam kết thu mua toàn bộ mãng cầu cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Anh Tiến nhấn mạnh: “Công ty có lộ trình xây dựng thương hiệu mãng cầu Bà Đen đạt tiêu chuẩn VietGAP rõ ràng, vì vậy rất mong nhận được sự tham gia của cơ quan Nhà nước khi doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân, để nâng cao hơn nữa giá trị của hợp đồng”.
Việc mời cơ quan chức năng tham gia chứng kiến việc ký kết hợp đồng liên kết thu mua, có thể được xem như là “trọng tài” để giải quyết tranh chấp nếu các bên đơn phương phá vỡ hợp đồng.
Có thể nói, việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng nằm trong mối quan hệ liên kết “4 nhà” là mục tiêu giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà hướng tới sự bền vững và quyền lợi của nông dân được đảm bảo. Trong mối liên kết này, việc hỗ trợ nông dân phải được xem là điều kiện tiên quyết.
Vũ Nguyệt