Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7:
“Nóng” nhiều vấn đề
Chủ nhật: 23:27 ngày 05/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuần qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri khối huyện, cụm liên xã trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, có những kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Công nhân Điện lực Tây Ninh hạ cáp trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

“Nóng” về giá xăng, điện và xâm hại trẻ em

Vấn đề được nhiều cử tri đề cập đến là việc giá xăng, giá điện tăng. Một cử tri ngụ xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) phàn nàn: “Giá xăng tăng, làm các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Giá điện tăng cao trong tháng 3, tháng 4, gây bất lợi cho người sử dụng. Đề nghị Quốc hội kiến nghị Chính phủ có chiến lược phát triển điện năng hợp lý”.

Một cử tri ngụ TP. Tây Ninh đề nghị: “Cần có sự phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trong kết cấu tăng đơn giá điện, chứ không nên giao cho một ngành quyết định”. Cử tri xã Long Giang (huyện Bến Cầu) lên tiếng: “Kiến nghị Quốc hội kiểm tra lại vấn đề tăng giá tiền sử dụng điện quá cao”.

Một cử tri ở xã An Hoà (huyện Trảng Bàng) bức xúc về nạn xâm hại trẻ em gần đây, nhưng chậm xử lý hoặc xử lý quá nhẹ: “Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Hình sự để xử lý những trường hợp này một cách đích đáng”.

Trả lời những vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ: Trên thế giới, tuỳ theo điều kiện mỗi nước, quy định giá tiền điện khác nhau. Có nước chia thành 8 bậc, 4 bậc, 1 bậc và có nước càng sử dụng nhiều điện giá càng rẻ. Ở nước ta, nguồn điện chủ yếu sản xuất được từ nhiệt điện và thuỷ điện. Đối với nhiệt điện, giá thành sản xuất 1kW điện đang hơn 2 ngàn đồng.

Hiện tại, ngành Điện lực bán ra cho những hộ tiêu dùng dưới 200 kW/tháng với giá 1.400 - 1.500 đồng/kW. Tức là ngành Điện lực đang phải bù lỗ hơn 500 đồng/kW đối với những hộ tiêu dùng dưới 200 kW/tháng. Đây là chính sách của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta đối với những gia đình có thu nhập thấp, sử dụng điện ít. Trong kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội sẽ yêu cầu ngành Điện lực báo cáo trước Quốc hội, trước toàn dân về cách thức tính toán giá điện một cách minh bạch, rõ ràng. Từ đó, thể hiện không có việc lợi dụng tăng giá điện để thu thêm, mà tập trung vào việc thu tiền của những hộ sử dụng nhiều điện để hỗ trợ cho người nghèo.

Vấn đề tăng giá xăng, ông Tiến cho biết, trong những tháng gần đây, nhiều lần giá xăng dầu tăng, tổng số tăng hơn 3 ngàn đồng/lít. Những năm trước đây, giá xăng dầu tăng chậm và ít hơn, vì nước ta có quỹ bình ổn giá. Cách đây ba tuần, Quốc hội có buổi làm việc với đoàn giám sát quỹ bình ổn này. Kết quả cho thấy, trong những đợt tăng giá xăng dầu của thế giới vừa qua, quỹ bình ổn xăng dầu của nước ta gần như không còn.

Cho nên đến thời điểm này ngân sách Nhà nước cũng không còn khoản nào để có thể bù cho giá xăng dầu. Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát vấn đề này cũng như việc nhập xăng dầu để bảo đảm việc nhập xăng dầu đúng nhu cầu của đất nước. Hiện nay, có ý kiến cho rằng thả nổi giá xăng dầu. Quốc hội đã tính toán phương án, Nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu nữa. Quốc hội đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri về vấn đề này.

Về tình trạng xâm hại trẻ em, ông Tiến nói: “Thời gian gần đây có nhiều vụ liên quan đến việc các bé gái bị xâm hại và có rất nhiều cử tri đề nghị phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn vấn đề này. Hiện nay, Quốc hội đã họp, đưa vào chương trình, dự kiến xin ý kiến đại biểu Quốc hội, trong chương trình giám sát tối cao năm 2020, Quốc hội chỉ giám sát một chuyên đề duy nhất là xâm hại trẻ em, nhằm bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước”.

Cử tri phát biểu về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết

Trong các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri nhắc lại những vấn đề đã phản ánh nhiều lần nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, một cử tri ở Phòng Tư pháp huyện Bến Cầu phản ánh, những năm qua, Hội đồng tuyển chọn nghĩa vụ quân sự ở địa phương gặp khó khăn trong công tác tuyển quân vì vướng luật. Luật Cư trú quy định, thanh niên vắng mặt ở địa phương từ 90 ngày trở lên phải khai báo.

Điều đó có nghĩa là thanh niên vắng mặt ở địa phương 89 ngày trở lại thì không cần khai báo. Lợi dụng quy định này, trong thời gian chuẩn bị tuyển quân, nhiều thanh niên rời khỏi địa phương gần 3 tháng. Thực tế này đã gây khó khăn cho công tác chuẩn bị quân số, vì thời điểm trước khi tuyển quân, rất cần sự có mặt của thanh niên ở địa phương.

“Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Cư trú, quy định, thanh niên vắng mặt ở địa phương từ 30 ngày trở lên phải khai báo cho phù hợp. Các cơ quan quân sự huyện, tỉnh đã đề xuất sửa đổi nội dung này nhiều lần, nhưng đến nay chưa được sửa đổi” - cử tri này nhắc lại.

Đại biểu Quốc hội - Đại tá Hoàng Đình Chung- Phó Chủ nhiệm Quân khu 7 trả lời: “Đoàn đại biểu Quốc hội thấu hiểu vấn đề này và đã đề xuất sửa đổi Luật Cư trú, nhưng đến nay chưa có chủ trương điều chỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục kiến nghị”.

Tình trạng karaoke lưu động cũng là vấn đề “nhức nhối”. Cử tri xã Long Giang (huyện Bến Cầu) phàn nàn: “Những năm gần đây, loại hình karaoke lưu động ngày càng phát triển. Người tham gia karaoke thường hát quá giờ giấc, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người già, trẻ em”. Một cử tri ngụ xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) cũng phản ánh: “Ở xóm tôi, nhiều nhà hát karaoke di động từ trong nhà ra đến ngoài đường, ngoài đồng. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, nhưng đến nay chưa được giải quyết”.

Đại tá Hoàng Đình Chung cho hay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản quy định về thời gian hoạt động đối với loại hình dàn âm thanh di động. Về mặt tư pháp, hiện nay còn vướng đối với hoạt động karaoke gia đình. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, mua sắm dàn karaoke cố định hoặc dàn âm thanh di động để ca hát. Đôi khi họ hát quá giờ giấc, làm ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở đối với những hộ dân này.

Một số cử tri bày tỏ quan ngại về tình hình tội phạm ma tuý, cần phải có biện pháp xử nghiêm loại tội phạm này. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chia sẻ: tội phạm ma tuý đang ngày càng tăng. Trước, buôn bán trái phép ma tuý chỉ vài kilogram đã là quá nhiều, thời gian gần đây, lực lượng chức năng bắt được nhiều vụ buôn bán ma tuý tính bằng tấn.

Tội phạm ma tuý là “cha đẻ” của các loại tội phạm khác. Tuy nhiên,  đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Thứ nhất, cho rằng người nghiện ma tuý là con bệnh, cần được chữa trị. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, những người nghiện ma tuý này có thể tội phạm bất cứ lúc nào. “Ranh giới giữa con nghiện và tội phạm rất mong manh, Quốc hội đang nghiên cứu, sửa đổi”- đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.

Ngô Đình Hân- đối tượng ngáo đá dùng dao đâm chết mẹ ruột vào ngày 1.5.2019.

Ngoài ra, còn một số vấn đề người dân đang mong chờ pháp luật xử lý mạnh tay hơn, như vấn đề phân bón giả, kém chất lượng. Một cử tri ngụ xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) cho hay: “Hiện nay trên thị trường, phân bón giả, kém chất lượng quá nhiều. Có loại phân, mua về, đem rải xuống ruộng cả tháng sau vẫn chưa tan. Nhặt lên xem thử thì ra toàn là đất sét.

Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ mùa và gây bạc màu đất nông nghiệp. Trên thực tế, ngành chức năng đã kiểm tra, xử phạt những người sản xuất, kinh doanh các loại phân bón “dỏm” này, nhưng mức xử phạt quá thấp. Vì vậy, những người sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng không sợ, mong Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định tăng mức xử phạt, kể cả xử lý hình sự và rút giấy phép kinh doanh”.

Tệ nạn tham nhũng, nhất là đối với những vụ tham nhũng lớn với số tiền hàng ngàn tỷ đồng chưa thấy thu hồi tài sản do tham nhũng ra sao. Cải cách hành chính, giảm thủ tục này nhưng lại tăng thủ tục khác, làm khó cho doanh nghiệp cũng là vấn đề được dư luận quan tâm.

Đại Dương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục