Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh:
“Nóng”vấn đề Giáo dục - Đào tạo
Thứ sáu: 07:12 ngày 12/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hôm qua 11.7, ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo Tây Ninh lược thuật một số nội dung chính trong phiên họp này.

Máy tính dùng để dạy nghề cho học sinh phổ thông ở Trung tâm GDNN - GDTX Bến Cầu.

Sở Giáo dục & Đào tạo: Sẽ chuyển giáo viên, học sinh Trung tâm GDNN-GDTX về trường phổ thông

Trong phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh hỏi Giám đốc Sở GD&ĐT về tình hình đầu tư, hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm). 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, về mặt pháp lý, theo Điều 4 Luật Giáo dục 2005, sửa đổi năm 2009, trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân, Nhà nước có chính sách phát triển thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập. Nhiệm vụ của trung tâm là tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, tổ chức các lớp học theo các chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, các hoạt động lao động sản xuất và các hoạt động khác phục vụ học tập.

Đánh giá khái quát về thực trạng hoạt động của Trung tâm, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, giai đoạn từ năm 1995 trở về trước, Tây Ninh có 8 trung tâm GDTX các huyện được thành lập trên cơ sở hợp nhất trường bổ túc văn hoá và trung tâm dạy nghề trực thuộc Sở GD&ĐT. Năm 2006, Trung tâm GDTX huyện, thị xã thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ dạy nghề. Các quyết định điều chỉnh chức năng nhiệm vụ ngành học GDTX, giải thể các trung tâm thực hành, trung tâm hướng nghiệp được sáp nhập tổ chức lại thành Trung tâm GDTX thực hiện các chức năng dạy bổ túc văn hoá - dạy nghề và hướng nghiệp.

Năm 2015, thực hiện các quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án tổ chức lại trung tâm GDTX thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh Tây Ninh. Theo các quyết định, Trung tâm GDNN-GDTX là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, do Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý.

Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục và đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thời điểm xây dựng các trung tâm GDTX được thực hiện theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS học các trường nghề, GDTX. Do đó, khi xây dựng cơ sở vật chất các trung tâm được tính trên quy mô từ học sinh hiện có tại các trung tâm và theo chức năng nhiệm vụ của trung tâm.

Quy mô xây dựng phòng học, phòng chức năng tại thời điểm xây dựng, việc trang bị cơ sở vật chất phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu về chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục. Ngoài 2 trung tâm GDTX Hoà Thành và TP. Tây Ninh xuống cấp nặng, không đáp ứng yêu cầu giảng dạy, các Trung tâm còn lại được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu thực hiện 3 chức năng giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và đến thời điểm hiện nay không gây lãng phí.

Về việc trang bị thiết bị nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Sở cho biết, việc này căn cứ vào Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo tinh thần này, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên là: “Tiếp tục phát triển mạng lưới, mở rộng chức năng đào tạo nghề của các trung tâm nhằm tăng cơ hội học nghề cho người lao động, từng bước phố cập nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị”.

Đánh giá hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị nghề cho động nông thôn, lãnh đạo Sở nhìn nhận, trang thiết bị đầu tư (trang bị trong năm học 2011-2012) cho các Trung tâm đáp ứng được yêu cầu cho công tác dạy một số nghề cơ bản, phổ biến trên địa bàn tỉnh, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, chuyển dần cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, không phải không có những hạn chế. Đó là, tần suất khai thác, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề lao động nông thôn đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân được xác định: việc chuyển đổi các ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở giai đoạn đầu khó thực hiện. Số lao động nông thôn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp không qua đào tạo nghề tại địa phương để xin việc làm, mà ngược lại, xin việc làm và được người sử dụng lao động đào tạo tay nghề.

Để nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm trong thời gian tới, Sở GD&ĐT thông tin với đại biểu, tiếp tục duy trì hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực địa phương. “Phát triển giáo dục thường xuyên là một nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những điều cốt lõi tạo nên một tam thức giáo dục bao hàm hầu hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn.

Tam thức đó bao gồm giáo dục thường xuyên;  đào tạo liên tục; học tập suốt đời; thực hiện phân luồng học sinh; đa dạng hoá giáo dục nâng cao dân trí…”- lãnh đạo Sở GD&ĐT nói về giải pháp cải thiện hoạt động của Trung tâm.

Ngoài nội dung nêu trên, đại biểu HĐND cũng hỏi thêm lãnh đạo ngành Giáo dục về nhiều vấn đề liên quan như tình hình học sinh ở Trung tâm quá ít, làm gì với số học sinh này?

Lãnh đạo Sở cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ xem xét chuyển cả thầy và trò (dạy và học văn hoá) về dạy và học tại các trường phổ thông. Lý do, theo quy định hiện hành, kỳ thi THPT quốc gia không phân biệt học sinh hệ bổ túc văn hoá hay hệ giáo dục phổ thông. Do vậy, khi chuyển về học ở trường phổ thông, học sinh Trung tâm không ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, việc điều chuyển này phải có lộ trình, không thể làm gấp. Dự kiến, việc điều chuyển chỉ có thể thực hiện sau năm 2020, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Một số đại biểu tán thành phương án này của Sở GD&ĐT. Ngoài Sở GD&ĐT, lãnh đạo các sở liên quan như Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch - Đầu tư cũng tham gia trả lời, làm rõ thêm nhiều nội dung về lĩnh vực giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Chấn chỉnh thiếu sót trong tranh tụng

“Lĩnh vực tư pháp hiện nay còn tồn tại những hạn chế như án trả điều tra bổ sung về chứng cứ, án bị huỷ, bị sửa nhưng không kịp thời kháng nghị. Lĩnh vực thi hành án còn nhiều sai phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời. Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại toà chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp… Những vấn đề này có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao còn tồn tại vấn đề trên, biện pháp khắc phục trong thời gian tới”- đại biểu chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Viện Kiểm sát cho biết, thời gian qua, trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã nỗ lực khắc phục các khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số khuyết điểm, hạn chế như nội dung chất vấn đã đặt ra.

Những tồn tại, hạn chế này đã được Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thẳng thắn nhìn nhận, xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Về nguyên nhân chủ quan, trước hết là do yếu tố con người. Mặc dù Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để kiểm sát viên, cán bộ học tập đào tạo, rèn luyện về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tuy nhiên, về mặt này mặt khác, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên nhưng vẫn chưa đồng đều.

Vẫn còn cán bộ, kiểm sát viên chưa chịu khó học tập, rèn luyện nên thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin khi thực hiện nhiệm vụ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong những trường hợp cụ thể. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành có nơi chưa đổi mới, chưa thật sự sâu sát, chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, thiếu sót đã được chỉ ra trước đó.

Bên cạnh đó, còn nguyên nhân khách quan như, quy định của pháp luật ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp cuộc sống, luật chậm được hướng dẫn nên khó khăn trong việc áp dụng. Khối lượng công việc nhiều trong khi thiếu biên chế, thiếu cán bộ có chức danh pháp lý nên ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả, chất lượng công tác.

Đại biểu Trần Văn Hận chất vấn, đề xuất ý kiến với ngành Giáo dục. Ảnh: Tâm Giang

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề ra một số giải pháp. Trước hết là quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ. Ngoài những nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch chung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ chủ động rà soát những vấn đề còn yếu, còn thiếu để tổ chức bồi dưỡng.

Khuyến khích cán bộ học tập, bồi dưỡng, từ thực tiễn công tác, tăng cường tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm, chỉ ra những vấn đề hạn chế cần khắc phục. Những cán bộ, kiểm sát viên đã được kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng không khắc phục sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Thứ hai, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện được giao, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện Kiểm sát cấp trên với cấp dưới, giữa Viện Kiểm sát với cơ quan hữu quan. Kịp thời tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác đến Viện Kiểm sát cấp trên và cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, tổng kết rút kinh nghiệm qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhất là chất lượng tranh tụng của Viện Kiểm sát tại toà. Đồng thời, phát huy hiệu quả hệ thống quan sát phiên toà đã được địa phương hỗ trợ lắp đặt, xem đó là phương tiện hữu hiệu để chấn chỉnh những thiếu sót trong tranh tụng; tổ chức nhiều hơn các phiên toà trực tuyến để rút kinh nghiệm chung.

Ngoài nội dung chính yếu nêu trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh còn trả lời cụ thể một số câu chất vấn do đại biểu nêu.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh